Tin mới

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có những tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội nói xấu chế độ

Thứ bảy, 04/11/2017, 07:37 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Dũng, việc đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến việc quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó đối với các mạng xã hội.

Theo Bộ trưởng Dũng, việc đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến việc quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó đối với các mạng xã hội.

Mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài, quản lý rất khó

Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trao đổi với báo chí về dự thảo luật An ninh mạng Việt Nam quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: 

"Thực tế cũng có những tổ chức cá nhân lợi dụng các mạng xã hội để nói xấu chế độ, bôi nhọ, xuyên tạc chế độ.

Và chính việc đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến việc quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó. Việc này rất dân chủ, công khai nhưng cũng phải đặt vấn đề quản lý Nhà nước, vấn đề an toàn an ninh quốc gia".

Đồng thời, ông lưu ý với mọi vấn đề, cần có cái nhìn hai mặt.

Cũng theo người phát ngôn Chính phủ, phải có cơ quan quản lý Nhà nước là đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề này, không thể để tình trạng anh ở đâu đó nói xấu chế độ xuyên tạc bôi nhọ, tạo ra ảnh hưởng không tốt tới tình hình an ninh đất nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Chưa xem xét việc sáp nhập Bộ

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra chiều 3/11, báo chí đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về đề xuất hợp nhất một số Bộ có chức năng tương đồng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết ngày 26/10/2017, Hội nghị Ban Chấp hành TƯ 6 đã ban hành Nghị quyết 18 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

"Về nguyên tắc sẽ rà soát lại và thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, đó là vấn đề tinh giản biên chế, bộ máy và tinh giảm đầu mối theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì.Vì hiện nay có rất nhiều việc chúng ta chồng chéo", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông cũng cho biết, việc thực hiện sẽ theo hướng phân cấp mạnh cho chính quyền cấp dưới. "Những gì liên quan chồng chéo thì bây giờ trên tinh thần Nghị quyết 18 sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu để xử lý vấn đề tránh chồng chéo với tinh thần rút gọn các tổ chức bộ máy và biên chế để giảm ngân sách nhà nước. 

Chẳng hạn như với cấp tỉnh hiện nay có thể xem xét sáp nhập Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH…"

Riêng việc hợp nhất một số Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, người phát ngôn Chính phủ cho biết, Chính phủ chưa bàn vì "đó là lộ trình".

"Vấn đề hiện nay trên tinh thần Nghị quyết 18 thì xây dựng chương trình hành động. Bây giờ Bí thư, Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ tham mưu để xây dựng chương trình hành động cụ thể.

Đầu tháng 12 phải ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18, 19 và 20, đây là 3 Nghị quyết lớn của TƯ 6 phải thực hiện", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường giải thích thêm, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời báo chí về việc này.

Theo ông Cường, Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 6 cũng có nêu rõ việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới.

"Sau khi có nghị quyết này, Bộ nội vụ được Thủ tướng giao xây dựng chương trình hành động để thực hiện.

Trong đó có những nội dung áp dụng làm ngay, có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII", ông Cường nói.

Mới đây, có rất nhiều ý kiến xung quanh quy định của Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…".

Theo quy định này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news