Tin mới

Bể chất độc khổng lồ ẩn dưới Bắc Cực đe dọa cả nhân loại nếu bị phun trào

Thứ năm, 08/02/2018, 09:34 (GMT+7)

Có đến 793 triệu kg thủy ngân đang bị mắc kẹt trong lớp đất băng vĩnh cửu của bán cầu Bắc kể từ kỷ nguyên băng hà cuối cùng. Nếu lượng thủy ngân này phun trào ra ngoài môi trường sẽ làm thay đổi cả hệ sinh thái Trái đất.

Có đến 793 triệu kg thủy ngân đang bị mắc kẹt trong lớp đất băng vĩnh cửu của bán cầu Bắc kể từ kỷ nguyên băng hà cuối cùng. Nếu lượng thủy ngân này phun trào ra ngoài môi trường sẽ làm thay đổi cả hệ sinh thái Trái đất.

Dưới lớp băng khổng lồ ở Bắc Cực ẩn chứa 1 chất cực độc, nếu thoát ra bên ngoài toàn nhân loại sẽ bị đe dọa - Ảnh 1.

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm tan chảy vùng đất đóng băng vĩnh cửu.

Theo Science Alert, nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ xác định 793 triệu kg thủy ngân đang bị mắc kẹt trong lớp đất băng vĩnh cửu của bán cầu Bắc kể từ kỷ nguyên băng hà cuối cùng.

Phát hiện này được giới khoa học đặc biệt chú ý vì lớp băng vĩnh cửu trên Trái đất đang ngày dần tan chảy theo thời gian.

Dưới lớp băng khổng lồ ở Bắc Cực ẩn chứa 1 chất cực độc, nếu thoát ra bên ngoài toàn nhân loại sẽ bị đe dọa - Ảnh 2.

Bản đồ này cho thấy nồng độ thuỷ ngân (tính bằng microgram/mét vuông) ở các độ sâu khác nhau.

Theo nghiên cứu, lượng thủy ngân ở Bắc Cực gấp đôi tổng lượng thủy ngân được tìm thấy ở những nơi khác trên Trái đất và gấp 10 lần lượng thủy ngân con người thải ra môi trường trong 30 năm qua.

Paul Schuster, nhà khảo sát địa chất Hoa Kỳ cho biết, "bể chứa" thủy ngân khổng lồ hình thành do thủy ngân tự nhiên đi vào lớp băng vĩnh cửu từ khí quyển.

Là một phần của chu trình thủy ngân, hơi thủy ngân trong khí quyển đã kết dính với các chất hữu cơ trong đất, sau đó bị chôn vùi bởi trầm tích. Theo thời gian, khối lượng thủy ngân này bị vùi lấp sâu trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu.

"Sẽ không có bất cứ vấn đề gì về môi trường nếu mọi thứ vẫn đóng băng như vậy. Tuy nhiên chúng ta đều biết rằng Trái đất đang nóng lên từng ngày, dẫn đến tình trạng băng tan.

Mà dựa theo vật lý thì khi băng tan đến một mức độ nhất định, khối lượng thủy ngân này hoàn toàn có thể bị phóng thích ra ngoài môi trường", ông Paul nói.

Phát hiện này có tính chất cảnh báo nghiêm trọng vì nếu kịch bản "thủy ngân bị phóng thích" này xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hệ sinh thái trên khắp thế giới.

Nếu để thủy ngân hòa vào nguồn nước, nó có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. Thủy ngân vô cơ có thể bị chuyển hóa thành methyl thủy ngân - một chất độc mạnh gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh.

Rất nhiều trường hợp ngộ độc methyl thủy ngân ở người đã được ghi nhận sau khi ăn cá bắt được ở vùng nước nhiễm độc. Methyl thủy ngân cũng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và là tác nhân gây nhiều dị tật bẩm sinh.

Steve Sebestyen, một nhà khí tượng học tại Cục Kiểm Lâm Mỹ nói: "Lượng thuỷ ngân này lan tỏa vào môi trường sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn vì thủy ngân có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các sinh vật”.

Nếu thủy ngân tiếp xúc với bầu khí quyển, nó có thể lan tỏa ra toàn thế giới.

Bước tiếp theo của nghiên cứu là mô phỏng sự thay đổi khí hậu để có thể làm tan lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Các nhà khoa học cũng dự đoán tác hại nặng nề một khi lượng thủy ngân khổng lồ hòa lẫn vào hệ sinh thái.

“24% diện tích trên Trái đất là đất đóng băng vĩnh cửu, và có một bể thuỷ ngân khổng lồ ẩn sâu trong lớp đất đó.  Điều gì sẽ xảy ra nếu lớp băng ấy tan biến mất? Thủy ngân sẽ thâm nhập vào chuỗi thức ăn như thế nào?”, ông Schuster đặt câu hỏi.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news