Tin mới

10 cơ trưởng mưu trí cứu hàng trăm người khỏi tai nạn thảm khốc

Thứ tư, 27/08/2014, 10:07 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Bằng tài năng và cách thức xử lý tình huống phù hợp, nhiều cơ trưởng đã vượt qua khả năng của chính mình trong những chặng đường bay. Họ đã làm được những điều quan trọng hơn cả thay đổi lịch sử, đó là cứu sống hàng trăm người vô tội khỏi tai nạn máy bay thảm khốc.

(Tinmoi.vn) Bằng tài năng và cách thức xử lý tình huống phù hợp, nhiều cơ trưởng đã vượt qua khả năng của chính mình trong những chặng đường bay. Họ đã làm được những điều quan trọng hơn cả thay đổi lịch sử, đó là cứu sống hàng trăm người vô tội khỏi tai nạn máy bay thảm khốc.

Robert Schornstheimer

Hôm 28/4/1988, trong chuyến bay ngắn từ Hili tới Honolulu, 97 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã vô cùng hoảng sợ khi chứng kiến phần mái của máy bay bị nứt khi đang bay qua không phận đảo Maui. Ở độ cao 7.300 m, những luồng gió cực mạnh cùng luồng khí lạnh khiến nỗi sợ của họ càng lớn hơn. Đường dây điện thoại đứt nên một số tiếp viên và hành khách nghĩ rằng phi công đã chết. 

Cơ trưởng Robert Schornstheimer

Cơ trưởng Schornstheimer đã điều hành mọi việc và cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất. 65 hành khách bị thương và một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Điều khiến câu chuyện thuyệt vời hơn là trường hợp mà chiếc máy bay này gặp phải không hề có trong tình huống dự liệu mà phi công được đào tạo. Sự nhanh trí, lòng dũng cảm của cơ trưởng đã truyền nghị lực cho những người sống sót trong chuyến bay.

Chesley Burnett Sullenberger III

Ngày 15/1/2009, chuyến bay 1549 đang thực hiện hành trình từ thành phố New York tới thành phố Charlotte, bang North Carolina (Mỹ) thì đâm vào một đàn chim. Động cơ của chiếc Airbus A320 đã cháy. Sau khi nhận tin, trạm kiểm soát không lưu yêu cầu máy bay quay lại sân bay LaGuardia hoặc hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất. 

Cơ trưởng Sullenberger đã cứu sống 155 hành khách và phi hành đoàn bằng cách đáp máy bay xuống dòng sông Hudson

Tuy nhiên, cơ trưởng Sullenberger đã quyết định đáp máy bay xuống dòng sông Hudson vì cho rằng trạm kiểm soát không lưu đưa ra yêu cầu không khả thi. Ông thông báo tới hành khách quyết định này của mình, sau đó cùng cơ phó cho máy bay hạ cánh. Ông cũng là ngươi cuối cùng rời khỏi máy bay sau khi đảm bảo tất cả hành khách đã được an toàn.

Sau khi máy bay hạ cánh xuống sông Hudson, đội cứu hộ nhanh chóng xuất hiện và giải cứu những người trên phi cơ. 155 hành khách và phi hành đoàn đều an toàn. 

Alfred C. Haynes 

Hôm 19/7/1989, chuyến bay 232 của hãng hàng không United Airlines gặp nạn khi đang trong hành trình từ sân bay quốc tế Stanpleton ở thành phố Denver, bang Colorado đến sân bay quốc tế O'Hare ở thành phố Chicago, bang Illinois. Một cánh quạt trong động cơ số 2 vỡ, làm hư hại hầu hết các bộ phận điều khiển máy bay. 

Cơ trưởng Alfred C. Haynes

Cơ trưởng Alfred C.Haynes đã cùng Dennis Fitch, một giáo viên dạy bay, cố gắng điều chỉnh động cơ và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Sioux Gateway ở thành phố Sioux, bang Iowa. Khoảng 2/3 số người trên phi cơ sống sót. Mặc dù có số lượng người tử vong cao (111 người), vụ tai nạn vẫn được coi là một ví dụ điển hình về khả năng ứng phó nhanh trí của phi hành đoàn trong các trường hợp khẩn cấp và cứu sống được nhiều người. 

Tadeusz Wrona 

Hôm 1/11/2011, trong quá trình chuyến bay mang số hiệu 16 của hãng hàng không LOT Polish Airlines cất cánh, chất lỏng thủy lực trên máy bay rò rỉ khiến bộ phận tiếp đất gặp trục trặc. 30 phút sau khi cất cánh, phi hành đoàn nhận ra sự cố. Cơ trưởng Tadeusz Wrona quyết định cho phi cơ hạ cánh bằng bụng. 

Cơ trưởng Tadeusz Wrona

Trước khi hạ cánh xuống sân bay Chopin ở thủ đô Warsaw, Wrona đã điều khiển máy bay di chuyển vòng quanh sân bay hơn một giờ để tiêu hao nhiên liệu thừa và giúp cơ quan dưới mặt đất chuẩn bị ứng phó với việc hạ cánh. Giới chức địa phương đã đóng sân bay và sơ tán hành khách. Mặc dù sau khi thực hiện việc hạ cánh bằng bụng, phi cơ hỏng đến mức không thể sửa, nhưng không ai trên máy bay thiệt mạng hoặc bị thương. Người ta đã mất 90 giây để sơ tán toàn bộ hành khách khỏi máy bay.

