Tin mới

Báo Mỹ: Trung Quốc làm quá, Mỹ sẵn sàng huy động lực lượng

Thứ năm, 10/07/2014, 11:05 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Tờ Washington Post của Mỹ dẫn lời cựu chuyên gia phân tích của CIA, ông Christopher Johnson, cho biết Bắc Kinh đang theo đuổi chủ nghĩa phiêu lưu trên Biển Đông, Hoa Đông và nếu Trung Quốc làm quá, Mỹ sẽ triển khai lực lượng.

(Tinmoi.vn) Tờ Washington Post của Mỹ dẫn lời cựu chuyên gia phân tích của CIA, ông Christopher Johnson, cho biết Bắc Kinh đang theo đuổi chủ nghĩa phiêu lưu trên Biển Đông, Hoa Đông và nếu Trung Quốc làm quá, Mỹ sẽ triển khai lực lượng.

 

Trung Quốc hung hăng, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự hiện hữu

Quân đội Trung Quốc ngày càng gia tăng và phát triển mạnh là một thực tế không thể chối cãi. Sở hữu quân sự hùng mạnh cùng thái độ ngày càng hung hăng trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền các hòn đảo, bãi đá, dải đá ngầm không người ở và thậm chí là các quần đảo lớn, đang đẩy nguy cơ bùng nổ xung đột giữa Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng tiến sát gần hơn.

Trong khi đó, Mỹ – quốc gia có tới 3 đồng minh thân thiết đang tranh giành chủ quyền với Trung Quốc, lại có trách nhiệm bảo vệ các quốc gia này khỏi những cuộc tấn công từ "gã khổng lồ thiếu thân thiện" này.

Đặc biệt, trong tình cảnh hiện nay, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự lại càng hiện hữu khi các tàu Trung Quốc trái phép xâm phạm chủ quyền và chủ động đâm va, gây thiệt hại cho tàu chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, chiến đấu cơ Trung Quốc còn nhiều lần chơi trò "mèo vờn chuột" với máy bay Nhật Bản trên không phận biển Hoa Đông.

Nguy hiểm hơn chính là thái độ cảnh giác cao độ giữa Washington và Bắc Kinh, có thể dẫn tới sự tan rã của tinh thần hợp tác giải quyết các vấn đề chung mang tính toàn cầu như cuộc khủng hoảng Trung Đông, biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Bản đồ vạch trần âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông

Trong 2 ngày từ 9 – 10/7,  Ngoại trường Mỹ John F. Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ tới Bắc Kinh tham dự diễn đàn Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên lần thứ sáu. Trong khi, Mỹ vẫn đang tập trung theo dõi các vấn đề liên quan tới Iraq, Syria, Ukraine và Nga, một số chuyên gia lại cho rằng mối quan hệ Mỹ – Trung hiện đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất kể từ khi cựu Tổng thống Richard M. Nixon tới họp bàn với cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1972.

Theo ông Robert Ross - giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Boston, quan hệ Mỹ – Trung hiện đang xuống dốc tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Tình hình tại Đông Á hiện nay cũng bất ổn hơn so với các thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, Chính sách ngoại giao tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hay còn gọi là “trục châu Á” lại được Trung Quốc nhìn nhận như một phần trong nỗ lực kiềm chế sự lớn mạnh của Bắc Kinh từ Washington.

Đặc biệt, nỗ lực cải thiện mối quan hệ gắn bó với các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, tái cam kết bảo vệ các đồng minh châu Á thân thiết như Nhật Bản, Philippines cũng như sự hỗ trợ phòng thủ quân sự cho các quốc gia này của Mỹ khiến Bắc Kinh cho rằng Washington đang khuyến khích các nước láng giềng với Trung Quốc mạnh mẽ và quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền.

“Rõ ràng, các tranh chấp chủ quyền chỉ là vấn đề giữa hai bên nhưng Mỹ đã lựa chọn cho mình một bên để ủng hộ. Đây là chuyện không công bằng”, Đô đốc Sun Jianguo, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nói.

Còn tại Washington, luồng quan điểm đối nghịch nhìn nhận thái độ quả quyết của Trung Quốc trước các tuyên bố chủ quyền qua việc đe dọa bằng vũ lực là nhằm mục đích cuối cùng đẩy Mỹ ra khỏi khu vực châu Á.

