Tin mới

Báo động hơn 90\% học sinh, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí

Thứ sáu, 27/02/2015, 17:00 (GMT+7)

Hội thảo Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường vừa đưa ra con số điều tra "giật mình": Hơn 90\% học sinh, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí.

Hội thảo Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường vừa đưa ra con số điều tra "giật mình": Hơn 90% học sinh, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí.


 

 Hội thảo Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường do Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức cuối tháng Một vừa qua, đã đưa ra một con số điều tra đáng lo ngại: Hơn 90% học sinh, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí. Như vậy, cứ 10 học sinh, sinh viên thì có tới 9 em gặp vấn đề về tâm lý.

Bỗng dưng muốn... tự tử

Theo Bộ GD&ĐT, kết quả cuộc khảo sát gần đây tiến hành trên một số trường phổ thông và đại học tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy, có đến 93,57% số học sinh (HS), sinh viên (SV) được hỏi, gặp phải những khó khăn vướng mắc cần chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày. Tỷ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và bậc đại học là 85,92%.

Em V.A (18 tuổi) đến với trung tâm tham vấn tâm lý, bệnh viện Tâm thần T.Ư trong tình trạng sa sút về nhận thức và cảm xúc. V.A có triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ và cảm thấy chán sống.

A. cho bác sỹ biết, cảm giác của em luôn trống rỗng và buồn quá mức, rất khó khăn khi tiếp xúc với người xung quanh. Các bác sỹ chẩn đoán, em bị rối loạn trầm cảm nặng, cần một thời gian chữa trị lâu dài.

Báo động hơn 90% học sinh, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí

Áp lực học hành, thi cử, vấn đề trong cuộc sống khiến nhiều học sinh, sinh viên stress, thậm chí có em bỗng nhiên muốn ... tự tử. Ảnh minh họa

Qua tiếp xúc, tìm hiểu, bác sỹ được biết, A. có một cuộc sống nội tâm đầy những khó khăn, thường xuyên bị áp lực về mặt tâm lý. Em thường xuyên chứng kiến cảnh ba đánh đập mẹ trong những cơn say.

Đã 18 tuổi nhưng em vẫn thường bị bố đánh, cộng với những áp lực từ kỳ thi cuối cấp, em càng khó khăn và đã dẫn tới stress. A. rơi vào trạng thái trầm cảm và có hành vi tự sát. Em nói với chuyên viên tâm lý rằng: “Cuộc sống của em là những chuỗi ngày đau khổ, giá mà em không có mặt trên đời có lẽ tốt hơn”.

Giới trẻ, nhất là HSSV, con số tự vẫn ngày càng tăng vì những áp lực xã hội đưa đến. Có khi, bậc làm cha mẹ có thể xem thường hay không để ý đến những áp lực đó, vì cho rằng, nó không có thực và có khi “vô duyên”, “vô căn cứ” so với những áp lực mà thế hệ trước đã từng trải nghiệm.

Tuy nhiên, mỗi một thế hệ có những áp lực, những khó khăn khác nhau và đối với những người muốn từ bỏ cuộc sống, những áp lực này rất nguy hiểm.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Như Phương, phụ trách khám và đánh giá tâm lý thanh thiếu niên của Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc rối nhiễu tâm trí (Hà Nội) cho biết: “Có rất nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân của hiện tượng rối nhiễu tâm trí. Chính những va chạm trong cuộc sống hàng ngày mà các em không ứng phó được cũng gây nên những tác động tiêu cực về tâm lý”.

Tình trạng rối nhiễu tâm trí kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, hành vi, ngôn ngữ, nhân cách khác với những chuẩn mực bình thường, thậm chí nhiều người tự nhiên nảy sinh ý định muốn tự tử.

Nguyên nhân một phần do sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp. Bên cạnh các hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập cũng nảy sinh không ít những ảnh hưởng tiêu cực, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý lứa tuổi HSSV. 

Những tác động này nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời, rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Mặt khác, các nhà trường cũng chưa thực sự quan tâm đến đời sống tâm lý HSSV, chưa cung cấp cho các em liều thuốc tinh thần để vượt qua khủng hoảng, giải quyết bế tắc trong cuộc sống.

