Tin mới

Bác đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh cần có cảnh vệ

Thứ ba, 20/06/2017, 21:34 (GMT+7)

Liên quan đến đề nghị bổ sung việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, lãnh đạo cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh cũng cần có cảnh vệ, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội được giữ nguyên các đối tượng được bảo vệ.

Liên quan đến đề nghị bổ sung việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, lãnh đạo cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh cũng cần có cảnh vệ, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội được giữ nguyên các đối tượng được bảo vệ.

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 20/6, báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, tại các buổi thảo luận về Luật Cảnh vệ, một số ý kiến đề nghị bổ sung việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, lãnh đạo cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh cũng cần có cảnh vệ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời, phải phân biệt rõ giữa hoạt động cảnh vệ với hoạt động bảo vệ để phát huy hiệu quả, phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tăng biên chế, tổ chức.

Thượng tướng Việt lý giải, nếu bổ sung các đối tượng này thì cũng cần bổ sung các chức vụ tương đương khác. Thực tế cho thấy, quy định về các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật Kế thừa pháp lệnh cảnh vệ và thực hiện ổn định phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước.

Thượng tướng Việt cho hay, trong điều kiện thật cần thiết, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Khoản 5, Điều 10.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Cảnh vệ; đồng thời, 18 nhóm các chức danh được áp dụng chế độ cảnh vệ được giữ nguyên như dự thảo Luật.

Về vấn đề nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ, luật có một điều khoản quy định nghiêm cấm cán bộ cảnh vệ làm lộ thông tin, bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ. Có ý kiến cho rằng, đã có quy định này thì không cần quy định về nguyên tắc “tuyệt đối giữ bí mật về công tác cảnh vệ” (Điều 19) nữa.

Giải trình nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống thì yêu cầu giữ bí mật về công tác cảnh vệ là nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ, cần phải quy định rõ. Còn quy định về hành vi cấm là áp dụng chung đối với tất cả các đối tượng.

Do đó, luật được giữ nguyên cả quy định buộc cán bộ cảnh vệ tuyệt đối giữ bí mật và quy định cấm làm lộ thông tin, bí mật về yếu nhân.

Trước đó sáng 8/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc công an Tỉnh Nghệ An, cũng tỏ ý không đồng tình với đề nghị "bí thư, chủ tịch UBND tỉnh được có cảnh vệ" theo như đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội về dự án luật Cảnh vệ chiều 6/6.

Theo ông Cầu, cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân và trong dự thảo Luật cảnh vệ cũng quy định có 18 đối tượng, chức danh được cảnh vệ chứ không có nhiều đến thế.

"Tôi nghĩ cái đó không đúng, bởi cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân. Trong Luật cảnh vệ có 18 đối tượng chứ làm gì có nhiều đến thế. Còn tôi nghĩ, đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh. Còn đi ra mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn", ĐB Cầu nói.

Đức Hòa (tổng hợp)

 

 

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news