Tin mới

60 năm Giải phóng Thủ đô: Vẹn nguyên khát vọng hòa bình

Thứ năm, 02/10/2014, 10:57 (GMT+7)

10/10/1954 là ngày giải phóng Thủ đô, ngày mà lớp lớp đoàn quân bộ đội Cụ Hồ ca khúc khải hoàn, tiến vào Hà Nội trong biển người và hoa. Đường phố rực cờ đỏ sao vàng.

 

 

10/10/1954 là ngày giải phóng Thủ đô, ngày mà lớp lớp đoàn quân bộ đội Cụ Hồ ca khúc khải hoàn, tiến vào Hà Nội trong biển người và hoa. Đường phố rực cờ đỏ sao vàng.

Video: Giải phóng thủ đô, những hình ảnh không thể nào quên

 

 

Kể từ “Ngày về” huyền thoại ấy, biết bao biến động thời cuộc đã trôi qua nhưng những nhân chứng, những số phận, những cảnh đời lịch sử vẫn còn đó.

Ký ức một thời hoa, lửa của những con người Hà Nội năm xưa tiếp tục là nguồn sức mạnh trong tâm trí những thế hệ nối tiếp: Hà Nội cũng như cả nước luôn khao khát hòa bình. Nhưng nếu buộc phải đứng dậy thì họ luôn sẵn sàng đấu tranh cho tự do, cho hòa bình.

 

Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. (Nguồn: TTXVN)

Hướng tới dịp kỷ niệm đặc biệt của Thủ đô, TTXVN trân trọng giới thiệu loạt bài Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: "Sáu mươi năm vẹn nguyên khát vọng hòa bình".

Bài 1: Hướng ngày độc lập

Vào một ngày thu 2014, nắng vàng se se lạnh, những người lính già Trung đoàn Thủ đô anh hùng ngực kín huân, huy chương cùng những người mẹ bạc mái đầu, những em thơ, lặng lẽ một lòng thành kính trước cụm Tượng đài quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ở vườn hoa Vạn Xuân (Hàng Đậu, Quan Thánh, Ba Đình).

Những nén hương thơm, từng đụn hương trầm quyện vào lời khấn thành kính, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ quyết tử bảo vệ Hà Nội 60 ngày đêm mở đầu Ngày toàn quốc kháng chiến. Lời văn tế sang sảng:

Gương oanh liệt ngàn năm sáng tỏ

Những người quyết tử để Tổ quốc quyết sinh….

Nhìn dòng người thắp nén hương tưởng niệm, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Thủ đô Anh hùng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô và là một trong những chiến sỹ quyết tử hồi mùa Đông năm 1946, bồi hồi xúc động.

Trong tâm trí vị đại tá đã ở tuổi 93 nhưng da dẻ vẫn hồng hào, giọng nói hào sảng, ánh mắt minh mẫn và nụ cười nở rộng trên khuôn mặt hiền hòa, những biến động trọng đại hơn nửa thế kỷ trước dường như mới ngày hôm qua.

Mọi thứ như thước phim rõ nét, quay chậm. Mở ra là hình ảnh thiêng liêng, xúc động tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt một thế kỷ thực dân Pháp, phátxít Nhật đô hộ Việt Nam.

Ngày thu ấy, ông Hàm còn là chàng thanh niên trẻ trung, tràn trề nhiệt huyết trong đội Tự vệ thành có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho lễ ra mắt Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa trước quốc dân đồng bào.

“Mọi ánh mắt ở Quảng trường Ba Đình đều hướng về Hồ Chủ tịch. Nhiều người không kìm được cảm xúc đã bật khóc. Khi Bác cất tiếng nói, cả biển người im phăng phắc lắng nghe tiếng nói của Người. Người đã lãnh đạo Việt Minh giải phóng dân tộc, giành chính quyền ở ngay trung tâm Thủ đô, đem lại tự do, hạnh phúc cho triệu triệu người dân sau gần 1 thế kỷ đất nước bị ngoại bang thống trị. Đó là một kỳ tích vĩ đại của lịch sử nước nhà” - giọng ông Hàm sang sảng.

