Tin mới

Bộ Tư Pháp đề nghị lùi thời gian thực hiện quy định ghi tên cả gia đình lên sổ đỏ

Thứ năm, 30/11/2017, 10:43 (GMT+7)

Các cơ quan Bộ Tư pháp cho rằng Bộ Tài nguyên - Môi trường nên xem xét lùi thời gian thực hiện quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ để chờ đủ điều kiện.

Các cơ quan Bộ Tư pháp cho rằng Bộ Tài nguyên - Môi trường nên xem xét lùi thời gian thực hiện quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ để chờ đủ điều kiện.

Theo tin tức từ Dân Trí, Thanh Niên, sau khi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT hướng dẫn ghi tên các thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ hộ gia đình được đưa ra gây xôn xao dư luận, Bộ Tư pháp đã tiến hành “họp khẩn” với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao đổi về tính hợp lý, khả thi trong điều kiện hiện nay.

Các cơ quan Bộ Tư pháp đề nghị ngừng hiệu lực quy định ghi tên cả gia đình lên sổ đỏ để chờ hội đủ điều kiện. Ảnh Lao Động

Theo ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, việc quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất là cần thiết, tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất, trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, giúp hạn chế những khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ba cho biết: "Quy định tại Thông tư 33 là có cơ sở pháp lý, tuy nhiên cần phải có giải pháp để bảo đảm tính khả thi. Cục Kiểm tra văn bản không được giao thẩm quyền kiểm tra, kết luận về tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, chúng tôi chưa thực sự yên tâm về tính khả thi của quy định này".

Cục trưởng Kiểm tra văn bản phân tích: Nếu quyết tâm thực hiện quy định này từ ngày 5/12 tới, thì phải rất khẩn trương chuẩn bị các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi, yên tâm cho người dân.

"Nếu các điều kiện cần thiết để triển khai quy định này chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa lường hết và có giải pháp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về các vấn đề đã nêu trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét việc ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này để có thêm thời gian chuẩn bị, trong đó cũng cần quan tâm việc truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội", dẫn nguồn từ Dân Trí, ông Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.

Đánh giá lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất trách nhiệm, cầu thị trong xem xét, giải quyết vấn đề ngay sau khi dư luận ồn ào và Thông tư 33/2017 chưa có hiệu lực nhưng ông Đồng Ngọc Ba cho rằng cần rút ra bài học sâu sắc trong xây dựng văn bản từ sự việc này - không thể chỉ đơn giản là làm đúng quy trình.

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Ba thẳng thắn cho biết: "Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến theo thủ tục quy định, nhưng rõ ràng việc để sau khi ban hành quy định, một bộ phận không nhỏ người dân không đồng thuận, gây bức xúc xã hội, thì cần nghiêm túc xem xét lại phương pháp làm, chất lượng, sự “thực chất” của việc lấy ý kiến về dự thảo quy định này trước khi ban hành”.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news