Tin mới

Chuyện 2 năm mới dám động phòng của vợ chồng trường thọ

Thứ sáu, 20/02/2015, 07:37 (GMT+7)

"Bà ấy về làm vợ tôi nhưng mãi 2 năm sau chúng tôi mới chính thức động phòng. Hồi ấy còn thẹn thùng lắm chứ không như bọn trẻ bây giờ, thế mà cuộc hôn nhân của chúng tôi đến giờ vẫn vững như kiềng ba chân".

"Bà ấy về làm vợ tôi nhưng mãi 2 năm sau chúng tôi mới chính thức động phòng. Hồi ấy còn thẹn thùng lắm chứ không như bọn trẻ bây giờ, thế mà cuộc hôn nhân của chúng tôi đến giờ vẫn vững như kiềng ba chân".

 

“Ai không tin có thể hỏi cả vùng này thì biết, gần 70 năm chung sống, vợ chồng tôi không có lấy một tiếng cãi vã”. Đó là lời khẳng định của cụ Nguyễn Văn Đàm (93 tuổi) ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Tình duyên sắp đặt và 2 năm không dám “động phòng”

Chúng tôi ghé thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Đàm khi trời đã xế trưa. Tận mắt chứng kiến cụ ông ngoài 90 tuổi phăm phăm vác cây tre đi vào từ đầu cổng khiến chúng tôi ngạc nhiên. Dáng người thấp nhỏ, chòm râu đã bạc trắng nhưng đôi tay cụ vẫn thoăn thoắt luồn đan từng chiếc nan một cách tỉ mẩn. Mải mê công việc, phải đến khi cô con dâu cất tiếng gọ lần thứ ba cụ mới nghe ra và móm mém cười.

Như thể biết trước mục đích khách đến thăm, cụ cười hỏi: “Cô chú đến đây hỏi già về bí quyết sống thọ với hôn nhân hòa thuận đúng không? Cũng nhiều người hỏi lắm nhưng già chẳng có bí quyết gì đâu. Nếu có bí quyết già để bán lấy tiền mua bánh cho vợ ăn”. Cụ cười sảng khoái sau câu nói nửa đùa nửa thật.

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Đàm. Ảnh: Dân trí

Theo lời cụ Đàm, năm 1948, cụ và cụ bà Nguyễn Thị May được bố mẹ hai bên sắp đặt nên vợ nên chồng. “Thời chúng tôi chẳng có tìm hiểu hay hẹn hò gì cả, chỉ đơn giản là hai nhà cùng xóm, bố mẹ hai bên thấy thuận mắt thì sang nhà nhau đặt vấn đề, thế là về ở với nhau chứ chẳng có yêu đương. Ngày cưới chỉ có mâm cơm để cúng tổ tiên và ra mắt họ hàng. Gọi là mâm cơm chứ thật ra chỉ là lưng cơm nhạt vì thời đó ta còn đói khổ lắm.

Bà ấy hơn tôi 2 tuổi, trước đó thì chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày chung sống. Thế nên khi về sống cùng một nhà, dù đã gọi chung một tiếng bố mẹ nhưng tôi với bà ấy vẫn cứ việc ai nấy làm, đêm đến ai có chỗ người ấy ngủ. Mãi tận 2 năm sau chúng tôi mới… dám ăn nằm với nhau. Nói đến đây, gương mặt cụ ông bỗng trở nên ngượng ngùng.

Trong đói khổ, vợ chồng vẫn thuận hòa

Cũng theo lời cụ, sau lần “động phòng” ấy, tình cảm vợ chồng trở nên gắn kết hơn. Ngôi nhà nhỏ yên bình nằm bên triền đê bỗng đầy ắp tiếng trẻ thơ khi lần lượt 5 người con 93 trai, 2 gái) chào đời.

Cụ Đàm kể: “Gần 70 năm chung sống với nhau tôi và bà ấy chưa một lần cãi vã xích mích. Nói nhiều người không tin, lại bảo thời bây giờ ăn no mặc ấm còn không tránh được mâu thuẫn huống chi cái thời cơ cực nheo nhóc. Nhưng điều đó là sự thật, vợ chồng tôi ăn ở với nhau ra sao thì cả vùng biết. Với tôi đã là vợ chồng thì dù có đói rách vẫn phải giữ vẹn nghĩa tình. Các cụ dạy rồi “thuận vợ thuận chồng tất biển Đông cũng cạn”, chỉ cần hòa thuận vợ chồng thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.

Với bản tính hay lam hay là, ngoài việc đồng áng của gia đình, cụ Đàm còn đi cày thuê cuốc mướn. Mỗi lần địa phương tổ chức hội thi cày, cụ đều “rinh” giải loại 1. Gia đình cụ đủ ăn, thậm chí dư thóc gạo để cho vay.

Cụ Nguyễn Thị May (95 tuổi) không giấu nổi vẻ tự hào khi nói về chồng: “Nói sợ người ta bảo khoe khoang nhưng sự thật ông nhà tôi là người hòa nhã hiếm có. Khó khăn đến đâu cũng vẫn yêu thương, bảo ban vợ con làm lụng. Chưa bao giờ ông ấy mắng mỏ tôi chứ đừng nói là đánh đập. Nếu có gì đấy không hài lòng, vợ chồng chỉ góp ý với nhau chứ không nặng lời to tiếng”.

