Tin mới

9 khu rừng lạ lùng bí ẩn nhất hành tinh

Thứ bảy, 21/01/2017, 08:34 (GMT+7)

Môi trường đặc biệt, khí hậu đặc thù cùng sự đa dạng của thế giới thực vật đã tạo nên những khu rừng lạ lùng và độc đáo tưởng như chỉ có trong cổ tích.

Môi trường đặc biệt, khí hậu đặc thù cùng sự đa dạng của thế giới thực vật đã tạo nên những khu rừng lạ lùng và độc đáo tưởng như chỉ có trong cổ tích.

1. Rừng thông gốc cong ở Ba Lan

 
 
 

Khu rừng độc đáo này nằm ở vùng Gryfino, Ba Lan và được người dân địa phương gọi là “rừng cây cong” bởi tất cả chúng đều có gốc vươn ngang về phía Bắc và vươn thẳng lên 90 độ tạo thành một khu rừng hình dạng kỳ dị và độc đáo. Khu rừng có khoảng 400 cây thông và được trồng vào năm 1930. Cho đến nay, vẫn chưa có một lời giải thích thỏa đáng cho hiện tượng những cây thông này.

2. Rừng cây máu rồng ở hòn đảo "ngoài hành tinh" Socora

 

Nếu đến đảo Socora, quần đảo nằm trong Ấn Độ Dương chắc chắn nhiều người sẽ ngỡ mình vừa đặt chân đến một hành tinh khác trong vũ trụ. Lý do là bởi hệ động thực vật ở Socotra cực kỳ phong phú và độc đáo với hơn 700 loài khác nhau. Đặc biệt có hơn 1/3 trong số đó không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên Trái đất. 

Cây máu rồng (Dracaena draco) là một trong những loài cây đặc biệt nhất trên quần đảo Socotra của Yemen. Nhựa của cây có màu đỏ như máu, hơi chua và nồng, do đó mà người ta gọi chúng là cây máu rồng.

3. Rừng bạch đàn cầu vồng Eucalyptus

 

Rừng bạch đàn cầu vồng (Eucalyptus deglupta) thường sinh trưởng ở khu vực bắc bán cầu, kéo dài từ quần đảo Indonesia tới Philippines. Loài cây này có thể đạt đến chiều cao 75m. 

Đặc biệt, khác với những loài cây thông thường với màu sắc thân cây đơn điệu, loài cây này có những sọc đầy màu sắc như vàng, xanh lá cây, hồng, đỏ, tím, da cam nổi bật ở trên thân và các nhánh cây. Nhìn từ xa, chúng như những dải cầu vồng rực rỡ nổi bật trong khu rừng. Đây cũng chính là lý do tại sao loài cây được gọi là bạch đàn cầu vồng.

4. Thung lũng hoa mai ở Tân Cương, Trung Quốc

 
 

Thung lũng hoa mai (Yili Apricot Valley) là một khu rừng mọc tự nhiên trên vùng cao nguyên Yili, vùng núi phía Tây Bắc ở Tân Cương, Trung Quốc. Thung lũng hoa mai nở rộ vào tháng 4, 5 và tháng 10, 11 và đây cũng là khoảng thời gian vùng núi hoang vu này thu hút nhiều khách du lịch tới ghé thăm.

5. Rừng nho Jabuticaba, Brazil

 
 

Jabuticaba được biết đến như một loại nho, nhưng không giống các loại nho chùm mọc trên giàn, loại nho đặc biệt này mọc trên... thân và cành cây. Ban đầu những quả Jabuticaba có màu hồng, khi chín thì chuyển dần sang màu tím. Jabuticaba còn được dùng làm mứt hoặc để lên men làm rượu. Quả Jabuticaba khô có thể dùng để chữa một số bệnh như hen hay tiêu chảy. Các nhà khoa học đang nghiên cứu về loại quả này và hy vọng có thể dùng nó để chữa bệnh ung thư.

6. Dead Vlei, sa mạc Namibia

 
 

Dead Vlei là một khu rừng trong sa mạc Namibia nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ quái mang đặc điểm của những cảnh sắc như ở ngoài hành tinh. Do khí hậu nơi đây vô cùng khắc nghiệt sức nóng của Mặt Trời đã thiêu rụi tất cả những thảm thực vật ở nơi này, chỉ còn lại những loài cây chết khô màu đen trên mặt đất, tạo nên những họa tiết trên nền cảnh sắc vốn đã hoang vu và kỳ quái. 

7. Rừng chìm hồ Kaindy (Kazakhstan)

 
 

Rừng chìm (Sunken Forest) là khu rừng đặc biệt nằm trong hồ Kaindy của dãy núi Tian Shan. Hồ Kaindy được hình thành sau một trận động đất vào năm 1911. Những thân cây vân sam mọc chìm trong lòng hồ và nhô lên sinh trưởng tươi tốt trên mặt nước. 

Đặc biệt, nước hồ vô cùng trong suốt và luôn ở nhiệt độ khá lạnh, dù vào mùa hè nóng nực, nhiệt độ trung bình không vượt quá 6 độ C. Những cây thông cổ thụ hơn 100 năm tuổi vẫn sinh trưởng và vươn lên mặt nước một cách mạnh mẽ dù bị nhấn chìm dưới lòng hồ. 

8. Rừng Monkey Puzzle

 
 

Rừng Monkey Puzzle sinh trưởng ở miền Nam Chile, khu rừng đặc biệt này sẽ khiến bạn choáng ngợp với những loại cây có hình dáng độc đáo. Ngoài ra, rừng cây Monkey Puzzle là khu rừng đặc biệt được trồng để lấy gỗ và hạt. Gỗ thông ở Monkey Puzzle cực kỳ quý hiếm và hạt của chúng cũng là một thực phẩm có giá trị. Đặc điểm lá cây của chúng cũng khác biệt so với những loài thông khác. Những cây gỗ này từng bị khai thác quá mức. Tuy nhiên, từ năm 2013, khu rừng đã được bảo vệ nghiêm ngặt.

9. Rừng cây baobab ở Madagascar

 

Cây Babab là loài thực vật điển hình của châu Phi. Cây có khả năng phát triển tới 30 m cùng đường kính thân lên tới 11 m. Đặc điểm này giúp baobab có khả năng tích trữ tới 120.000 lít nước bên trong thân. Chính nhờ lượng nước khổng lồ này, baobab có thể tồn tại trong những điều kiện khô nóng nhất trên những sa mạc cằn cỗi của châu Phi.

 

Ở châu Phi, hiện có những cây baobab vô cùng lớn, có thể có tuổi thọ lên tới hàng ngàn năm. Tuy nhiên, thân cây baobab không hiển thị các vòng tăng trưởng, vốn được dùng để xác định tuổi các loại cây thân gỗ, nên các nhà thực vật học chưa thể xác định chính xác thời gian sống của các cây này.

Trang Vũ (Tổng hợp)

 
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news