Tin mới

Án oan của cử nhân sư phạm vì "tác động ngoại lực lên vùng kín"?

Thứ năm, 13/03/2014, 12:16 (GMT+7)

Người đàn ông này đã đi hầu hết các cơ quan công quyền, từ Quảng Ngãi ra đến Hà Nội để kêu oan. Ông cho rằng bản án đã tuyên phạt không đúng người, đúng tội.

Người đàn ông này đã đi hầu hết các cơ quan công quyền, từ Quảng Ngãi ra đến Hà Nội để kêu oan. Ông cho rằng bản án đã tuyên phạt không đúng người, đúng tội.

Đã hơn 3 năm kể từ ngày ông Mai Ngọc Sơn (SN 1958, trú xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) bị kết án 9 tháng tù giam tội Dâm ô trẻ em, ông Sơn cũng đã trả xong án, thế nhưng vụ việc với ông Sơn vẫn chưa kết thúc. Người đàn ông này đã đi hầu hết các cơ quan công quyền, từ Quảng Ngãi ra đến Hà Nội để kêu oan. Ông cho rằng bản án đã tuyên phạt không đúng người, đúng tội.

Cử nhân sư phạm dâm ô bé gái 4 tuổi?

Chiều tối một ngày cuối tháng 5/2010, bà Võ Thị Mại (SN 1977, ngụ xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh) như thường lệ dẫn con gái chưa đầy 4 tuổi ra sau nhà tắm. Tuy nhiên, khi dội nước lên người, cháu bé cứ la đau ở vùng kín. Qua hôm sau, thấy con gái vẫn tiếp tục nhăn nhó mỗi khi tắm, bà Mại gặng hỏi và được con cho biết “bác Sơn lấy tay làm con đau”. Lúc này bé trai 11 tuổi là anh của bé gái mới kể lại cho cha mẹ rằng hôm qua em gái mình đến nhà ông Sơn hàng xóm. Được một lúc cậu sang tìm em dẫn về, qua cửa kính nhìn thấy em gái đang ngồi phía sau ông Sơn trong trạng thái quần bị tuột xuống.

Án oan của cử nhân sư phạm vì 'tác động ngoại lực lên vùng kín'?
Ảnh minh họa

Mãi đến ngày 7/6, bà Mại mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi khám, hai ngày sau làm đơn gửi đến Công an huyện Sơn Tịnh. Theo kết luận giám định ngày 12/6/2010, bé gái bị “tác động ngoại lực đến vùng kín” dẫn đến trầy xước. Ngày 15/6 công an khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam ông Sơn về hành vi “Dâm ô trẻ em”. Từ đầu đến cuối, bị can đều không nhận tội. Căn cứ vào lời khai của bé gái và kết luận giám định pháp y nên công an vẫn giữ nguyên quyết định truy tố.

Sau một thời gian tạm giam, trong 4 ngày xét xử sơ thẩm (24 - 28/1/2011), bị cáo bị tuyên phạt 9 tháng tù giam, đồng thời bồi thường cho bị hại một khoản tiền. Không đồng tình, bị cáo làm đơn kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm chưa được mở, nhưng do thời gian bị tạm giam đã bằng với mức án bị tuyên nên ông Sơn được trả tự do vào ngày 15/3.

Đến ngày 25/4, TAND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục mở phiên tòa cấp phúc thẩm, ông Sơn vẫn không thừa nhận mình phạm tội của mình, HĐXX vẫn tuyên y án sơ thẩm.

Được về lại địa phương khi bản án tù đã trả xong nhưng ông Sơn cho rằng vẫn mang tâm trạng uất ức, không cam chịu tai tiếng đi tù can tội dâm ô và cho rằng mình bị oan. Ông Sơn không còn thiết tha gì đến công việc, gia đình… mà đi gõ cửa hết các cơ quan công quyền.

Ba năm qua, bà lão 83 tuổi mẹ của ông Sơn và bà Nguyễn Thị Giàu (SN 1968, vợ ông Sơn) làm mọi việc nhà để giúp con, chồng “chuyên tâm” đi đòi công lý. Cha ông Sơn là liệt sĩ, mẹ ông Sơn là thương binh, bản thân ông Sơn là cử nhân Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi, năm 1992 thành lập Công ty xây dựng cho đến thời điểm bị bắt. “Nó có ăn học, tính tình điềm đạm, cũng đã vợ với 2 con trai, gái thì không thể làm chuyện “tày trời” như vậy được. Tôi sống cùng với con trong 1 nhà và thời điểm Sơn bị kết tội, tôi cũng có mặt nhưng sự thật không như vậy. Gia đình tôi đã làm hàng trăm lá đơn nhưng đều không có kết quả. Hiện tôi già cả sức yếu nhưng vẫn quyết tâm chứng minh, rửa cho được nỗi oan này của con trai mình”, bà lão 83 tuổi nói.

