Tin mới

Chân dung người thay ông Nguyễn Bá Thanh điều hành Ban Nội chính

Thứ năm, 22/01/2015, 12:13 (GMT+7)

Suốt thời gian 30 năm theo nghiệp công an rồi ở cương vị chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, thậm chí cả khi được điều động làm Phó ban Nội chính Trung ương, ông Phan Đình Trạc luôn có niềm say mê nông nghiệp.>>Ban Nội chính Trung ương sẽ là cú đấm thép vào nạn tham nhũng>>Trao các quyết định nhân sự mới Ban Nội chính TƯ

Suốt thời gian 30 năm theo nghiệp công an rồi ở cương vị chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, thậm chí cả khi được điều động làm Phó ban Nội chính Trung ương, ông Phan Đình Trạc luôn có niềm say mê nông nghiệp.

Vị lãnh đạo nặng lòng với nông nghiệp

Ông Phan Đình Trạc sinh năm 1958, quê Diễn Lộc, Diễn Châu Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Khoa Điều tra Tội phạm (Đại học An ninh), ông Trạc có 30 năm công tác trong ngành công an và từng làm Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. 

Năm 2005, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đến cuối nhiệm kỳ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An và được bầu vào Ban chấp hành T.Ư tại Đại hội Đảng 11. Từ tháng 1/2013, ông Phan Đình Trạc được điều động làm Phó trưởng ban Nội chính Trung ương.

Theo ghi nhận của một trang báo, ông Trạc là mẫu người không dễ tiếp xúc, ít nói, ít cười. Từ khi làm Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư Nghệ An, hầu như ông không có điều tiếng gì nên dư luận cũng ít xôn xao. Với cánh báo chí, đặc biệt là báo Chí Trung ương, ông bị "chê" là không mấy cởi mở. 

Cũng có lẽ vì thế mà trên mạng có rất ít tư liệu về ông. 

Chân dung và những phát ngôn ấn tượng của ông Phan Đình TrạcPhó Ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc - người vừa được giao điều hành Ban Nội chính TƯ thay ông Nguyễn Bá Thanh

Theo báo Dân Việt, suốt thời gian theo nghiệp công an rồi ở cương vị chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, thậm chí cả khi được điều động làm Phó ban Nội chính Trung ương, ông Trạc luôn có niềm say mê nông nghiệp. Ông coi nông nghiệp là căn cơ của xứ Nghệ, chú trọng đến nông nghiệp vì có lợi cho nhiều người. 

Lý giải điều này ông cho biết, khi còn ở lứa tuổi học trò, buổi đi học, buổi dắt trâu đi cày, đi bừa, gặt lúa trên cánh đồng nắng cháy ở xã Diễn Lộc, Diễn Châu quê mình, ông hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của nông dân. 

"Khi làm Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, tôi tự tìm hiểu và càng lao vào càng say. Với nông nghiệp, một thành công nhỏ thôi thì nhiều người cùng được hưởng thành quả. Mà ở Nghệ An, cũng như các tỉnh khác, phải phát triển công nghiệp, nhưng hiện tại nông nghiệp vẫn là trụ cột", ông Trạc nói. 

Từ niềm say mê, ông Trạc đã áp dụng nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp, trong đó ông chú trọng nhất đến việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Và lực lượng có điều kiện nhất theo ông chính là doanh nghiệp. Từ đó, ông thực hiện chiến lược kêu gọi nhà đầu tư vào Nghệ An. 

"Với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp, mình phải lôi kéo họ chứ không chỉ khuyến khích", ông Trạc nói. 

 

Video tham khảo :Tiết lộ khóa học chỉ huy tàu ngầm khắc nghiệt nhất trên thế giới P2:

 

Những phát ngôn ấn tượng 

Mặc dù không xuất hiện nhiều trên báo chí, nhưng một số phát ngôn của ông tại các buổi họp đã để lại ấn tượng đặc biệt cho những người cùng tham dự và dư luận.

