Tin mới

Bản quyền truyền hình V-League 2014: Không còn dễ bán...

Thứ năm, 13/02/2014, 08:33 (GMT+7)

Mùa giải 2014 là năm thứ 3 liên tiếp mà Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phối hợp với các Đài Truyền hình để khai thác bản quyền truyền hình (BQTH) các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Mùa giải 2014 là năm thứ 3 liên tiếp mà Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phối hợp với các Đài Truyền hình để khai thác bản quyền truyền hình (BQTH) các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. 

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công nhất định trong 2 mùa giải 2012 và 2013, do ảnh hưởng của nền kinh tế nên việc khai thác BQTH tại mùa giải 2014 gặp nhiều khó khăn hơn.

BQTH được coi là nhiệm vụ hàng đầu của VPF kể từ khi thành lập, ngay sau khi nắm được quyền khai thác BQTH vào ngày 27/4/2012, VPF đã phối hợp cùng VTV, VTC,… và các Đài Truyền hình địa phương khai thác BQTH với phương thức trao đổi bản quyền các trận đấu lấy thời lượng quảng cáo.

Với thời lượng quảng cáo này, VPF đã sử dụng để phát quảng cáo cho các nhà tài trợ, bảo trợ nhằm thu lại nguồn tài chính phục vụ công tác tổ chức, quản lý và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, mỗi năm VPF còn chuyển về VFF 10 tỷ đồng để chăm lo cho các ĐTQG.

Bên cạnh đó, để chuyên nghiệp các giải đấu, VPF đã xây dựng thêm nhiều hệ thống giải thưởng hấp dẫn, nâng cao giá trị giải thưởng và hỗ trợ kinh phí tối đa cho tất cả CLB tham dự các giải đấu. Toàn bộ kinh phí di chuyển, ăn ở của tổ trọng tài, giám sát làm nhiệm vụ tại trận đấu đều do VPF chi trả (trước đây là do CLB chủ nhà chi trả), nhằm tránh tiêu cực.

Trong 2 mùa giải 2012 và 2013, có tới 99% trận đấu được tường thuật trực tiếp. Tin tức tại mỗi vòng đấu được các Đài truyền hình tiến hành phát sóng trực tiếp bao gồm VTV (2-3 trận), VTC (2-4 trận), VTVCab (2 trận), BTV (2 trận), HTV (1-2 trận)…

Năm nay, bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đã trực tiếp ảnh hưởng tới kinh phí sản xuất chương trình và kế hoạch phát sóng của các Đài truyền hình đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Cụ thể trong một vòng đấu, các Đài truyền hình chỉ phát trực tiếp một trận đấu cùng ngày; VTV chỉ phát trên kênh VTV6; VTVCab thì chỉ có thể sản xuất một trận đấu ở khu vực phía Bắc…

Trong khi đó, các Đài truyền hình địa phương khác vì thiếu kinh phí sản xuất nên chỉ có thể tiếp sóng trực tiếp các trận đấu (nếu có Đài truyền hình khác sản xuất). Sự cố gắng của các Đài truyền hình có điều kiện để tham gia truyền hình trực tiếp như Đài PT-TH Đồng Nai, An Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Nghệ An là một điều rất đáng ghi nhận. Cá biệt, Đài PT-TH Quảng Nam chỉ chịu truyền hình trực tiếp trận khai mạc giữa QNK.Quảng Nam gặp HV.An Giang, sau khi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu.

Theo thông báo của VPF đến thời điểm này thì số lượng trận đấu đã được các Đài đăng ký truyền hình trực tiếp tại lượt đi là 63/73 trận. Tuy nhiên, hầu hết các trận đấu đều được các Đài Truyền hình khác tiếp sóng trực tiếp từ VTV, VTC, Bình Dương, Đồng Nai và An Giang (những đơn vị trực tiếp sản xuất chương trình). Đặc biệt, số trận đấu được phát trực tiếp trên 3-4 thậm chí 5 kênh sóng cùng lúc là tương đối nhiều.

Mộc Đức

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news