Tin mới

Bị phạt vì chê Chủ tịch tỉnh trên facebook: Có quá nghiêm khắc?

Thứ hai, 16/11/2015, 13:42 (GMT+7)

Bà T. thấy thông tin “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh An Giang”, liền đăng nội dung đó lên facebook của mình rồi vào bình luận, “chê”... gương mặt ông chủ tịch tỉnh. Sau đó có thêm 2 cán bộ khác vào bình luận đồng tình…

Bà T. thấy thông tin “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh An Giang”, liền đăng nội dung đó lên Facebook của mình rồi vào bình luận, “chê”... gương mặt ông chủ tịch tỉnh. Sau đó có thêm 2 cán bộ khác vào bình luận đồng tình…

Sở Thông tin - truyền thông tỉnh An Giang vừa ra quyết định xử phạt và kỷ luật ba cán bộ vì chê chủ tịch tỉnh trên Facebook.

Theo đó, bà Lê Thị Thùy T. (giáo viên Trường THPT Long Xuyên, TP Long Xuyên) và ông Huỳnh Nguyễn Huy P. (nhân viên Điện lực An Giang) mỗi người 5 triệu đồng. Còn bà Phan Thị Kim N. (phó văn phòng Sở Công thương) chỉ bị nhắc nhở.

Ngoài ra, ba cán bộ này còn bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.

Hình minh họa

Trước đó sau khi đọc báo trên mạng có nội dung “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”, bà T. tải lại thông tin này lên Facebook cá nhân rồi bình luận “chê”… gương mặt chủ tịch UBND tỉnh...

Từ đó nhiều người, trong đó có ông P. vào comment, câu like trên Facebook của bà T.

Câu chuyện bình luận trên Facebook bị kỷ luật xử phạt hành chính đang gây xôn xao dư luận, nhiều người bày tỏ băn khoăn về tính pháp lý cũng như hợp lý của vụ việc này.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với một số luật sư để hiểu rõ hơn về sự việc.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh: Căn cứ xử phạt là Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tại điều này, điểm G khoản 3 quy định: “3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”

Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh

 Đây là mức phạt đối với tổ chức vi phạm. Còn cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Luật sư Giang phân tích: Vấn đề đầu tiên cần phải đặt ra là người bị coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín (ở đây là ông Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) có đơn yêu cầu xử lý hay không, bởi lẽ đối với các trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người bị xâm phạm phải trực tiếp yêu cầu.

Tiếp theo, chúng ta cần phải hiểu, thế nào là “Xúc phạm”. Đối với người này thì việc làm của bà T., ông P. là bình thường, nhưng đối với người khác thì đó lại là sự xúc phạm.

Theo từ điển tiếng Việt, “Xúc phạm” là động chạm đến, làm tổn thương đến những gì mà người ta thấy là cao quý, thiêng liêng phải giữ gìn cho bản thân mình hoặc cho những người thân của mình.

Thật ra đây là một khái niệm rất rộng, không có tính chất cố định, do đó như tôi nói ở trên, mỗi cá nhân có thể có một cảm nhận khác nhau.

Trở lại vụ việc, những người bị xử phạt vì đã bày tỏ ý kiến của mình về hình ảnh, tư thế của ông Chủ tịch UBND tỉnh An Giang là “trông kênh kiệu”. Vậy nếu ông Chủ tịch cho rằng mình không kênh kiệu thì đương nhiên cũng đồng nghĩa với việc ông Chủ tịch tỉnh cảm thấy những người trên đã xúc phạm bản thân mình.

Cũng theo luật sư Thanh: Hiện nay, chưa thấy thông tin nào về việc những người bị phạt có chấp nhận biện pháp xử phạt này hay không. Tuy nhiên nếu họ không đồng tình, họ có thể khiếu nại tới cơ quan đã ra quyết định xử phạt họ.

“Cá nhân tôi cho rằng, trong trường hợp này, mức phạt tiền là hơi nghiêm khắc (mặc dù pháp luật cho phép xử phạt ở mức như vậy). Tuy nhiên điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng vì người đang bị cho là bị xúc phạm là ông Chủ tịch tỉnh nên người xúc phạm mới bị xử phạt như vậy” – luật sư Thanh nói.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội lại cho rằng, có lẽ đây không phải là văn bản xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính đầu tiên liên quan tới hành vi xâm phạm quyền tự do, dân chủ, danh dự, nhân phẩm của công dân.

“Tuy nhiên, có thể đây là hình thức vi phạm tương đối mới mẻ, bởi hành vi vi phạm bị thực hiện qua mạng xã hội facebook nên một số người mới cho là ‘dị’” – luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp

Luật sư Cường cho biết thêm, thực tế, trên các mạng xã hội nhiều người đang có những lời nói, phát ngôn gây sốc, có những lời lẽ, hành động nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà chưa bị xử lý.

Nếu người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội bị khiếu kiện thì hành vi vi phạm này sẽ bị áp dụng quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP hoặc những hành vi khác có thể bị áp dụng quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để xử lý vi phạm.

Trong tương lai chắc sẽ có nhiều vụ việc bị xử lý tương tự vụ việc này để đảm bảo danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được pháp luật bảo vệ.

Việc tự do ngôn luận, tự do báo chí phải được thực hiện một cách nghiêm túc trong khuôn khổ pháp luật, cần phải áp dụng những chế tài trong một số trường hợp cần thiết để đảm bảo giới hạn của các quyền tự do, để việc thực hiện quyền tự do của chủ thể này không xâm hại tới quyền tự do khác của chủ thể khác trong xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng, tự do, tiến bộ và văn minh của xã hội” – luật sư Cường nêu quan điểm.

Luật sư cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, nếu không đồng ý với mức xử lý, hình thức xử lý vi phạm thì người bị xử lý vi phạm vẫn có quyền khiếu kiện theo quy định pháp luật”.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news