Tin mới

Án "Hiếp dâm trẻ em": Con người đang bị khiếm khuyết về nhân cách

Thứ ba, 08/03/2016, 08:48 (GMT+7)

Trước tình trạng ở một số địa phương miền núi xảy ra nhiều vụ hiếp dâm trẻ em chấn động, Luật sư Lê Cao – Đoàn LS TP Đà Nẵng đã đưa quan điểm nhiều chiều về vấn đề này.

Trước tình trạng ở một số địa phương miền núi xảy ra nhiều vụ hiếp dâm trẻ em chấn động, Luật sư Lê Cao – Đoàn LS TP Đà Nẵng đã đưa quan điểm nhiều chiều về vấn đề này.

Thế hệ trẻ đang bị khiếm khuyết nhân cách

Những vụ án liên quan đến hiếp dâm trẻ em nói riêng thời gian qua diễn ra ở nhiều nơi, bất kỳ địa phương nào cũng có thể gặp chứ cũng chưa có con số chính xác ở đâu nhiều hơn giữa miền núi với miền xuôi, giữa thành thị với nông thôn. Tuy nhiên, hiện tượng thường xuyên có những Vụ án hiếp dâm ở các địa phương miền núi cũng cho thấy được những nguyên nhân cũ chúng ta chưa khắc phục được.

Môi trường xã hội với những chuẩn mực lệch lạc, lối sống suy đồi và thế hệ những con người bị khiếm khuyết nhân cách, không được nuôi dưỡng một tinh thần, tâm hồn trong sáng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi phạm tội.

Với điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều thế hệ thanh niên không được chăm sóc về mọi mặt, lại thêm những sản phẩm đồi trụy dễ dàng xâm nhập, tiêm nhiễm thì sẽ thêm nguy cơ tạo ra những lệch lạc trong lối sống của không ít người trẻ.

Luật sư Lê Cao - Đoàn LS TP Đà Nẵng.

Về phía các nạn nhân, thì hoàn cảnh điều kiện sống chưa đủ an toàn, thiếu sự quan tâm săn sóc thường xuyên từ gia đình, xã hội. Các hệ thống bảo đảm an ninh con người ở ta còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở miền núi với địa thế, không gian vắng vẻ, thiếu sự giám sát, phát hiện.

Đội ngũ công quyền chưa đủ đáp ứng ngay việc bảo vệ sự yếu đuối của nạn nhân; hệ thống xử lý tố cáo, tin báo tội phạm hoạt động chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân khác dẫn đến khả năng gặp nạn nhiều hơn.

Những thanh niên miền núi có các hành vi phạm tội với xu hướng đồi trụy là một minh chứng tất yếu rất đáng lo ngại hiện nay. Lo ngại rằng chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề rộng lớn, ở đó để bảo vệ danh dự nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của từng cá thể người dân thì phải làm sao xây dựng và hoàn thiện được một phông nền nhận thức, văn hóa lành mạnh cho dân tộc. Khi đó, các hành vi có thiên hướng sai trái cả về đạo đức lẫn pháp luật sẽ dần được tự điều chỉnh và hạn chế.

Hình phạt nặng nhưng sức răn đe chưa thực tế

Về mặt pháp lý, theo chúng tôi mức án cho các hành vi hiếp dâm, các hành vi cưỡng ép tình dục, quan hệ tình dục trái luật được các Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 mới đây quy định rất nghiêm khắc. Tùy mỗi loại hành vi và các tình tiết khác nhau mà có thể bị xử phạt đến chung thân, tử hình…

Nhưng dù hình phạt nặng nhưng dường như sức răn đe của chúng không thực tế. Nhiều người dân thành thị đến nay chưa chắc đã đọc đến các văn bản luật liên quan đến cuộc sống thường nhật của họ, huống gì những người dân miền núi điều kiện khó khăn hơn.