Trong nhiều gia đình, các mâu thuẫn xung đột về quan điểm, chuẩn mực giá trị xã hội, sự ly thân, ly hôn, sự thiếu gương mẫu, bạo lực trong gia đình, thô bạo trong việc dạy con, áp đặt, thiếu tin tưởng vào con cái chiếm đến 2/3 nguyên nhân rối loạn hành vi, chống đối, trầm cảm, tự sát, nghiện hút... ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, áp lực bởi chương trình học quá tải, thiếu hứng thú ở trường học cùng với các vấn đề tâm lý xã hội như bạo lực, nghiện hút... làm gia tăng các rối nhiễu tâm trí ở lứa tuổi này. Nhiều em sống trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng dễ rơi vào tình trạng này.

Sống trong áp lực

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Lê Đông Phương, viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, tâm lý người Việt luôn muốn mình hơn người. Ai cũng muốn cho con mình được hưởng những gì tốt nhất: Học trường tốt, giáo viên cũng phải giỏi nhất và bù lại, khi được hưởng những điều kiện như thế, con cái không được phép bị điểm thấp, không được phép thua kém bạn bè.

“Vô hình trung, các bậc phụ huynh bị cuốn theo mạch ganh đua. Thêm vào đó, hầu hết phụ huynh lại tưởng con mình là “siêu nhân” nên xuất hiện xu hướng cố gắng “nhồi nhét” con cái. Đây có lẽ là căn bệnh trầm kha của người Việt, thích mình cái gì cũng phải nhất, giống câu nói “hàng đầu ta lại đi đâu, đi đâu ta lại tiến lên hàng đầu”, TS. Phương nói.

Chuyên gia này cũng phân tích, mong muốn này của phụ huynh thật ra lại làm khó con em mình, tạo những áp lực đè nặng lên tâm lý các em.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho biết, thường khi tâm trí ta khoẻ mạnh, đầu óc sáng láng, ý nghĩ đến nhanh, việc làm trôi chảy, cảnh vật xung quanh trở nên dễ chịu. Khi tinh thần bất an, đầu óc căng thẳng, trí nhớ giảm sút, lẫn lộn, khó chịu ăn không ngon, ngủ không yên, công việc bê trễ.

“Rối nhiễu tâm trí” dùng để chỉ biểu hiện lệch lạc nói chung về sức khoẻ tâm trí (trí tuệ và tâm lý) của một cá nhân.

Ở mức độ nhẹ, rối loạn tâm trí thể hiện dưới dạng các triệu chứng rất chung chung như nhức đầu, mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng, chán ăn, học tập sút kém, làm việc rất khó tập trung, cáu giận vô cớ hoặc lo lắng quá mức.

Không được phát hiện, vòng xoắn rối nhiễu nặng dần lên, các triệu chứng trên trở nên rõ rệt và thường xuyên hơn, tác động rõ rệt đến sinh hoạt, học tập, làm việc và nảy sinh các bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết HSSV ít chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những khúc mắc trong đời sống sinh hoạt và học tập với người lớn, kể cả khi các em gặp tình huống khó xử, thậm chí là bị tổn thương nghiêm trọng. Đó được coi là nghịch lý, bởi theo nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục, nhu cầu được tâm sự, hỗ trợ từ người lớn của HSSV rất lớn.

Chuyên gia tâm lý này cũng đưa ra lời khuyên: Cha mẹ nên quan tâm đến con cái. Nếu thấy các em có biểu hiện lạ, cần điều tra tìm hiểu. Phát hiện con bị đe dọa hoặc bắt nạt, cần phối hợp với nhà trường, công an địa phương trong trường hợp bị các đối tượng “đầu gấu” bên ngoài trường đe dọa, cần báo với giáo viên.

Tại buổi hội thảo Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường, TS. Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhận định: “Do ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên đang có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, khiến chúng ta không khỏi lo ngại.

Sự gia tăng tội phạm lứa tuổi học đường đã xảy ra để lại những hậu quả đáng tiếc, đó là nguyên nhân làm cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống hoàn thiện nhân cách của HSSV còn bộc lộ những thiếu sót cần khắc phục trong thời gian tới”.

“Dạy người” quan trọng hơn “dạy chữ”

Theo một vị lãnh đạo sở GD&ĐT, nhà trường hiện nay mới chỉ quan tâm đến việc dạy chữ, việc “dạy người” chưa được quan tâm ở mức độ tương xứng với tầm quan trọng của công việc này.

Cả đời đau đáu vì sự nghiệp giáo dục nước nhà, GS.Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, điều quan trọng không phải là “nhào nặn” trẻ thành “nhân tài” mà là đem đến cho trẻ phương pháp giáo dục tốt nhất. “Đó là khi trẻ không phải học căng thẳng mà được phát triển một cách toàn diện”, GS.Quân nói.

Theo Xuân Hoàng/Đời sống và Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news