Quan hệ Mỹ - Trung - Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ

Trong lịch sử, mối quan hệ Mỹ – Trung cũng từng rất căng thẳng, đặc biệt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này chưa từng có tiền lệ về mặt nền tảng và cấu trúc.

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thiết lập “Vùng nhận diện phòng không” trên biển Hoa Đông, bao trùm không phận quần đảo tranh chấp với Tokyo nhưng nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản, Senkaku/Điếu Ngư.

Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên 2014 theo dự đoán sẽ không thể cải thiện được mối quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi

Tới tháng Ba năm nay, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã phong tỏa, ngăn chặn, không cho tàu của Philippines tiếp vận nhu yếu phẩm cho các binh sĩ đóng quân tại bãi Cỏ Rong.

Sau 2 tháng, Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc còn ngang nhiên xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông. Theo các quan chức Mỹ, hành động này đã thể hiện rõ lập trường ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền.

Trong khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố, quốc gia này đã xác lập chủ quyền tại nhiều khu vực rộng lớn trên Biển Đông nhưng lối hành xử hiếu chiến của Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã khiến giới chuyên gia phải ngạc nhiên. Thậm chí, động thái này của Trung Quốc cũng đã đi ngược lại những tuyên bố hồi năm ngoái của Bắc Kinh về việc cải thiện mối quan hệ hợp tác với các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Một số chuyên gia cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn vin vào những mối đe dọa từ bên ngoài để đẩy nhanh các chương trình cải cách sâu rộng bao gồm quân đội trong nước. Trong khi đó, một số người nhận định rằng đơn giản, Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh khi xây dựng một trật tự mới tại châu Á theo cách của Bắc Kinh thay vì chịu sự chi phối của Mỹ.

Tuy nhiên, phần lớn đồng thuận với ý kiến Trung Quốc tỏ rõ sự hiếu chiến vì Bắc Kinh đang nắm trong tay lực lượng hải quân hiện đại và hải cảnh chuyên nghiệp.

Trung Quốc làm quá, Mỹ sẵn sàng huy động lực lượng

Rõ ràng, sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc đang đẩy Mỹ bị kẹt giữa hai sự lựa chọn. Một là thực hiện cam kết bảo vệ các quốc gia đồng minh châu Á. Hai là duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc.

Tuy nhiên trong vài tháng gần đây, Washington dường như đã nghiêng về sự lựa chọn thứ nhất. Điển hình, Mỹ đã điều các máy bay ném bom B-52 bay qua vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố và đe dọa tái cân bằng sức mạnh quân sự tại châu Á nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự bành trướng trên Biển Đông.

Tàu chiến USS Carl Vinson của Mỹ

Hồi tháng Tư, Tổng thống Obama đã thực hiện chuyến thăm tới các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tại Nhật Bản, ông Obama trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên thẳng thắn khẳng định hiệp ước quốc phòng chung Mỹ – Nhật bao gồm trách nhiệm của Washington bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Còn tại Philippines, Tổng thống Obama đã ký một hiệp ước quốc phòng mới có thời hạn 10 năm.

Hồi tháng Năm, phản ứng trước lời cáo buộc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel về việc Trung Quốc “hăm dọa, ức hiếp và đe dọa bằng vũ lực” trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung đã gọi những lời bình luận của ông Hagel là “xa vời” và “sặc mùi lãnh đạo, kích động cũng như đe dọa”.

Cựu chuyên gia phân tích cao cấp về Trung Quốc thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Johnson nhận định “chủ nghĩa phiêu lưu” đang được thúc đẩy tại Trung Quốc do một số quan chức nước này cho rằng Washington đang thiếu nhất quán và quyết tâm. Theo Trung Quốc, việc Mỹ không trừng phạt chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường cũng như thất bại trong việc ngăn chặn Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đã biến Washington trở thành “con hổ giấy”.

Tuy nhiên, ông Johnson cũng cảnh báo Bắc Kinh sẽ phạm phải sai lầm khi đánh giá thấp cam kết bảo vệ châu Á của Mỹ. “Mỹ hiện là một gã khổng lồ đang ngủ nhưng nếu ai đó mạnh tay khiêu khích, Mỹ sẽ sẵn sàng huy động sức mạnh”.

Yên Yên (Lược dịch theo Washington Post)















Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news