Thời gian thoi đưa đã gần 7 thập kỷ kể từ ngày 2/9/1945, song cũng như người đồng đội cảm tử quân Nguyễn Trọng Hàm, bà Lê Thi dường như mới bước ra khỏi Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Tâm trí bà vẫn in đậm hình ảnh cô nữ sinh trường Đồng Khánh, tuổi chưa tròn 20, khuôn mặt trái xoan, mái tóc xoăn rất điệu, vận áo dài trắng, quần trắng hồi hộp tiến về chiếc cột cờ cao khoảng hơn 10m, cùng một thiếu nữ mặc trang phục dân tộc Tày, tham gia lễ kéo cờ.

Khi bài Quốc ca vang lên, lá cờ đỏ sao vàng được Lê Thi từ từ kéo lên trong tiếng Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Quốc ca kết thúc cũng là lúc quốc kỳ tung bay như vẫy gọi tất cả mọi người dân Việt đoàn kết chung một chí hướng đấu tranh cho Tổ quốc độc lập, nhân dân tự do, hạnh phúc.

“Nhìn quốc kỳ kiêu hãnh bay cao lồng lộng, rực rỡ cả một khoảng trời, dường như các mạch máu trên khuôn mặt tôi chạy liên hồi. Mặt tôi đỏ bừng và tay chân như cứng lại. Nước mắt tôi cứ ứa ra vì xúc động, vì tự hào”- bà Thi nhớ lại.

Hướng ánh mắt về cụm tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt tại vườn hoa Hàng Đậu hồi năm 2004, gồm có hình người chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng trong tư thế sẵn sàng lao vào xe tăng địch cùng với người chiến sĩ tự vệ đang chắc tay súng và thiếu nữ Hà Nội đang kêu gọi đồng bào chiến đấu bảo vệ Thủ đô, ông Nguyễn Trọng Hàm và bà Lê Thi chầm chậm kể lại, niềm vui của hàng triệu người dân Việt Nam về sự khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kéo dài không lâu.

Tháng 9/1947, thực dân Pháp bội ước đem quân tái chiếm Việt Nam. Chúng bắn phá, giết hại thường dân ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị đánh vào Hà Nội. Lính Pháp gây ra những vụ tàn sát đồng bào ta ở phố Hàng Bún, Yên Ninh.

Trong số những thường dân bị lính lê dương giết hại có cả Giáo sư Dương Quảng Hàm, Hiệu trưởng trường Bưởi, là thân sinh bà Lê Thi.

Về quãng thời gian muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng mong manh như “trứng để đầu gậy”, Đại tá Vũ Kiểm, người đã “rũ bùn đứng dậy”, từ bỏ thân phận “thằng quýt” để tham gia giành chính quyền trong mùa thu tháng Tám lịch sử nhớ lại không khí ở Hà Nội vô cùng căng thẳng. Tình thế đó buộc Tổ quốc chỉ còn một con đường đứng lên chiến đấu giành lại tự do cho dân tộc.

Ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.

Tại Hà Nội, công sự, chiến lũy được dựng lên ở khắp các đường phố. Những người con của Thủ đô, từ anh công nhân, sinh viên y khoa, chàng kiến trúc sư, những thiếu nữ trường Trưng Vương Đồng Khánh, đến những cậu bé đánh giày, anh phu, bác cu li, chị tiểu thương, thanh niên nam nữ của 36 phố phường như Lê Thi, Lương Ngọc Trác, Quang Hưng, Nguyễn Tài Thu, Vũ Kiểm… đều quả cảm bước vào cuộc chiến.

Những đội quân quyết tử đã sẵn sàng tất cả cho Tổ quốc quyết sinh. Cả Thủ đô hừng hực lòng căm thù, sôi sục ý chí quyết chiến quyết thắng.

“20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Đêm ấy, Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Ánh sáng, tiếng nổ của đạn, pháo từ khắp mọi nơi vang rền. Mỗi góc phố, ngôi nhà đều trở thành chiến địa khốc liệt”- Đại tá Nguyễn Trọng Hàm xúc động kể, đôi mắt ông như sáng lên một cách đặc biệt.

Theo ANH TÙNG (TTXVN/VIETNAM+)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news