Tin mới

Báo Nhật: Mỹ cần bỏ cấm vận vũ khí sát thương với VN

Thứ sáu, 19/09/2014, 16:30 (GMT+7)

Tạp chí The Diplomat của Nhật ngày 18/9 đăng bài bình luận của tác giả Paul J.Leaf cho rằng, để ngăn chặn Trung Quốc thì đây chính là thời gian thích hợp để Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.>>Việt Nam được lợi gì khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương?>> Tân đại sứ Mỹ: Washington nên dỡ cấm vận vũ khí với Việt Nam

Tạp chí The Diplomat của Nhật ngày 18/9 đăng bài bình luận của tác giả Paul J.Leaf cho rằng, để ngăn chặn Trung Quốc thì đây chính là thời gian thích hợp để Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Tác giả Paul J. Leaf, luật sư và là một cây bút bình luận quốc tế, viết trên The Diplomat ngày 18/9 rằng Washington cần một đối tác mạnh mẽ cho các vấn đề trên Biển Đông, và đó chính là Việt Nam.

Mở đầu bài bình luận, tác giả cho rằng, Mỹ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng trong khi đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng mới và trầm trọng trên thế giới, bởi vậy, họ cần hợp tác nhiều hơn nữa với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, nơi Trung Quốc thường xuyên có hành động gây hấn, âm mưu thay đổi hiện trạng. Do vậy, đã đến lúc Mỹ nên kết thúc lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam để vừa hỗ trợ năng lực phòng thủ vừa cải thiện quan hệ hai nước.


Tác giả cho rằng đã đến lúc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam (Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh)

Thực tế cho thấy, đối với Mỹ, Trung Quốc là một mối đe dọa ngày càng gia tăng. Bắc Kinh tự tin vào sức mạnh quân sự lớn thứ hai trên thế giới của mình và nghi ngờ các biện pháp đối phó của Mỹ, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hành động quyết liệt trong việc đòi yêu sách chủ quyền trên các vùng biển trong khu vực, hung hăng hơn trong vùng biển tranh chấp với các nước láng giêng.

Tác giả cũng liệt kê một số hành động này của Trung Quốc như từ tháng 1/2014 áp luật lệ buộc tàu cá nước ngoài phải được Trung Quốc cho phép khi đánh bắt cá trên diện tích 90% Biển Đông, đưa trái phép giàn khoan dầu khí (Hải Dương-981) vào vùng biển Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7/2014, cho tàu đâm húc tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, công khai việc sẽ xây hải đăng trên các đảo chiếm đoạt của Việt Nam... Mới nhất là vụ phía Trung Quốc cướp phá tàu cá, đánh đập ngư dân Quảng Ngãi tại quần đảo Hoàng Sa trong tháng 8/2014.

Cũng trong tháng Tám, Bắc Kinh thẳng thừng gạt bỏ đề xuất của Mỹ và Philippines kêu gọi “đóng băng” mọi hành động làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực đào đắp, biến nhiều bãi đá ngầm thành đảo và xây nhiều ngọn hải đăng trên những hòn đảo mà họ chiếm giữ trái phép của Việt Nam.

Theo tác giả bài báo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một lực lượng cân bằng rất mạng đối với Trung Quốc. Việt Nam là nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, có lực lượng quân sự nghĩa vụ thứ 11 thế giới, và dự kiến nền kinh tế sẽ đứng thứ 17 thế giới vào năm 2025. 

Tuần dương hạm tên lửa USS Shiloh (CG 67) thuộc hạm đội 7 bắn tên lửa diệt hạm Harpoon trong cuộc tập trận Lá chắn dũng cảm gần đảo Guam hôm 15/9

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng Hà Nội đang ngày càng quan tâm đến việc hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của mình. Từ 2003 đến 2012, Việt Nam đã tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 130% để củng cố và hiện đại hóa hải quân và không quân. Việt Nam còn là quốc gia có vị trí chiến lược khi có biên giới dài trên 1.000 km với Trung Quốc và nằm dài dọc Biển Đông.

Do vậy tác giả bài báo cho rằng bằng cách bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để gia tăng sức phòng thủ, Mỹ hy vọng sẽ hạn chế được sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Mỹ có khả năng giúp hiện đại hóa quân đội Việt Nam nhanh hơn so với Nga là nước cung cấp chủ yếu vũ khí cho Việt Nam. Nguyên nhân là do Mỹ có nhiều công nghệ cao hơn Nga, lại có thể giảm giá vũ khí mạnh mẽ.

Ông Leaf cùng đề cao bản lĩnh kiên cường của người Việt Nam trong suốt 75 ngày bám trụ đấu tranh với lực lượng tàu hộ tống có số lượng lớn hơn rất nhiều của Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 cách đây mấy tháng.

Từ những yếu tố trên, chuyên gia này khẳng định, việc bỏ lệnh cấm này vừa giúp cải thiện quan hệ quân sự giữa hai nước, vừa giúp quân đội Việt Nam có khả năng tương tác nhiều hơn với quân đội các nước trong khu vực, củng cố vị thế vững chắc hơn trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền nếu lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và hải quân được trang bị những phương tiện, khả năng tốt hơn.. Và qua đó Mỹ cũng hy vọng số lượt tàu chiến của Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam sẽ nhiều hơn so với mức 1 chuyến/năm như hiện tại.

Các quan chức Mỹ thuộc cả hai đảng, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, người từng là tù binh chiến tranh ở Việt Nam, mới đây đã cho thấy sự quan tâm của họ trong việc cần hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, và ủng hộ việc củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam. Ông John McCain cũng cho rằng, việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt bởi theo nhiều chuyên gia dự đoán, tình hình Biển Đông rất có thể sẽ còn diễn biến phức tạp trong tương lai.

Yên Yên (Nguồn: The Diplomat)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news