 Đố ai giải nghĩa được từ “do tác động của ngoại lực”?

Tiếp xúc với ông Sơn, tìm hiểu hồ sơ, phóng viên nhận thấy có một số chứng cứ cho thấy đã có những mâu thuẫn trong quá trình điều tra truy tố, xét xử.

Trong đơn tố cáo, ông Sơn cho rằng việc lấy lời khai của 2 điều tra viên Công an huyện Sơn Tịnh đã vi phạm thủ tục tố tụng, không khách quan dẫn đến những vi phạm “ăn theo” sau này. Cùng một thời điểm (cùng giờ, phút, ngày) nhưng biên bản lấy lời khai được lưu lại tại công an huyện thể hiện, bà Võ Thị Mại (mẹ của nạn nhân) một lúc phải thực hiện 2 vai trò vừa giám hộ cho con trai 11 tuổi (người có vai trò nhân chứng của vụ án), vừa lấy lời khai cho chính bà. Đặc biệt, lời khai của nhân chứng, kể cả khi thực nghiệm hiện trường lại không ăn khớp với Bản kết luận điều tra ban đầu, điều tra bổ sung của công an huyện. Trong phiên sơ thẩm, Tòa cũng đã trả hồ sơ, yêu cầu dựng lại hiện trường, nhưng Công an huyện Sơn Tịnh đã bác đơn với lý do “bị can, bị cáo không thừa nhận hành vi của mình, nên việc dựng lại hiện trường không có ý nghĩa chứng minh”. Vấn đề này cuối cùng bị bỏ ngỏ.

Ngoài ra, theo kết luận pháp y của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi: “Lúc 14h ngày 12/6/2010, bé gái có đến giám định”, kết quả “bị xây xát…”. Trong khi đó, cùng một thời điểm, tài liệu người viết thu thập được lại cho thấy, bé Ngọc đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh. Hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện huyện thể hiện rõ: “Lúc 14h ngày 12/6/2010, bé gái nằm giường số 15, khoa Sản” và bệnh viện này hoàn toàn không nhận văn bản nào về việc ngay tức khắc đưa bé gái đến giám định tại Bệnh viện tỉnh. Hai địa điểm này cách nhau gần 10km. Trong bệnh án phụ khoa của bé gái tại bệnh viện huyện, bệnh nhân này nhập viện điều trị với bệnh tình tương tự đến lần thứ 7.

Khi bị bắt, ông Sơn cho rằng vùng kín cháu bé bị trầy xước có thể do bệnh lý hay điều gì khác. Để làm rõ điều này, Công an huyện Sơn Tịnh tiếp tục yêu cầu Phòng giám định pháp y trả lời. Hơn 10 ngày sau, đơn vị này đã cho biết “do tác động  ngoại lực”. Vậy ngoại lực cụ thể cái gì?

Vì sao 14 ngày sau khi vụ việc được phát hiện, cháu bé mới được đưa đi giám định. Cũng theo ông Sơn, trong vụ án còn có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, như thời điểm được cho là xảy ra vụ án (7h30’ sáng), tại gia đình ông còn có bà mẹ đứng nấu nước, chỉ cách nơi được cho là hiện trường vụ án khoảng 7m, và vợ ông đang bán hàng trước nhà, nên không thể có việc ông “dâm ô” cháu bé trước mặt mẹ và vợ. Ông Sơn cho rằng đã có sự sắp đặt của người lớn trong lời khai của bé gái và anh trai.

Trả lời những vấn đề này, các cơ quan hữu quan cho biết đơn đã được chuyển đến cho những đơn vị có thẩm quyền giải quyết, theo từng nội dung yêu cầu. Đơn cử như Đơn tố cáo Về việc có dấu hiệu xâm phạm trong hoạt động tư pháp, cố ý làm sai lệch hồ sơ của các điều tra viên Công an huyện Sơn Tịnh và Hội đồng giám định pháp y, đã được chuyển đến Công an huyện Sơn Tịnh và Sở y tế tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, theo Sở y tế, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nên các tình tiết mà ông Sơn muốn được xem xét lại về kết quả giám định “không thuộc thẩm quyền của Sở và Sở không giải quyết đơn khiếu nại này”. Phía Công an huyện Sơn Tịnh, trước sau vẫn giữ quan điểm bản án phúc thẩm là phán quyết cuối cùng.

Nguồn: Xa Lộ Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news