Tin mới

Các dự án lãng phí tiền tỷ: Thừa ngân sách nên “mang tiền vẽ voi”?

Thứ bảy, 20/09/2014, 08:49 (GMT+7)

Trong khi kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp nhưng nhà nước vẫn sẵn sàng dành một khoản không nhỏ cho các dự án “trên mây”.

 

 

Trong khi kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp nhưng nhà nước vẫn sẵn sàng dành một khoản không nhỏ cho các dự án “trên mây”.

Từ 21 tỷ ngân sách “chết” theo phim…

Trong hai tuần trụ ở Rạp Kim Đồng (Hà Nội), "Sống cùng lịch sử" - bộ phim được đầu tư mức kinh phí khủng 21 tỷ đồng đã không bán nổi một vé.

Đối với công chúng, việc một bộ phim được sản xuất âm thầm, hoàn toàn không được đầu tư quảng bá, PR, giới thiệu thì việc phim “chết” một cách lặng lẽ là điều không khó lý giải. 

Thực tế, việc phim “chết” trước khi ra rạp dường như đã được báo trước. Vì trước khi được khởi chiếu, khán giả không có bất cứ thông tin nào về nội dung phim, đạo diễn, diễn viên… Không có thông tin thì khán giả không thể tìm đến với phim là điều đương nhiên. Ngay cả với những phim hay, đoạt giải thưởng mà công tác thông tin, quảng bá phim không tốt thì cũng không dễ kéo khán giả đến rạp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điều dễ hiểu về số phận bi thảm của “Sống cùng lịch sử” thì vẫn có nhiều dấu hỏi xung quanh câu chuyện này. Đó là việc tại sao đầu tư làm một bộ phim tiêu tốn tới mấy chục tỷ đồng nhưng không đầu tư cho công tác quảng bá. Đạo diễn phim lý giải việc phim “ế” khi ra rạp là do kinh phí cho hoạt động quảng bá phim rất ít. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, có thể thấy kinh phí chỉ là một phần, còn phương thức PR, quảng bá phim mới là yếu tố then chốt để “kéo khách”. Không những thế, với sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông và mạng xã hội như hiện nay, con đường để phim đến với khán giả rất đơn giản và không phải lúc nào cũng tốn kém tới mức phải viện vào “kinh phí”.

Một trailer giới thiệu phim trên mạng Youtube với các câu chuyện về bối cảnh, hậu trường, diễn xuất của diễn viên hay những câu chuyện bên lề của “Sống cùng lịch sử”; thông tin về đạo diễn, diễn viên… được đưa lên các trang mạng xã hội hoàn toàn không cần đầu tư kinh phí lớn; chưa kể tới việc phim được đầu tư kinh phí mức khủng nhất từ trước tới nay.

Để hoàn thành “Sống cùng lịch sử”, Êkip làm phim với hơn 300 con người đã phải ròng rã suốt 1 năm trời và tiêu tốn của nhà nước 21 tỷ đồng. Và kết quả nhận lại là những con số không tròn trĩnh: không khán giả, không Doanh thu. Và theo đó, 21 tỷ đồng của nhà nước cũng chấp nhận “chết” theo phim mà không thể cứu vãn.

Đến chuyện tiền tỷ lãng phí tới con số nghìn

Được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí khủng nhưng sau 4 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng Hà Nội vẫn vắng như chùa Bà Đanh

Gấp hơn 100 lần ngân sách bố trí cho phim “Sống cùng lịch sử”, Bảo tàng Hà Nội được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khánh thành tháng 10/2010 nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long và được xem là công trình văn hóa nổi bật của thành phố với kiến trúc độc đáo, hiện đại. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng luôn trong tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”. Việc Bảo tàng Hà Nội chậm hoàn thiện khâu trưng bày đã gây thất vọng cho không ít du khách tham quan muốn tìm hiểu về lịch sử thủ đô. Dù bỏ thời gian đến bảo tàng nhưng thông tin du khách thu nhận được lại quá ít ỏi và nhàm chán. Và công trình hoành tráng được đầu tư nghìn tỷ này có nguy cơ bị “đắp chiếu”.

Điều đáng nói, trong bối cảnh khó khăn, điều kiện nợ công lớn, nợ xấu ngân hàng gia tăng, kinh tế lạm phát, các mục tiêu dân sinh cứ phấn đấu mãi nhưng không hoàn thành vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp…thì nhà nước lại sẵn sàng bố trí kinh phí khủng để xây dựng một công trình không mang tính cấp bách, đưa vào hoạt động nhưng không hiệu quả là cả một sự lãng phí lớn. Hơn nữa, ngoài khoản kinh phí hơn 2.300 tỷ đầu tư xây dựng ban đầu, để duy trì hoạt động, từ năm 2010 đến nay, nhà nước còn phải “gánh” một bộ máy quản lý, bảo quản các hiện vật để duy trì hoạt động của bảo tàng với mức chi phí không hề nhỏ.

Cùng chủ đề “nguồn ngân sách”, mấy ngày qua, sự lãng phí của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đặc biệt về mặt nhân sự khi có đến 600 người vận hành 13km đường sắt cũng gây nhiều ý kiến bất bình trong dư luận.

Dự án đường sắt trên cao bị đội vốn 339 triệu USD nhưng đây chưa phải là con số "chốt hạ"

Theo thông tin từ BQL dự án – đại diện chủ đầu tư, để phục vụ cho toàn bộ quy trình vận hành khai thác cho riêng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dài hơn 10 cây số sẽ cần tổng cộng 600 người và số người này sẽ được đưa đi đào tạo ở Trung Quốc trong khoảng thời gian hơn 300 ngày. Điều đáng nói, trong khi cả thế giới đang hướng tới quy trình vận hành tự động hóa đối với hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt trên cao thì chúng ta lại chọn một công nghệ cồng kềnh và tiêu tốn quá nhiều nhân lực. Kèm theo đó là quỹ ngân sách được bố trí cho 600 con người này trong suốt quá trình đào tạo và cả khi hệ thống đường sắt trên cao được đưa vào vận hành. Và vấn đề là 600 con người này sẽ tham gia những công việcg gì trong hệ thống khi tuyến đường sắt hiện đại được hoàn thành vào năm 2015?

Trong khi mức trung bình làm 1km tàu điện của thế giới chỉ là 20-30 triệu USD thì đối với tuyến đường hiện đại này lên tới 70 triệu USD. Và mặc dù chậm tiến độ tới 2 năm, “đội vốn” thuộc vào hàng “khủng” (339 triệu USD) nhưng những lãng phí “phát sinh” trong quá trình thi công dự án vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Những dự án bạc tỷ trên gây lãng phí không ít đối với nguồn ngân sách. Điều đó làm dấy lên băn khoăn về chuyện có hay không sự khủng hoảng kinh tế của nước nhà vì lâu nay, chính quyền luôn kêu “khó”, thiếu hụt ngân sách, không đủ kinh phí… khi thực hiện các dự án, công trình dân sinh; tuy nhiên, cả núi tiền ngân sách lại sẵn sàng được “dốc” để thực hiện các dự án tiền tỷ mà vấn đề lãng phí là điều có thể nhận thấy trước nhất. (???)

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news