Tin mới

Biển Đông: Mỹ tăng cường tuần tra, Việt Nam cân nhắc mọi lựa chọn để bảo vệ chủ quyền

Thứ ba, 05/06/2018, 08:19 (GMT+7)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo rằng hành động quân sự hóa Biển Đông có thể khiến Trung Quốc phải chịu nhiều hậu quả.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo rằng hành động quân sự hóa Biển Đông có thể khiến Trung Quốc phải chịu nhiều hậu quả.

Kế hoạch của Mỹ

Mỹ đang cân nhắc tới khả năng tăng cường tuần tra ở Biển Đông để thách thức động thái quân sự hóa ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên tuyến hàng hải này. 

Lầu Năm Góc đang tính đến một chương trình tự do hàng hải rõ nét hơn gần các công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, Reuters dẫn nguồn các quan chức Mỹ, châu Âu và châu Á cho biết.

Những động thái này có thể bao gồm hoạt động tuần tra dài hơn, có sự tham gia của nhiều tàu hơn hoặc do thám các cơ sở trái phép của Trung Quốc ở khoảng cách gần hơn.

Giới chức Mỹ cũng đang hối thúc các đồng minh và đối tác quốc tế tăng cường triển khai lực lượng hàng hải của mình qua tuyến thương mại trọng yếu trên biển Đông, trong khi Trung Quốc củng cố năng lực quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Biển Đông: Mỹ tăng cường tuần tra, Việt Nam cân nhắc mọi lựa chọn để bảo vệ chủ quyền - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tại Shangri-La 2018. Ảnh: Reuters

"Điều chúng ta thấy trong vài tuần qua chỉ mới là khởi đầu, rõ ràng nhiều hoạt động hơn đang được hoạch định", một quan chức phương Tây đề cập tới hoạt động tự do hàng hải hồi cuối tháng trước của Mỹ.

Lầu Năm Góc không bình luận về các hoạt động sẽ diễn ra nhưng phát ngôn viên cơ quan này, Trung tá Christopher Logan, cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các bằng hữu, đối tác và đồng minh để đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở".

Chiến lược rõ nét hơn của Lầu Năm Góc có vẻ đã bắt đầu. Tháng trước, Mỹ đã điều hai tàu chiến tới thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần các thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép trên Biển Đông dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Mặc dù hoạt động này đã được lên lịch từ nhiều tháng trước và các hoạt động tương tự đã trở thành lệ thường nhưng đây là lần đầu tiên 2 tàu chiến đồng thời xuất hiện.

Lầu Năm Góc cũng đã rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC sẽ diễn ra ngoài khơi Hawaii.

Trung Quốc sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã cảnh báo rằng hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc giờ đã là một "thực tế" và Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.

Biển Đông: Mỹ tăng cường tuần tra, Việt Nam cân nhắc mọi lựa chọn để bảo vệ chủ quyền - Ảnh 2.

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn (đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam). Ảnh: CSIS

Cuối tháng trước, lực lượng không quân Trung Quốc đã đáp các máy bay ném bom xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong một cuộc tập trận.

Theo ảnh vệ tinh ngày 12/5, có vẻ Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm lên đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền Việt Nam). Một số tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không cũng được Trung Quốc đưa tới căn cứ lớn nhất mà nước này xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Phát biểu bên lề hội nghị Shangri-La, Hà Lôi - Viện phó Viện Khoa học quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trắng trợn thừa nhận, Bắc Kinh đang triển khai quân đội và vũ khí trái phép tới các đảo đá ở biển Đông .

Chuyên gia an ninh tại Singapore Tim Huxley nhận định, "Họ [Trung Quốc] không làm như vậy chỉ để khiến Mỹ hoặc láng giềng của mình khó chịu mà gần như chắc chắn, họ làm như vậy để phục vụ mục Tiêu Chiến lược dài hạn của mình. Đó là bành trướng sức mạnh quân sự hoặc đảm bảo nguồn cung năng lượng".

Các tùy viên quân sự trong khu vực cho biết họ đang chuẩn bị cho các động thái kế tiếp của Trung Quốc, những động thái mà một số lo lắng rằng có thể là lần đầu tiên triển khai máy bay chiến đấu tới quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hoặc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ).

Giới chức quân sự Việt Nam bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc lập ADIZ vì nó đe dọa sự toàn vẹn của không phận Việt Nam.

Reuters dẫn lời Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, cho biết: Mặc dù Việt Nam lâu nay vẫn hướng tới khả năng giải quyết tranh chấp trong hòa bình nhưng "mọi lựa chọn đều được tính đến nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của chúng tôi".

"Thiết lập ADIZ là một khả năng mà chúng tôi đã nghĩ tới và có kế hoạch để đối phó", ông Nguyễn Đức Hải nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news