Tin mới

Bão số 7 di chuyển thần tốc, áp thấp nhiệt đới hướng vào Nam Trung Bộ

Thứ bảy, 26/08/2017, 14:46 (GMT+7)

Sau khi xuất hiện, bão Pakhar đã trở thành cơn bão số 7 di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, đồng thời ở Giữa Biển Đông lại mới hình thành một cơn áp thấp nhiệt đới khác đang di chuyển dịch xuống phía Nam.

Sau khi xuất hiện, bão Pakhar đã trở thành cơn bão số 7 di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, đồng thời ở Giữa Biển Đông lại mới hình thành một cơn áp thấp nhiệt đới khác đang di chuyển dịch xuống phía Nam.

Bão số 7 di chuyển thần tốc, hút áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng ngày 26/8, bão Pakhar đã vượt qua kinh tuyến 120 độ Kinh Đông, đi vào phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 năm 2017.

Bão số 7 được dự báo đi nhanh 25-30 km/h theo hướng Tây Bắc. Đến 7h ngày mai (27/8), tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Cường độ mạnh lên cấp 11, giật cấp 13.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đi nhanh 25 km/h theo hướng Tây Tây Bắc. Đến 7h ngày 28/08, tâm bão nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Cường độ bão cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão đi sâu vào đất liền và yếu dần.

Còn áp thấp nhiệt đới sẽ đi khá chậm, khoảng 5 km/h theo hướng Tây Tây Nam. Đến 7h ngày mai (27/8), tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông, cường độ cấp 6.

Cảnh báo có 2 vùng biển nguy hiểm. Thứ nhất là từ vĩ tuyến 11 đến vĩ tuyến 16 và phía tây kinh tuyến 115. Thứ hai là phía Bắc vĩ tuyến 16; phía Đông kinh tuyến 111. Các tàu thuyền chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông tại trụ sở Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn cho biết: Bão số 7 được nhận định không mạnh như cơn bão số 6, nhưng dự báo sẽ hút cơn áp thấp nhiệt đới và di chuyển dịch xuống phía Nam. Do đó vùng tác động đến miền Bắc nước ta sẽ lớn hơn so với cơn bão số 6.

Do ảnh hưởng của bão số 7, mưa diện rộng sẽ xảy ra ở vùng núi và trung du Bắc Bộ. Mưa bắt đầu từ ngày 28/8 đến hết ngày 30/8, tổng lượng mưa đo được tại khu vực này là 80-150mm; vùng núi là 150-200mm, có nơi trên 300mm.

Cũng theo ông Hưởng, cơn áp thấp nhiệt đới ở khu vực giữa Biển Đông không có khả năng mạnh lên, chỉ tồn tại khoảng 24h, sau đó bị bão số 7 hút.

Ngày 26/8, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 49 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Giao thông Vận tải; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài thông tin duyên hải về việc ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới. 

Nội dung Công điện nêu rõ áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên Biển Đông, khu vực có nhiều tàu thuyền hoạt động. 

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, chỉ đạo và triển khai các hoạt động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận và các bộ ngành, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. 

Khu vực nguy hiểm được xác định trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 11 đến 17 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 115 độ Kinh Đông (khu vực nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới) sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn cho các tàu vận tải, phương tiện hoạt động trên biển thuộc phạm vi quản lý của bộ biết thông tin về áp thấp nhiệt đới; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho các phương tiện, tránh lập lại sự cố đáng tiếc như đã xảy ra tring cơn bão số 2 tại Nghệ An.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân chủ động ứng phó.

Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: bão số 7