Tin mới

Chuyên gia lý giải hiện tượng hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc

Thứ hai, 21/09/2015, 21:14 (GMT+7)

Liên quan đến hiện tượng hàng tấn hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc (Kiên Giang), các chuyên gia nhận định đây là hiện tượng bất thường, có thể môi trường sống của hải sâm ở đáy biển bị xáo trộn.

Liên quan đến hiện tượng hàng tấn hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc (Kiên Giang), các chuyên gia nhận định đây là hiện tượng bất thường, có thể môi trường sống của hải sâm ở đáy biển bị xáo trộn.

Như tin tức đã đưa, hiện tượng hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc (Kiên Giang) xảy ra từ ngày 18/9, đến chiều ngày 20/9 thì hiện tượng này mới giảm đi. Hải sâm dạt vào từng cụm, đủ kích cỡ, theo ước tính ban đầu khoảng hơn 2 tấn hải sâm đã dạt vào bờ biển Phú Quốc.

Sau khi xảy ra hiện tượng lạ này, rất đông người dân và du khách đã xuống nhặt hải sâm để đi bán. Thậm chí có những gia đình bắt được cả trăm kg hải sâm và bán tại chỗ với mức giá dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng...

Ngư dân nhặt được cả trăm kg hải sâm. Ảnh CTV

Được biết hải sâm là loài quý hiếm, sống tận dưới đáy biển, nên hiện tượng hàng tấn hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc khiến dư luận xôn xao.

Trả lời báo VnExpress, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) nhận định hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc là hiện tượng bất thường. Tuy nhiên để biết rõ nguyên nhân thì cần phải lấy mẫu để phân tích, xác định.

Ông Nguyễn Minh Trực- Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết đây là lần đầu tiên hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc nhiều đến thế. Theo ông, nguyên nhân hải sâm dạt bờ biển bất thường có thể do có sự xáo trộn môi trường sống dưới đáy biển của hải sâm, vì vậy loài này mới trồi lên để di cư hàng loạt và trôi dạt vào bờ biển.

Hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc. Ảnh CTV

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ đưa tin, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam nhận định, khu vực nền đáy san hô-nơi trú ẩn của hải sâm đang bị tổn thương bởi nhiều tác động. Vì vậy đây là nguyên nhân hải sâm dạt vào bờ bất thường.

“Khi mất nhà, sức chống chịu của hải sâm với sóng lớn sẽ bị giảm đi. Những đợt thay đổi lớn về thủy triều, sóng lớn dưới bề mặt sẽ quét những gì dưới đáy biển lên, cuốn theo cả hải sâm và đẩy tất cả vào bờ”, ông Long chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ.

H.Yen (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: hải sâm