Trong một bài viết trên Phunutoday.vn điểm lại những phát biểu tâm huyết của lãnh đạo Ban nội chính, trong đó có nhắc đến một câu nói của ông Phan Đình Trạc khi ông chia sẻ về việc được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. 

Tôi không bất ngờ về quyết định này của Bộ Chính trị. Là người của Đảng thì luôn sẵn sàng, bảo đi là đi, bảo ở là ở thôi” bài báo trích lại lời ông Trạc nói khi đó. 

Chân dung và những phát ngôn ấn tượng của ông Phan Đình TrạcÔng Phan Đình Trạc, Phó ban Nội chính Trung ương (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.

Theo tin tức trên báo Vnexpress, tại buổi họp góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại cuộc họp tổ Quốc hội chiều 27/5/2014, Phó trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc nêu nhiều ý kiến chi tiết. Về vấn đề tên nước, ông Trạc đồng tình với phương án giữ nguyên tên Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong dự thảo mới nhất trình Quốc hội.

Tuy nhiên, phần giải trình cho phương án này được ông Trạc đánh giá là "gượng ép và không thuyết phục". 

Dẫn lại báo cáo, ông Trạc cho rằng, tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt không làm ảnh hưởng tới nội hàm xây dựng xã hội chủ nghĩa và con đường, mục tiêu phát triển. Dẫn ví dụ quốc hiệu của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không có cụm từ “xã hội chủ nghĩa” trong tên nước song họ vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông Trạc nói: “Tôi chưa nghĩ ra cách gì giải thích thuyết phục nhưng tôi chấm dấu hỏi ở đây”. 

“Dấu hỏi” của ông Phan Đình Trạc sau đó được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chia sẻ. Theo ông Lý, khi ban biên tập lập luận cho phương án tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì đã giải trình “rất thuyết phục”. Sự thuyết phục này thậm chí được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho là "còn hơn cả lập luận về tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam". 

Trên báo Pháp luật TP HCM cũng ghi nhận phát biểu của ông Phan Đình Trạc, Phó ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng chống tham nhũng 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên do Ban Nội chính Trung ương tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 27/12/2014. 

Trong phần phát biểu, ông Trạc nói: “Án oan sai, nhất là oan sai trầm trọng là một trong những mũi quan trọng mà Ban Nội chính Trung ương đang tập trung chỉ đạo các ban Nội chính cấp tỉnh tiến hành soát xét, nghiên cứu kỹ để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, các cơ quan tố tụng cấp trên xem xét hết sức thấu đáo những trường hợp kêu oan, có dấu hiệu oan sai nghiêm trọng”. 

Theo ông Trạc, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến oan sai là do trình độ, kiến thức, trách nhiệm, kinh nghiệm của những người tiến hành tố tụng, trước hết là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. 

Ngoài ra, ông Trạc cũng cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú ý các vụ án tham nhũng cho hưởng án treo bởi lâu nay dư luận cho rằng án tham nhũng thì xử nhẹ, bao che”. 

Nhìn nhận tình trạng số vụ tham nhũng đưa ra ánh sáng ít hơn thực tế, ông Trạc cho rằng có một tỉ lệ nhỏ trong các cuộc thanh tra kinh tế xã hội, nhận thức về dấu hiệu tội phạm không được thống nhất, nhất là trong ngành thanh tra, có thể ngành thanh tra cho đó là chưa phải là tội phạm hoặc chưa đủ dấu hiệu tội phạm nên không chuyển sang cơ quan điều tra. 

“Chính vì thế, chúng tôi đang tập trung tham mưu cho cấp ủy rà soát lại các kết luận thanh tra về kinh tế xã hội từ năm 2011 đến nay để xem những vụ việc nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng thì chuyển sẽ cơ quan điều tra”, ông Trạc cho hay. 

Ngày 21/1, Ban Nội chính T.Ư cho biết đã ban hành văn bản thông báo về việc phân công ông Phan Đình Trạc làm nhiệm vụ Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư, điều hành giải quyết công việc của Ban và công việc của Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh trong trường hợp ông Thanh vắng mặt, hoặc khi được ủy quyền.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news