Tin mới

Chiếu tia laser vào máy bay có thể bị phạt tù 5 năm

Thứ năm, 23/06/2016, 19:56 (GMT+7)

Theo luật sư, hành vi chiếu tia laser vào buồng lái máy bay với mục đích gây nguy hiểm cho hoạt động hàng không, gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, và phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Theo luật sư, hành vi chiếu tia laser vào buồng lái máy bay với mục đích gây nguy hiểm cho hoạt động hàng không, gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, và phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, nửa đầu tháng 6/2016, cơ quan này đã ghi nhận 4 vụ chiếu tia laser vào máy bay tại khu vực sân bay Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội). Việc chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất hoặc hạ cánh tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng có thể khiến mắt phi công bị tổn thương, ngoài ra uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không.

Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực, Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, chiếu tia laser vào buồng lái tàu bay là hành vi nguy hiểm uy hiếp an toàn bay. Tuy nhiên ở đây cũng cần phân biệt hành vi chiếu tia laser này của người dân, doanh nghiệp là hoạt động có chủ đích đe dọa an toàn bay hay chỉ là hoạt động vô ý trong quá trình sử dụng các thiết bị chiếu tia laser trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, hoạt động động quảng cáo, vui chơi giải trí và đã gây ra hậu quả hay chưa.

Cụ thể, nếu cá nhân, tổ chức cố ý chiếu tia laser vào buồng lái máy bay với mục đích gây nguy hiểm cho hoạt động hàng không mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì đủ căn cứ để xử lý về hành vi cản trở giao thông đường không theo tiết e khoản 1 Điều 217 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 về Tội cản trở giao thông đường không: “Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường không gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: e) Hành vi khác cản trở giao thông đường không.

Máy bay liên tiếp bị chiếu laser ở sân bay Nội Bài. Ảnh  báo Tuổi Trẻ

Nếu đây chỉ là sự vô ý, thiếu ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng các thiết bị chiếu tia laser thì hiện nay không có căn cứ pháp lý để xử lý trách nhiệm của người dân, tổ chức.

Nếu người dân, tổ chức có chủ đích hành chiếu tia laser để gây ảnh hưởng đến an toàn bay nhưng chưa gây ra hậu quả nghiệm trọng hoặc không đủ căn cứ xử lý hình sự thì hiện nay chúng ta cũng chưa có chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi này.

"Đây có thể nói là một thiếu sót của Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng khi không đưa hoạt động uy hiếp an toàn bay này vào Nghị định", Luật sư Lực nhận định.

Để hạn chế xảy ra hiện tượng trên, theo luật sư Lực, trước mắt Cục Hàng không, và các cơ quan cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm đến an ninh, toàn toàn hàng không khi sử dụng tia laser trong sinh hoạt, kinh doạnh để người dân có nhận thức đúng và sử dụng an toàn cá thiết bị. Đồng thời cơ quan chức năng tổ chực thực hiện tốt Chỉ thị về việc phòng, chống sử dụng đèn chiếu laser uy hiếp an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã ban hành tháng 3 năm 2016.

"Sau đó Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc, Cục hàng không Việt Nam cần có kiến nghị lên Chính phủ trong quá trình sửa đổi bổ sung Nghị định số 147/2013/NĐ-CP đưa hành vi sử dụng tia laser chiếu vào buồng lái máy bay là hành vi nguy hiểm, có chế tài xử phạt hành chính. Theo tôi quá trình xây dựng Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không phải có những quy định có tính dự báo những hành vi khác có thể nguy hiểm cho an toàn bay. Tránh trường hợp quy có những hành vi nguy hiểm nhưng lại không có chế tài xử lý hoặc phải sửa đổi bổ sung quy phạm quá nhiều lần", ông Lực nói thêm.

Về mức độ nguy hiểm đối với mắt khi bị tia laser chiếu vào, Tiến sĩ- Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, khi bị tia laser chiếu vào thì mắt bị chói lóa, ảnh hưởng đến tấm nhìn, chức năng thị giác của phi công. Có thể khiến phi công bị rối loạn thị lực tức thời, điều này ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh của máy bay. 

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của tia laser đến võng mạc, sẽ tùy thuộc vào cường độ của laser, mức độ chiếu như thế nào.

H.Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news