Tin mới

Bí ẩn hình rồng trên tấm thẻ bài độc bản bằng ngà voi lớn nhất VN

Thứ bảy, 01/11/2014, 20:08 (GMT+7)

Đến bây giờ, các nhà sưu tầm đồ cổ vẫn chưa thể hình dung được con voi lớn bằng cỡ nào mới cho ra chiếc ngà khổng lồ để từ đó các nghệ nhân chạm khắc ra tấm thẻ bài độc đáo và quý giá này.

Đến bây giờ, các nhà sưu tầm đồ cổ vẫn chưa thể hình dung được con voi lớn bằng cỡ nào mới cho ra chiếc ngà khổng lồ để từ đó các nghệ nhân chạm khắc ra tấm thẻ bài độc đáo và quý giá này.

Ngoài ra, những minh văn chạm khắc trên thẻ bài cũng mang đến cho các nhà sưu tầm liên tưởng đến chức năng của thẻ bài này được dùng trong lễ Tế Đàn Nam Giao, cầu cho mưa thuận gió hoà. Người duy nhất được cầm chiếc thẻ bài này là vua và một năm nó chỉ được sử dụng một lần.

Bí ẩn hình rồng trên tấm thẻ bài độc bản bằng ngà voi lớn nhất VN - Ảnh 1

Hình tượng con rồng trên tấm thẻ bài.

Chiếc thẻ bài độc nhất vô nhị

Thời gian qua, giới sưu tầm đồ cổ được phen bàn tán xôn xao về sự xuất hiện đầy bất ngờ của chiếc thẻ bài bằng ngà voi có niên đại thế kỷ XVII. Chiếc thẻ độc đáo này xuất hiện trong đợt triển lãm “Văn hóa cổ vật và tranh Mỹ thuật đương đại” nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô - đây là cuộc triển lãm được tổ chức bởi những nhà sưu tầm cổ vật tư nhân ở Hà Nội. Chiếc thẻ bài bằng ngà độc đáo này được cho rằng là vật dụng của vua, nó được sử dụng trong các buổi lễ Tế Đàn Nam Giao cầu cho mưa thuận gió hoà và chỉ được sử dụng một năm có một lần.

Sau khi ra mắt công chúng, chiếc thẻ bài bằng ngà voi này nhanh chóng gây sửng sốt đối với dư luận. Trước hết về độ lớn của thẻ bài này, cùng với đó là các minh văn chạm khắc tinh tế mang thông điệp đầy ý nghĩa trên đó. Sự thu hút của công chúng cũng như sự quý giá của chiếc thẻ bài bằng ngà voi này tới mức chỉ qua trưng bày vài ngày, những nhà tổ chức buộc phải mang nó cất đi vì những lo ngại về mặt An ninh. Khi hỏi về chiếc thẻ bài độc đáo này và những giá trị của nó, nhà sưu tầm Phạm Việt Phương – người đứng ra tổ chức Sự kiện cho rằng chiếc thẻ bằng ngà voi này là bản độc nhất vô nhị, có thể xem là một bảo vật của quốc gia.

Ông Phương cho biết, chiếc thẻ bài trên là của một thành viên trong hội sưu tầm cổ vật Hà Nội, nó được tìm thấy cách đây 3 năm, bị vùi lấp trong lòng đất hàng trăm năm. Đến giờ vẫn chưa thể giải mã được nguyên nhân. Sở dĩ ông Phương cho rằng, chiếc thẻ bằng ngà voi trên là độc bản, có một không hai. Từ trước đến giờ chưa từng được công bố và đến giờ vẫn chưa tìm thấy bất kỳ hiện vật thứ hai nào cùng loại. Bởi xét riêng về hình thức của chiếc thẻ bài này cũng đủ để người ta bình phẩm cả ngày, thậm chí được xem là một kỷ lục về kích cỡ.

Bí ẩn hình rồng trên tấm thẻ bài độc bản bằng ngà voi lớn nhất VN - Ảnh 2

Ông Phạm Việt Phương. 

Theo lý giải của giới sành cổ vật thì với chiều cao của thẻ bài lên tới tận 30cm, chiều rộng đến tận 17cm, nguyên khối, chỉ có những con voi khổng lồ mới có được chiếc ngà lớn như vậy. Sở dĩ nhiều nhà sưu tầm cổ vật khi bình phẩm về kích cỡ của chiếc thẻ bài bằng ngà voi trên đều đồng nhất quan điểm đây là một kỷ lục. Vì theo lý giải, ngà voi thường rỗng ở phần chân nên tìm phần ngà nguyên khối lớn như trên là chuyện cực kỳ hiếm không nói là chuyện quá hiếm. “Không thể tưởng tượng được, một con voi lớn bằng cỡ nào mới có chiếc ngà nguyên khối lớn như thế? Trong điều kiện hiện nay nếu để tìm được một khối ngà voi lớn như vậy là chuyện không thể” – ông Phương nói.

