Tin mới

Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con yêu sớm?

Chủ nhật, 01/05/2016, 14:34 (GMT+7)

Khi phát hiện con có tình cảm với bạn khác giới khi chỉ 12, 13 tuổi, các bậc phụ huynh thường nổi nóng, thậm chí quát nạt, đánh mắng con. Nhưng theo các chuyên gia tâm lí, nếu gặp trường hợp trên cha mẹ nên bình tĩnh, nói chuyện và chia sẻ với con.

Khi phát hiện con có tình cảm với bạn khác giới khi chỉ 12, 13 tuổi, các bậc phụ huynh thường nổi nóng, thậm chí quát nạt, đánh mắng con. Nhưng theo các chuyên gia tâm lí, nếu gặp trường hợp trên cha mẹ nên bình tĩnh, nói chuyện và chia sẻ với con.

Chị Thanh Tâm (Cầu Giấy) chia sẻ, chị đã vô cùng bất ngờ khi  sắp xếp lại sách vở trong cặp của con gái, vô tình tôi phát hiện một lá thư của cháu gửi cho người yêu nó. Thật không ngờ mới 14 tuổi đầu, cháu đã sớm yêu đương như vậy.

Chúng cũng đau khổ, nhớ nhung, hò hẹn như người lớn, cuối thư còn gửi nhiều cái hôn khiến tôi bàng hoàng hết cả người và từ hôm đó bắt đầu theo dõi xem nó yêu đứa nào. Hóa ra, cháu yêu một anh chàng độ 17, 18 tuổi, đã thôi học, đi phụ sửa chữa xe máy. Có những buổi chiều, cháu xin phép đi học thêm nhưng thực ra là lén lút gặp người yêu. Gạn hỏi thế nào cháu cũng gan lì không chịu nói, làm căng thì cháu nói sẽ bỏ học hoặc bỏ nhà ra đi.

Trường hợp khác của chị Minh Anh (Thanh Xuân) cũng tương tự: Mặc dù mới học lớp 9 nhưng con trai chị có tình cảm với cô bạn cùng lớp, chúng gọi nhau bằng “ông xã, bà xã” và đeo nhẫn cặp y như trong phim. Hết nói nhẹ nhàng lại răn đe đủ kiểu, con anh vẫn trơ ra và dọa bỏ nhà ra đi nếu ba mẹ còn xen vào chuyện tình cảm của nó.

Khi phát hiện trẻ yêu sớm, cha mẹ nên bình tĩnh nói chuyện và chia sẻ với con. Ảnh: Internet

Trước những sự việc như trên, theo chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần bình tĩnh, nhẹ nhàng để đón nhận thay vì chối bỏ, nếu phủ nhận hay kiểm soát con quá khắt khe sẽ làm mất đi cảm xúc trong trẻo của trẻ. Con yêu có an toàn và lành mạnh hay không là phụ thuộc vào sự định hướng khéo léo, tế nhị của cha mẹ.

Cũng theo các chuyên gia tâm lí, tình yêu của các em gái tuổi thiếu niên có hai đặc trưng cơ bản là tính không ổn định và tính không hiện thực, khác với tình yêu của người lớn. Cho nên, nếu cha mẹ quên mất đời sống tình cảm thời niên thiếu của chính mình, cứ suy từ mình hiện tại để dạy con thì nhiều khi không thể hiểu nổi con, chứ chưa nói đến có thể dạy dỗ, uốn nắn được chúng.

Kinh nghiệm cho thấy chỉ có thể chiến thắng một tình cảm bằng tình cảm. Nếu bạn muốn con bạn cắt đứt được tình cảm với người mà nó sớm yêu, bạn phải thay thế vào chỗ trống ấy bằng một tình cảm khác, không để nó hẫng hụt, bi quan. Đó là tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng, bè bạn, làm cho đứa trẻ thấy có rất nhiều người yêu thương và lo lắng cho nó, nó không bị cô đơn hay để cho những người thân phải thất vọng. Đây là chuyện tế nhị không nên nói công khai trước mọi người khiến các cháu xấu hổ càng xa lánh người thân.

Thực tế cũng cho thấy những em gái yêu sớm thường là sinh trưởng trong những gia đình cha mẹ ít quan tâm đến tình cảm của con, đặc biệt là những gia đình cha mẹ ly hôn hay một trong hai người mất sớm, trong những trường hợp đó, tình yêu chính là nguồn bổ sung hữu hiệu cho sự thiếu hụt này. Vì thế, thay cho những biện pháp đánh đập, chửi mắng, cha mẹ còn nhận thấy thiếu sót của mình trong việc giáo dục con và cố gắng bù đắp những thiếu hụt ấy.

Tất cả những căn bệnh thuộc về tình cảm đều không thể dùng “kháng sinh liều cao” chấm dứt ngay lập tức mà tình cảm nảy sinh là một quá trình, vì vậy chấm dứt nó cũng cần một quá trình. Điều này đòi hỏi sự khéo léo, mưu trí, tế nhị chứ không thể nôn nóng một cách thô bạo.

 Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news