Tin mới

Cậu học trò nghèo, học giỏi trở thành Chủ tịch nước qua kí ức người thầy

Thứ hai, 24/09/2018, 13:48 (GMT+7)

"Tôi rất quý anh ấy vì anh ấy học giỏi, vừa học giỏi vừa ngoan. Khi nghe Chủ tịch mất, tôi ngỡ ngàng, luyến tiếc".

"Tôi rất quý anh ấy vì anh ấy học giỏi, vừa học giỏi vừa ngoan. Khi nghe Chủ tịch mất, tôi ngỡ ngàng, luyến tiếc".

Vietnamnet cho hay trong căn nhà cấp 4 ở thôn 10, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, ông Lê Kim Toàn (80 tuổi, thầy giáo chủ nhiệm 3 năm trung học của Chủ tịch nước Trần Đại Quang) còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về cậu học trò ngoan hiền.

Ông kể, ngày trước nhà nghèo lắm nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi đó là cậu học trò ít nói, trầm tĩnh, rất thông minh, học giỏi. 

Vợ chồng thầy Lê Kim Toàn ngắm bức ảnh chụp cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong dịp học trò cũ về thăm quê năm 2016. Ảnh: Vnexpress

Bố mất sớm, từ khi Chủ tịch nước còn học tiểu học, gia đình có 6 anh chị em nên gánh nặng  đè lên đôi vai người mẹ.

Theo lời thầy Toàn, cả 6 anh chị em của Chủ tịch nước đều được ông giảng dạy. Hôm nào cậu học trò Trần Đại Quang cũng phải đi bộ 6km từ nhà đến trường rồi lại theo thầy về nhà hỏi han bài cũ.

Ảnh lưu niệm giữa thầy Lê Kim Toàn và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Vietnamnet

"Tôi rất quý anh ấy vì anh ấy học giỏi, vừa học giỏi vừa ngoan. Khi nghe Chủ tịch mất, tôi ngỡ ngàng, luyến tiếc. Buồn", ông Toàn tâm sự.

Với thầy trò trường THPT Kim Sơn B, ấn tượng về Chủ tịch nước Trần Đại Quang không chỉ ở sự ân cần, gần gũi, mà còn là tình cảm tri ân của ông đối với nhà trường.

Thầy hiệu trưởng Vũ Xuân Sinh chia sẻ, thầy là thế hệ sau, nhưng nghe kể lại, ngày đó trường lớp đâu được như bây giờ. Bàn ghế, sách vở đều thiếu thốn, nhất là ở vùng quê Kim Sơn.

“Nhiều lần trở về với mái trường xưa, dù ở cương vị nào, ông Trần Đại Quang cũng dành những tình cảm kính trọng, thân thương và gần gũi các thầy cô, bạn bè, giáo viên và học sinh đang theo học tại đây. Để có được ngôi trường khang trang như hôm nay cũng là nhờ Chủ tịch nước kêu gọi, hỗ trợ”, thầy Sinh chia sẻ.

Chia sẻ trên Vnexpress, thầy Toàn cũng cho hay "Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người hiếu thuận, sống có tình nghĩa trước sau. Dù bận rộn công việc quốc gia, năm nào cũng vậy cứ dịp Tết đến xuân về, học trò cũ đều gửi thiệp, gửi quà chúc mừng thầy".

Nhớ lại năm 2015, ông lên cơn đau tim cấp, người nhà đã đưa lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Thấy thủ tục vượt tuyến có phần phức tạp, lo sợ cha tuổi cao sức yếu, con gái ông Toàn đã mạo muội bấm máy gọi cho Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. 

'Học trò cũ khi ấy đang công tác ở nước ngoài nhưng đã lập tức cho thư ký điện về bệnh viện và nhắn tôi cứ yên tâm điều trị, và còn gửi tôi tiền đóng viện phí", ông Toàn xúc động nói.

Ông Cao Hoàng Đảng (63 tuổi), hàng xóm và là bạn thuở thiếu thời với Chủ tịch nước kể, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Trần Đại Quang không bao giờ kêu ca hay nản chí.

"Thuở ấy, chúng tôi ai cũng phải thạo việc đồng áng, chăn trâu cắt cỏ, băm bèo thái rau nuôi lợn, nuôi gà... Anh Quang sớm mồ côi bố nên cuộc sống cực nhọc hơn. Anh ấy cứ đi học về là vứt sách ra đồng, hầu như chẳng có thời gian nghỉ", ông Đảng nhớ lại và chia sẻ tự hào vì xã Quang Thiện có người con đỗ đạt.

Minh Di (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news