Tin mới

Cho vay 2 tỷ đồng mua nhà: Nhà nước không được làm thay thị trường!

Thứ hai, 29/09/2014, 15:55 (GMT+7)

Lý giải về việc không đồng tình với việc hỗ trợ\n2 tỷ cho cán bộ công chức, viên chức… có thu nhập khá mua nhà, TS. Phạm Sỹ\nLiêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, Nhà nước không được làm thay thị trường

Nói về việc hỗ trợ 2 tỷ cho cán bộ công chức, viên chức… có thu nhập khá mua nhà, TS. Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm: “ Nhà nước chỉ là tạo điều kiện, hỗ trợ thêm chứ không được làm thay thị trường. Việc thu hồi vốn, trả nợ xấu là việc của thị trường chứ không phải của Nhà nước”.

 

 

Xung quanh câu chuyện hỗ trợ 2 tỷ cho cán bộ, công chức có thu nhập khá mua nhà, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có đề xuất xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân… tối đa lên đến 2 tỷ đồng. Quan điểm của ông như thế nào về gói hỗ trợ này? 

Trước hết, nếu có một gói hỗ trợ như thế này thì phải phân biệt nó với gói 30.000 tỷ khác nhau như thế nào. Tại sao đã có gói 30.000 tỷ rồi lại còn có gói này?. 

Gói 30.000 tỷ là gói dùng tiền của Ngân sách Nhà nước (NSNN) đưa ra để thực hiện chính sách xã hội, tức là để giúp cho những người đang ở quá chật chội hay chưa có nhà có thể vay tiền mua nhà ở. Loại nhà ở đấy chỉ là nhà giá rẻ, nhà ở phổ cập mà đại chúng có thể mua được. Tất nhiên, khi thực hiện Chính sách nhà ở thì cũng có tác động nhất định đến thị trường, nhưng mục đích chính không phải là thị trường, mà là để giúp cho những người thu nhập thấp mua nhà.

 TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

Còn gói hỗ trợ công chức, viên chức hay còn gọi là gói 50.000 tỷ mà vừa rồi NHNH mới đưa ra, thực chất là để hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) trong lúc thị trường BĐS đang bị ế ẩm. Ế ẩm ở đây không phải là ế ẩm mọi thứ mà là ế ẩm ở phân khúc nhà ở cao cấp, nhà ở đắt tiền. Bây giờ muốn bớt ế ẩm thì phải tăng cầu, mà muốn tăng cầu được thì phải có người mua.

Một câu hỏi đặt ra là gói 50.000 tỷ này tiền của ai, tiền của NHNN hay NHTM. Theo tôi hiểu, đã là thúc đẩy thị trường thì không thể dùng tiền NSNN để cho vay được, mà phải dùng tiền của chính các NHTM. NHTM cho người ta vay mua nhà, thì anh bán nhà sẽ có tiền để trả nợ lại ngân hàng, thế là ngân hàng tự xoá nợ xấu cho mình. Đấy là một chính sách thúc đẩy thị trường.

PV: Không thể dùng tiền NSNN để cho vay. Vậy, Nhà nước có thể đóng vai trò gì trong gói hỗ trợ này?

Nhà nước chỉ nên hỗ trợ, khuyến khích bằng cách có thể giảm thuế hay trợ cấp về lãi suất. Chẳng hạn, bây giờ ngân hàng muốn cho vay khoảng 5 – 7 năm thì nhất định phải có lãi suất cao họ mới dám cho vay, có thể là 12% hay hơn nữa, vì vay dài hạn thì rủi ro lớn. Nhưng, người mua nhà lại không chiu nổi lãi suất đó, mà họ chỉ chịu nổi lãi suất 8% thôi. Để thúc đẩy được cái này, Nhà nước hỗ trợ thêm 4% để làm mồi, thúc đẩy thị trường đi lên.

Thị trường mà đi lên thì Nhà nước cũng có lợi, vì khi người ta bán được thì sẽ có thuế. Bây giờ, một dự án đang dở dang hoạt động trở lại thì phải mời các ông nhà thầu xây dựng vào và mua vật liệu sắt, thép, xi măng…, rồi lại phải có tuyển dụng công nhân. Thế là cả ngành thị trường phát triển, thị trường vật liệu xây dựng phát triển, thị trường trang bị nội thất cũng phát triển. Những cái thị trường đấy phát triển, người ta lại đóng thuế cho Nhà nước. Cho nên, chỉ hỗ trợ mấy % trong thị trường BĐS này mà Nhà nước thu lợi còn nhiều hơn số tiền mình bỏ ra.

PV:  Trong khi thị trường BĐS đang ế ẩm, nếu gói hỗ trợ này được thông qua, liệu có góp phần làm cho thị trường ấm lên không, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, nó có thể cứu nguy cho phân khúc nhà ở cao cấp hiện đang bị lắng đọng. Gần đây cũng có rục rịch đi lên, thế nhưng, muốn nhiều hơn nữa thì phải có trợ giúp, tức là cho họ vay tiền để mua. Mà hiện nay ứ đọng có phải ít đâu, tôi nghe con số đó có giảm đi, nhưng vẫn bao nhiêu nghìn tỷ chứ không phải ít.

