Tin mới

"Cấp phép Quốc ca": Cục Nghệ thuật Biểu diễn phân trần

Thứ ba, 23/05/2017, 09:36 (GMT+7)

Liên quan tới tranh cãi khi Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó có ca khúc Tiến quân ca - quốc ca Việt Nam, đại diện Bộ VH-TT&DL khẳng định chỉ là hiểu nhầm các thuật ngữ.

Liên quan tới tranh cãi khi Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó có ca khúc Tiến quân ca - quốc ca Việt Nam, đại diện Bộ VH-TT&DL khẳng định chỉ là hiểu nhầm các thuật ngữ.

Tiến quân ca ra là ca khúc ra đời tháng 10/1944 khi tác giả Văn Cao mới 21 tuổi. Ngày 22/12/1944, bài Tiến quân ca được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ngày 19/5, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó chủ yếu là sáng tác nhạc đỏ nổi tiếng như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Ca ngợi Hồ Chí Minh, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Tiến quân ca...

Điều này đã gây nhiều tranh cãi trong công chúng khi cho rằng các ca khúc đã đi vào lịch sử, thậm chí ngay cả ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao mà mới đây mới được cấp phép là vô lý, việc cập nhật vào danh mục phổ biến là không cần thiết, chỉ là “thừa giấy vẽ voi”.

Để tránh hiểu lầm đáng tiếc, trao đổi trên Đất Việt, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình Bình khẳng định, Cục Nghệ thuật Biểu diễn không hề cấp phép mới 300 bài hát được phép phổ biến rộng rãi mà chỉ cập nhật danh sách này.

"Cần phải hiểu rõ các thuật ngữ giữa việc “cấp phép” và “cập nhật, phổ biến rộng rãi”. Cục 

Nghệ thuật Biểu diễn 

không cấp phép cho 300 ca khúc mà chỉ cập nhật và phổ biến rộng rãi các ca khúc này", ông Bình giải thích.

Ông Bình cho rằng đây là một sự việc đáng tiếc mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn chưa chọn được cách gọi hoặc cách làm rõ ràng do đó gây nên bức xúc trong công chúng. Hiện nay, Bộ đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm để có cách làm chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới.

Cũng theo ông Bình, chủ trương phổ biến rộng rãi danh mục các bài hát, bản nhạc được lưu hành đến công chúng được Bộ VH-TT&DL chỉ đạo thực hiện từ năm 2012 đăng tải trên Website của Bộ và Báo Văn hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

Đến nay, Cục Nghệ thuật Biểu diễn tiếp tục tổng hợp và cập nhật danh sách các bài hát lên website nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Theo quan điểm của Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL: Đối với các ca khúc còn lại chưa được cập nhật thì vẫn được sử dụng như thời gian vừa qua. Nói một cách cụ thể, đối với những ca khúc có nội dung tốt, không trái với giá trị đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và lợi ích của dân tộc đương nhiên được phổ biến rộng rãi và không cần xin phép.

Trong một diễn biến liên quan, trên VietNamNet dẫn lời ĐBQH Dương Trung Quốc thì cho rằng, với những tác phẩm âm nhạc đã đi vào đời sống từ lâu thì "cấp phép" là thủ tục không cần thiết. 

Cần phải xem ý nghĩa cấp phép ở đây là gì. Chức năng của Cục nghệ thuật biểu diễn đúng là kiểm soát các hoạt động có tính chất kinh doanh hoặc công cộng, bảo vệ bản quyền, không nên "đi từ cực này sang cực kia".

"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xác định lại cho rõ chức năng của Cục này, bởi vì, làm việc cấp phép này rất vất vả cho cả người làm cũng như người khác nữa, tức là làm phiền lẫn nhau", đại biểu Dương Trung Quốc đề xuất.

Đối với việc cấp phép cho một số bài hát trước cách mạng, đại biểu Quốc cho rằng ngành Văn hóa cần rà soát lại một loạt chứ không nên nhỏ giọt.

Theo ông, tính từ thời điểm giải phóng miền Nam đến nay đã có hơn 40 năm, Việt Nam lại có cả một cơ chế, viện nghiên cứu, chuyên gia có kiến thức, hiểu biết.

"Họ có thể tìm đánh giá lại di sản của âm nhạc để thấy cái gì hợp, không hợp nữa thì có một cái kiến nghị. Cục nghệ thuật biểu diễn cần dựa vào kết quả ấy chứ không phải là người có quyền, cho phép. Bởi, cứ nghĩ mình có quyền cho phép, không cho phép nên mới có chuyện. Cấp phép không thuộc về quản lý mà về năng lực đánh giá chuyên môn", ông Quốc khẳng định.

Ông giải thích, Cục trưởng nghệ thuật biểu diễn chỉ là nghệ sĩ biên soạn sân khấu làm sao có thể thẩm định được. Vậy nên phải dựa vào bộ máy là các hội đồng nào đó. Có thể là tổ chức các đề tài nghiên cứu để đánh giá toàn bộ di sản, trở thành cơ sở khoa học để Cục xử lý, không để nhỏ giọt nhằm thể hiện quyền lực và hình thành quan hệ xin cho.

"Tôi đề nghị Bộ Văn hoá đánh giá, xác minh lại và công bố cho mọi người cái quyền của Cục đến đâu, không lẫn lộn. Nếu tự khoác cho mình trách nhiệm thì cũng nặng nề, chứ không thuần túy là tiêu cực, xin cho. Cần xác định chức năng để Cục này phát huy tốt vai trò, tạo môi trường âm nhạc tốt", ông Quốc cho biết.

Trong khi đó, ca sĩ Trọng Tấn cũng nêu quan điểm, tôi tin rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn không hề có ý “cấp phép Quốc ca” như một số người bàn luận. Hơn ai hết, Cục hiểu rằng họ không có quyền ấy. Quốc hội đã phê chuẩn Tiến quân ca là Quốc ca, đó đã là một tài sản của quốc gia.

Ngoài Tiến quân ca, những ca khúc nói về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, chắc chắn cũng sẽ luôn được phổ biến và yêu thích, như một thực tế không phải tranh cãi.

Nhưng vì không làm rõ thông tin, câu chữ từ đầu nên mọi người đã hiểu sang vấn đề cấp phép và chỉ trích Cục Nghệ thuật Biểu diễn như mọi người đều biết.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news