Thậm chí, câu chuyện văn hóa luật pháp, thói quen hành xử theo pháp luật nhìn chung của cả đội ngũ trí thức, cơ quan công quyền hiện nay cũng còn rất yếu, điển hình như là hàng loạt thông tin báo chí nêu về việc cố tình làm trái luật, cố tình bẻ cong luật lệ để đạt được các mục đích của cá nhân.

Điều đó dẫn đến giá trị răn đe mà các điều luật có vẻ như có trên bề mặt giấy tờ nhưng lại không có tác động mạnh mẽ được tới ý thức nói chung của người dân. Tác động được tới các đối tượng có khiếm khuyết về nhận thức, nhân cách lại càng rất khó.

Vì vậy, ngoài răn đe bằng các hình phạt trong luật, chúng ta phải làm sao xây dựng được một xã hội thượng tôn pháp luật. Từ đó, người dân mới hiểu ra rằng, luật lệ là thứ mà người dân ít nhất phải hình dung, thấu hiểu được ở nghĩa sơ đẳng nhất là những gì bị cấm, bị trừng phạt.

Luật lệ không chỉ là sản phẩm được in ra cho những người làm ra nó, hay chỉ là thứ dành cho mấy ông luật sư, mấy ông thẩm phán hay Công an dùng.

Khi nào luật pháp được phổ biến, được giáo dục, được tuyên truyền để trở nên thường thức, trở nên hiện hữu thì ý thức con người mới tự kiểm soát các hành vi sai trái.

Cần xây dựng một xã hội nhân văn hơn

Không chỉ ở miền núi, án hiếp dâm cần được phải phòng chống, ngăn chặn ở khắp nơi.

Hiện nay hàng năm có hàng trăm vụ hiếp dâm được thống kê rất chấn động. Đối tượng phạm tội lại phần nhiều là những người trẻ. Do đó, dù ở đâu cũng cần có sự đầu tư cho giá trị con người.

Chúng ta lãng quên, chúng ta lơ là để mặc một nền giáo dục quá cứng nhắc, thiếu chiều sâu nhân bản, thiểu sự thức tỉnh con người, nuôi dưỡng tâm hồn con người thì sẽ tạo ra những sản phẩm người với nhân cách lệch lạc. Và từ đó, họ sẽ tạo ra đủ loại hành vi sai trái chứ không phải chỉ hiếp dâm.

Như chuyện người ta đánh nhau dịp tết mà hàng nghìn người nhập viện, chuyện mê cuồng thần thánh đến nỗi đánh cướp nhau sứt đầu mẻ trán … đều cho thấy hàng loạt sự lệch lạch về linh hồn người trong xã hội chúng ta.

Ngoài xây dựng một xã hội nhân văn hơn, cần phải thức tỉnh, giáo dục ngay từ trong các trường phổ thông về luật pháp để có những con người thượng tôn pháp luật, có ý thức sống và hành xử theo luật pháp. Phải truyền vào đời sống người dân một tinh thần có luật lệ chứ không phải là vô pháp loạn xạ.

Thêm vào đó, chúng ta phải phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, phải có một hệ thống phòng ngừa vĩ mô cho các khiếm khuyết của xã hội không thể khởi phát. Phải có những hệ thống, nguồn lực mạnh mẽ hơn để có thể bảo vệ công dân trước những bất trắc từ cuộc sống nói chung.

Bởi như các tỉnh miền núi hiện nay, con người đang bị ngược đãi bởi cả đói nghèo, lạc hậu. Cơm ăn, áo mặc, điều kiện y tế giáo dục còn rất thiếu hụt, thì nguy cơ dẫn đến các giá trị tinh thần khác cũng sẽ bị xâm hại. Địa phương, quốc gia dân tộc giàu mạnh lên cũng là một giải pháp bền vững phải quyết liệt thực hiện.

Xem thêm video:

[mecloud]k3xFDEtPZl[/mecloud]

Mộc Miên - Diệu Nam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news