“Khi nào thấy bà ấy nói hơi to là tôi nhẹ nhàng bảo thôi bà bớt giận, có gì từ từ bảo nhau. Còn tôi cũng vậy, khi tôi giận thì bà ấy xoa dịu, thế thì cãi nhau sao được. Điều quan trọng là cả hai vợ chồng phải chăm chỉ làm ăn, sẽ không thiếu thốn, cuộc sống bớt khó khăn, điều đó cũng giúp cho cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn”, cụ Đàm cười tươi tiếp lời.

Cụ Đàm vẫn minh mẫn và khỏe mạnh.

93 tuổi vẫn làm việc để có tiền mua quà cho vợ

Thời gian thường làm mọi thứ phai nhạt nhưng với tình cảm của hai cụ thì không. Trong tâm trí, cụ May vẫn nhớ như in lần ốm thập tử nhất sinh phải nằm viện hơn 2 tháng ở Phủ Lý: “Vì lo lắng cho tôi mà ông ấy chạy đôn chạy đáo khắp nơi rồi thức đêm hôm để chăm sóc tôi. Nhờ những cử chỉ quan tâm nhau mà tình cảm vợ chồng ngày càng khăng khít hơn”.

Chị Lê Thị Phương, con dâu út cụ Đàm kể: “Hơn 20 năm từ ngày tôi về làm dâu, chưa một lần thấy bố mẹ chồng to tiếng cãi vã. Hai cụ chịu thương chịu khó nên ngày nào cũng làm lụng bất kể nắng hay mưa. Đôi với con cái, cháu chắt thì thoải mái vô cùng, dạy bảo điều gì cũng chỉ nhẹ nhàng chứ không áp đặt hay lớn tiếng. Nhờ tấm gương của hai cụ mà gia đình vẫn giữ được nề nếp gia phong hòa thuận".

Hỏi về tình cảm hai cụ dành cho nhau, chị Phương cười đáp: “Chuyện hai cụ nhà tôi sống hòa thuận, yêu thương nhau, hàng xóm xa gần đều biết. Vừa rồi thôn Từ Đài có tổ chức “Đám cưới vàng” cho các cặp sống với nhau trên 60 năm vẫn thuận hòa, bố mẹ chồng tôi là một trong số ấy”.

 

Theo lời chị Phương, dù đã ngoài 90 tuổi nhưng bố mẹ chồng chị vẫn giữ thói quen làm lụng và chăm sóc nhau hàng ngày, đến bữa có miếng ngon người nọ nhường người kia. “Là con cháu, chúng tôi thấy mừng vì bố mẹ vẫn giữ được sức khỏe và tinh thần minh mẫn. 93 tuổi nhưng bố chồng tôi chỉ cần đôi dép cao su là có thể đi bộ một mạch 5km mua tre luồng về đan rổ rá. Kiếm được không đáng bao nhiêu, lo cụ vất vả nên chúng tôi có khuyên cụ nghỉ ngơi nhưng cụ không nghe.

 

Cụ Đàm giành lời: “Làm việc nó thành thói quen của tôi rồi, không bỏ được. Hơn nữa giờ già rồi mà ngày nào cũng kiếm được vài chục để chi tiêu hay cho các cháu cũng tự hào lắm chứ”.

Nhưng theo chị Phương: “Tiền kiếm được ngoài việc cho các cháu, cụ còn dùng để mua quà cho bà mỗi lần đi xa. Hoặc bà thích gì thì ông cho tiền để bà sắm sửa".

Bí quyết trường thọ của cặp vợ chồng già

Cụ Đàm vẫn thường răn dạy con cháu rằng: “Con người ta cho đi cái gì sẽ nhận lại cái đó, vì vậy trong cuộc sống phải luôn biết yêu thương mọi người”. Trong gia đình hay làng xóm, cụ vẫn luôn tự hào về khả năng hòa giải đặc biệt của mình, bất kể mâu thuẫn nào chỉ cần cụ đứng ra can xếp là ai cũng sẽ nghe theo.

Cụ bảo: “Mình sống hòa nhã, dĩ hòa vi quý, không gây thù oán với ai thì ắt hẳn sẽ được nể trọng. Nhà tôi đã từng mất trộm rất nhiều lần, có lần mất hơn trăm triệu nhưng dân làng chưa thấy tôi chửi bới bao giờ. Chửi bới làm gì, mấ thì ngày mai sẽ lại có”.

Nhiều người hỏi cụ về bí quyết trường thọ cùng sức khỏe dẻo dai. Cụ bảo: “Tôi chẳng có bí quyết gì. Chỉ đơn giản là sống phải luôn hòa nhã, yêu thương mọi người, giữ tư tưởng thoải mái cùng chế độ sinh hoạt đều đặn. Như tôi già rồi nhưng ngày nào cũng vẫn làm việc, đến bữa ăn uống điều độ, tối đến 21h là lên giường đi ngủ. Theo thói quen, 4h30 sáng lại dậy đi bộ trên đê. Và quan trọng nhất là có bà ấy luôn ở bên tôi, gần 70 năm rồi…”.

Nói như lời chị Phương thì “tình cảm và tư tưởng sống như bố mẹ chồng tôi đây, hàng con cháu thời ăn no mặc ấm còn phải theo dài cũng chưa chắc bằng được”.

Minh Thúy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news