Tin mới

Bộ Văn hóa nói gì trước đề xuất bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo?

Thứ bảy, 24/02/2018, 14:48 (GMT+7)

Trước đề xuất của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đưa ra quan điểm quyết liệt...

Trước đề xuất của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đưa ra quan điểm quyết liệt...

Mới đây, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội nhằm tăng cường nét đẹp truyền thống tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Giáo hội đề nghị chư tôn đức tăng ni trụ trì các chùa, thiền viện, tu viện... nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Việc đốt vàng mã quá đà sẽ gây lãng phí, hủy hoại môi trường. Ảnh Lao Động

Trước đề xuất này trao đổi với PV Dân Trí, một đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết: "Việc hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự. Đồng thời, cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình”.

Cũng theo nguồn thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, với các trường hợp người dân cố tình đốt đồ mã, vàng mã bừa bãi, gây ô nhiễm, mất cảnh quan, tùy theo mức độ vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động lễ hội.

Cũng đồng ý với ý kiến trên, dẫn ý kiến của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trên Dân Việt, Thứ trưởng cho rằng, Giáo hội Phật giáo đưa ra công văn như vậy là một tư duy cách mạng.

Thứ trưởng cũng nói rằng: “Tôi ủng hộ quyết định của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng. Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song, giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu".  

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đưa ra một vài ý kiến băn khoăn, lo ngại việc cấm đốt vàng mã được thực thi sẽ ảnh hưởng tới một số lĩnh vực, nhất là các làng nghề sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa làng nghề, bởi rất nhiều nơi người dân đang sống bằng nghề làm vàng mã và những đồ thờ cúng. 

Theo đó, thực hiện việc cấm đốt vàng mã ở một số nơi và quy mô đưa ra như thế nào cho hợp lý, bởi bỏ đi một tục lệ đã ăn sâu vào văn hóa của người dân hàng ngàn đời thì rất khó.

Cũng cho ý kiến về thông tin bỏ tục đốt vàng mã, trao đổi với PV báo Đất Việt, sư thầy Thích Đàm Hải, trụ trì chùa Trà Đông, Xuân Trường, Nam Định chia sẻ: "Tục đốt vàng mã chúng tôi đã bỏ rồi, cỡ cũng phải 5-6 năm. Trước đó chúng tôi đã nói để người dân không mang vàng mã đến chùa. Nếu người ta đã mang đến rồi thì mình đốt cho cha mẹ họ, nhưng mình giáo hóa để lần sau họ không mang đến đốt nữa.

Qua đọc kinh sách chúng tôi biết nên giáo hóa cho mọi người được biết. Việc đốt vàng mã không biết thế giới bên kia họ có nhận được hay không nhưng đọc kinh sách thì bảo không đốt vàng mã. Vậy nên chúng tôi giáo hóa cho mọi người bỏ đi những cái gì không cần thiết, không nên tốn kém lãng phí vậy".

Thầy Thích Đàm Hải khẳng định: "Ở đâu đốt nhiều thì kệ, còn ở đây giáo hóa người ta để không ai làm vậy. Thế nên từ lâu rồi không ai đốt vàng mã nữa".

Theo báo Thanh Niên, về phía quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương cũng ký văn bản số 91 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Trong đó, có yêu cầu các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội đảm bảo việc hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định.

Cũng theo Cục này, hiện tại, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong di tíchvà lễ hội.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news