Karl Van Der Elst

Ngày 15/12/1989, chuyến bay KLM 867 từ Amsterdam (Hà Lan) đến Tokyo (Nhật Bản) đâm vào một đám mây hình thành từ tro núi lửa khiến 4 động cơ trên máy bay hỏng. Cơ trưởng Karl Van Der Elst cùng các cộng sự đã thành công trong việc khởi động lại hệ thống sau khi máy bay hạ độ cao gần 4.300 m. KLM hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Anchorage, bang Alaska, Mỹ. Toàn bộ 245 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều an toàn.

Hôm 15/12/1989, 4 động cơ của chuyến bay KLM 867 trục trặc khi đâm vào đám mây hình thành từ tro núi lửa Redoubt

Mặc dù việc hư hỏng 4 động cơ đã tiêu tốn số tiền sửa chữa lên tới 80 triệu USD nhưng cuối cùng nó cũng được trả lại cho hãng, tiếp tục hoạt động bình thường và quan trọng hơn, tất cả những người có mặt trong chuyến bay đó đều may mắn sống sót.

Eric Moody

Ngày 24/6/1982, chuyến bay số hiệu 9 của hãng hàng không British Airway đang thực hiện hành trình từ sân bay London Heathrow (Anh) tới thành phố Auckland (New Zealand) thì đâm vào một đám mây hình thành từ tro núi lửa, gần núi Galunggung, khiến 4 động cơ trên máy bay trục trặc. Cơ trưởng Eric Moody và các cộng sự đã nỗ lực khởi động lại động cơ, tạo ra khoảng thời gian đủ cho chiếc máy bay loại bỏ tro bụi và hạ cánh khẩn cấp xuống Jakarta, Indonesia. Toàn bộ 248 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn an toàn. 

Cơ trưởng Eric Moody

Những hành khách trên chuyến bay sẽ không bao giờ quên cảm xúc khi cơ trưởng Moody tuyên bố: "Thưa quý vị, tôi là cơ trưởng. Chúng tôi đang gặp một vấn đề nhỏ. Tất cả 4 động cơ của máy bay đã ngừng. Chúng tôi đang cố gắng khởi động lại hệ thống. Tôi tin rằng các bạn sẽ không gặp nguy hiểm".

Robert Piche

Cơ trưởng Robert Piche 

Ngày 24/8/2001, chuyến bay số hiệu 236 của hãng hàng không Air Transat đang thực hiện hành trình từ thành phố Toronto (Canada) tới thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha) thì gặp sự cố. Điện trên máy bay mất do rò rỉ nhiên liệu, bảo dưỡng kém. Rất may, cơ trưởng Robert Piche là một người giàu kinh nghiệm. Ông đã quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Lajes, Bồ Đào Nha. Piche đã đưa 236 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn tiếp đất an toàn.

David Cronin

Cơ trưởng David Cronin

Hôm 24/2/1989, chuyến bay số hiệu 811 của hãng hàng không United Airlines đang thực hiện hành trình từ thành phố San Francisco (Mỹ) đến thành phố Sydney (Australia) thì một cánh cửa trên máy bay bật ra khiến một số hàng ghế bay ra ngoài, 9 hành khách thiệt mạng. Cơ trưởng David Cronin quyết định đưa phi cơ quay lại sân bay Honolulu, bang Hawai (Mỹ). 337 trong tổng số 346 người trên chuyến bay hôm đó thoát chết. 

Một cơ trưởng vô danh  

Ngày 4/11/1993, chuyến bay CAL 605 rơi vào tình huống nguy hiểm khi đáp xuống đường băng tại sân bay Kai Tak, Hong Kong, Trung Quốc do gặp bão. Tốc độ hạ cánh lúc đó của phi cơ vào khoảng 277 km/h. Khi máy bay tiếp đất, do hệ thống máy tính trục trặc, phanh của CAL 605 đứt khiến phi cơ không thể dừng. Cơ trưởng đã nhanh trí lái máy bay về bên trái để tránh va chạm ở cuối đường băng. 

Máy bay hạ cánh xuống vùng nước nông tại cảng Victoria. Sau đó, tổ bay đã giúp những hành khách trên phi cơ sơ tán. 23 trong tổng số 396 người trên máy bay bị thương. 

William Hagan

Hôm 29/12/2000, Paul Mukonyi, một tên không tặc, đã xông vào và cướp buồng lái trên chuyến bay số hiệu 2069 của hãng hàng không British Airways khi nó đang thực hiện hành trình từ sân bay Gatwick (Anh) đến sân bay Jomo Kenyatta (Kenya). Máy bay mất dần độ cao khi cơ trưởng William Hagan chống cự Mukonyi. 

Cơ trưởng William Hagan

Phil Watson, một trong những thành viên phi hành đoàn, đã tiếp quản hệ thống điều khiển và giúp máy bay thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn được cứu sống.

 

Yên Yên (Theo Toptenz)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news