Khi bán được thì sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất, họ có thể thu hồi vốn và có tiền trả nợ cho ngân hàng, vì đã kinh doanh thì phải vay vốn ngân hàng. Nhưng lâu nay họ không bán được nên họ vẫn nợ, cái nợ này còn gọi là nợ xấu. Thành ra cuối cùng người được lợi lại chính là ngân hàng. Như thế có nghĩa là ngân hàng đem lại lợi ích cho ngân hàng, nhưng trong quá trình ấy cũng có lợi ích cho người khác nữa chứ không phải mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, đó không phải là một mục tiêu xã hội mà là mục tiêu thúc đẩy thị trường.

PV: Mức lãi suất NHNN dự kiến đưa ra trong gói hỗ trợ này từ 6-7,5%/. Theo ông, mức lãi suất này có hợp lý?

Tôi nghĩ ngân hàng họ không thể chịu được mức lãi suất này nếu là tiền của Ngân hàng. Hiện nay, bình thường họ đã cho vay với lãi suất 12%, mà đấy là cho vay ngắn hạn, còn dài hạn có khi còn đến 15%.

Nhưng có một thực tế như thế này, các NHNN, NHTM đều thừa tiền, họ cũng có nhu cầu để cho vay. Giờ chủ trương này mà được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích thêm thì sẽ rất tốt, chứ không cứ ôm một đống tiền vào đấy thì lấy gì để trả lãi cho những người gửi tiền vào ngân hàng.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, khi chủ trương này được thông qua sẽ dẫn tới việc phân tầng xã hội, một bên là công chức, một bên là dân thường và có thể xảy ra tình trạng ồ ạt thi công chức. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, không nên phân biệt công chức hay dân thường. Nhưng bây giờ nói công chức cũng được vì công chức ở nước ta lương còn rất thấp. Chính Phủ mấy năm nay cũng muốn cải cách chế độ tiền lương nhưng vì ngân sách eo hẹp nên không làm được. Thỉnh thoảng có nhích lên một tý chẳng qua là nó đổi theo giá.

Hơn nữa, nhiều người có tài lại không muốn vào công chức, nhất là những đám học nước ngoài về toàn tìm doanh nghiệp lương cao để làm. Có những người tìm không ra việc, thậm chí còn phải giấu bằng để đi làm công nhân. Nếu có dịp tuyển công chức thì dù có nhà hay không có nhà họ vẫn ồ ạt thi vào. Như vừa rồi ở Cục thuế Hà Nội tổ chức thi, hàng nghìn người đội mưa đội gió xếp hàng nộp đơn đấy thôi.

Trước tình hình đang người nhiều việc ít thì chủ trương này cũng không phải là mục đích để thu hút người ta thi vào công chức. Nhưng muốn thu hút những người có năng lực nhất vào thì chủ trương này cũng có tác dụng. Thế nên, tôi rất hoan nghênh việc lấy tiêu chuẩn đầu tiên là hướng vào công chức và sĩ quan quân đội. Còn những người khác là những người thu nhập thấp, không phân biệt công chức hay không công chức thì đã có gói 30.000 tỷ rồi.

PV: Nếu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này, để nó khả thi thì Nhà nước nên có những chủ trương, chính sách gì, thưa ông?

Muốn khả thi thì trước hết khối NHTM phải chấp nhận, chứ lấy tiền của Nhà nước ra làm thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Nhà nước chỉ là tạo điều kiện, hỗ trợ chứ không được làm thay thị trường. Việc thu hồi vốn, trả nợ xấu là việc của thị trường chứ không phải của Nhà nước.

Chúng ta có nhiều chủ trương rất đúng, nhưng chủ trương mà không có chính sách thì chủ trương nằm đấy thôi. Gói này có thực hiện được hay không thì còn phải xem chính sách. Tôi thấy cả 2 gói hiện nay chính sách vẫn còn lôm côm lắm.

Như ở gói 30.000 tỷ quan tâm đến việc cho người thu nhập thấp vay, nhưng thử hỏi vay rồi mua nhà ở đâu, mua cái gì, vì làm gì có nhà giá rẻ đâu mà mua. Có vay tiền bây giờ cũng chưa có nhà. Còn gói 50.000 tỷ này cho người ta vay mua căn hộ cao cấp. Nếu cho vay được thì lập tức có nhà để mua, chưa hoàn thiện nhưng rồi sẽ hoàn thiện.

Nếu có cung mà không có cầu thì phải giúp để có cầu. Nhưng mà chậm chạp, chính sách không rõ ràng, nhất là lại hết chứng nhận này đến chứng nhận nọ, rồi xác nhận cái nọ cái kia khó khăn, quy định mua rồi thì không được bán thế nọ thế kia thì rắc rối lắm.

Xin cảm ơn ông!

Phan Thuỷ (thực hiện)/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news