Tin mới

Chân dung tân phó giáo sư trẻ nhất năm 2014

Thứ tư, 25/02/2015, 10:36 (GMT+7)

Tiến sỹ Hoàng Quý Tỉnh (sinh năm 1981) đã trở thành một trong hai người trẻ nhất trong tổng số hơn 500 phó giáo sư được trao giấy chứng nhận năm 2014 tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vào đầu tháng 2 năm nay.

Tiến sỹ Hoàng Quý Tỉnh (sinh năm 1981) đã trở thành một trong hai người trẻ nhất trong tổng số hơn 500 phó giáo sư được trao giấy chứng nhận năm 2014 tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vào đầu tháng 2 năm nay.

Theo tin tức từ báo VietnamPlus/TTXVN, là một phó giáo sư, Phó trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, đã có con học lớp 2, nhưng nếu vô tình gặp phó giáo sư Hoàng Quý Tỉnh ở sân trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với dáng người nhỏ nhắn, phong thái giản dị cùng cặp kính cận dày, có thể nhiều người nghĩ anh chỉ là một sinh viên.

Chân dung tân phó giáo sư trẻ nhất năm 2014

Nhà khoa học trẻ Hoàng Quý Tỉnh (giữa) và gia đình trong ngày vui được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại).

Hoàng Quý Tỉnh sinh ra và lớn lên ở Nam Định, trưởng thành từ chiếc nôi trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, anh đã lựa chọn đầu quân vào ngành Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Nhưng như cái duyên, tôi lại đến với nghề giáo khi đỗ trong cuộc thi tuyển của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành giảng viên khoa Giáo dục Mầm non,” phó giáo sư Tỉnh chia sẻ. 

Nói về những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, thầy Tỉnh vẫn nhớ cảm giác bỡ ngỡ khi trở thành “hoàng tử” giữa “rừng” sinh viên nữ. “Đó có lẽ là đặc điểm thú vị nhất của khoa giáo dục mầm non,” thầy Tỉnh cười tươi nói. 

Trải qua gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, hàng trăm học trò đã ra trường và trở thành giáo viên mầm non ở khắp mọi miền Tổ quốc, thầy Tỉnh bảo anh thực sự thấy hạnh phúc với nghề, dù nhà giáo không dư giả về kinh tế. 

Thầy Tỉnh chia sẻ về cuộc sống: “Để có thể gắn bó với nghề giáo, những người giảng viên trẻ như chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là trong việc tự bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin, chúng tôi phải đạt được học vị tiến sĩ trước 35 tuổi, phải có chứng chỉ TOEFL 500 điểm hoặc các chứng chỉ tương đương, còn nếu không phải có bằng đại học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cũng như bao người, chúng tôi phải lo đảm bảo cuộc sống gia đình". 

“Nhưng điều quan trọng nhất là biết tự cân bằng trong cuộc sống để giữ được chữ tâm với nghề. Chính những người thầy của tôi đã dạy tôi điều đó, và tôi lại theo gương các thầy để sống thanh thản giữa những cám dỗ vật chất của cuộc đời,” thầy Tỉnh nói. 

Nói về thành tích trở thành phó giáo sư trẻ nhất năm 2014, thầy Tỉnh cho biết đó là vinh dự nhưng cũng là áp lực để bản thân phải tự hoàn thiện hơn, nỗ lực trong công tác, giảng dạy, quản lý và nghiên cứu để xứng đáng với danh hiệu cao quý này. 

Chân dung tân phó giáo sư Hoàng Quý Tỉnh 

Theo nguồn tin từ báo Giáo dục & Thời đại, từ năm 1999 đến năm 2003, theo học và tốt nghiệp hệ Cử nhân Sinh học tại Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). 

Từ 2003 đến 2005: Bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ Sinh học, chuyên ngành Nhân chủng học với đề tài Tìm hiểu một số kiến thức bản địa trong chăm sóc sức khỏe sinh sản của người Thái và người Dao ở hai xã thuộc tỉnh Yên Bái. 

Từ 2006 đến 2010: Bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ Sinh học, chuyên ngành Nhân chủng học với đề tài Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái cơ thể trẻ em người dân tộc Thái, H'mông, Dao ở tỉnh Yên Bái và các yếu tố liên quan. 

Trở thành giảng viên khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sau khi tốt nghiệp thạc sỹ. 

Vị trí đảm nhận hiện tại: Phó Chủ nhiệm khoa phụ trách Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo sau đại học. 

Vị trí khoa học khác: Ủy viên Ban chấp hành Hội Hình thái học Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam. 

Trực tiếp soạn thảo các Chương trình khung cho một số môn được phân công của ngành Giáo dục mầm non các hệ chính quy, tại chức; đã cùng với Khoa xây dựng và bảo vệ thành công Đề án nhận nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ Giáo dục Mầm non. 

Trực tiếp soạn thảo một số môn chuyên đề cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Giáo dục mầm non. 

Đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp trường đều xếp loại xuất sắc; tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, do các đơn vị chủ trì (như Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Nhân học và Phát triển Trí tuệ - Trường ĐH Giáo dục, ĐHGQHN...).

Linh San (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news