Không chỉ tạo dấu ấn bởi độ “khủng” mà chiếc thẻ ngà còn thu hút giới sưu tầm đồ cổ bởi những sự chạm khắc hết sức tinh tế đặc biệt là hình tượng con rồng trên chiếc thẻ bài. Theo quan sát của PV thì con rồng này nằm ở vị trí trung tâm, là hồn cốt của chiếc thẻ bài. Con rồng được chạm khắc với tư thế rất độc đáo, đuôi hướng lên phía trên, mặt hướng xuống dưới, uốn quanh hai chiếc cột song song và các vân mây được chạm khắc rất tinh tế, xuất hiện theo bố cục chặt chẽ đầy ẩn ý. Một nét độc đáo nữa theo nhiều nhà sưu tầm đó là hình tượng con rồng trên vừa mang phong cách rồng thời Lý lại có nhiều nét của chạm khắc mang phong cách rồng thời Lê. Vì nhìn vẻ bề ngoài thì hình tượng con rồng trong chiếc thẻ bài này vừa uyển chuyển, mềm mại lại vừa dữ dằn quyền uy.

Trong khi bình phẩm về chiếc thẻ bài này nhiều người thống nhất cho rằng chiếc thẻ bài này là vật dụng của vua. Bởi hình tượng con rồng được chạm khắc trên chiếc thẻ bài này là con rồng chân có năm móng. Thời phong kiến thì chỉ trên các vật dụng của vua mới được phép chạm khắc rồng năm móng (một biểu tượng quyền uy của vua, còn rồng của dân gian chỉ có 4 móng). ông Phương cũng cho rằng: “Từ xưa ngà voi được xem là một trong bảy vật phẩm chân quý, việc khắc in các thẻ bài thì nó vẫn hay được dùng. Thời Phong kiến luôn chú trọng thứ bậc, do đó, chỉ những thẻ bài của các vị đại quan, của vua mới dùng chất liệu này. Đến nay các cổ vật chạm khắc bằng ngà voi còn lại không nhiều. Do đó, chiếc thẻ bài này có thể gọi là một báu vật xét về độ quý hiếm cũng như giá trị của nó”.

Thông điệp từ nền văn minh của người xưa

Một vấn đề đặt ra đối với người xem là chiếc thẻ bài bằng ngà voi trên được sử dụng vào mục đích gì và ý nghĩa của chữ viết trên thẻ bài như thế nào. Dựa trên các minh văn được khắc trên thẻ bài này người ta cho rằng chiếc thẻ bài này có thể được dùng khi lễ Tế Đàn Nam Giao.

Sở dĩ, các nhà sưu tầm cổ vật đều thống nhất nhận định vật dụng này được vua sử dụng trong lễ Tế Đàn Nam Giao chính vì ý nghĩa của các minh văn trên thẻ bài. Cụ thể, mặt sau, chính diện của nó có khắc bốn chữ rất lớn là “Hoán Vũ Hô Phong” – (hô mưa gọi gió). Bốn chữ này được khắc ngay ngắn, vuông vắn, đặt ở vị trí trung tâm. Xung quanh là các minh văn ghi lại chu kỳ thời tiết của một năm (xuân hạ thu đông, sự biến đổi của các tiết...) bên dưới dòng minh văn có nghĩa (cầu xin mưa thuận gió hoà). Chính điều này các nhà sưu tầm cho rằng chiếc thẻ bài này không phải là một vật dụng bình thường hàng ngày của vua. Bản thân các minh văn đã cho thấy điều đó. Tất cả văn tự trên thẻ bài này đều có ý nghĩa cầu xin cho mưa thuận gió hoà, thời tiết tốt đẹp. Đây chính là điều để nhiều nhà sưu tầm cho rằng đây là chiếc thẻ bài được dùng trong nghi lễ Tế Đàn Nam Giao.

Mặc dù, các nhà sưu tầm đưa ra giả thuyết rất có căn cứ dựa trên hình tượng con rồng và ý nghĩa của các minh văn khắc in trên tấm thẻ bài này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai có thể nói rõ được chiếc thẻ bài trên được sử dụng như thế nào trong các buổi Tế Đàn Nam Giao và giá trị về mặt tâm linh của nó. Điều này đang chờ đợi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử giải thích và làm rõ. Theo ông Phương: “Chỉ khi nào các nhà nghiên cứu văn hoá và nhà sử học bắt tay vào nghiên cứu thì mới có thể khẳng định chắc chắn thẻ bài trên là vật phẩm của vua để dùng Tế Đàn Nam Giao. Còn hiện nay, đây chỉ mới là giả thuyết của các nhà sưu tập”.

Bí ẩn hình rồng trên tấm thẻ bài độc bản bằng ngà voi lớn nhất VN - Ảnh 3

Hình tượng con rồng trên tấm thẻ bài.

Nếu như những lý giải trên là chính xác thì bản thân chiếc thẻ bài bằng ngà voi này rất có giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học. Nó có thể xem là một phát hiện lớn về khoa học và là một bảo vật cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Câu hỏi chờ giải mã!?

Lễ Tế Đàn Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng. Ngoài ra cũng mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi. Ngoài lễ Tế Đàn Nam Giao thì trong các triều đại phong kiến xưa có lễ Tế Đàn Xã Tắc (tế Thần Đất, Thần Nông) cũng mang thông điệp cầu cho mưa thuận gió hòa. Cả hai lễ tế này đều do vua chủ trì hành lễ. Chính vì vậy, chiếc thẻ bài bằng ngà voi này được dùng cho lễ tế nào vẫn là câu hỏi chờ giải đáp.

Theo Nguoiduatin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tấm thể bài