Tin mới

Chuyên gia thời tiết chỉ điểm đặc biệt cần chú ý của cơn bão số 13 đang tăng sức mạnh

Thứ sáu, 10/11/2017, 19:19 (GMT+7)

Theo ông Lê Thanh Hải, bão số 13 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông với sức gió ở tâm bão mạnh cấp 8 nhưng dự kiến sẽ mạnh dần lên với cấp 9 vào ngày mai.

Theo ông Lê Thanh Hải, bão số 13 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông với sức gió ở tâm bão mạnh cấp 8 nhưng dự kiến sẽ mạnh dần lên với cấp 9 vào ngày mai.

Chiều 10/11, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đã có trao đổi xung quanh cơn bão số 13 đang tăng sức mạnh và tiến vào khu vực Biển Đông nước ta.

Xin ông có thể cho biết thêm thông tin về diễn biến của cơn bão số 13 đang tiến vào Biển Đông nước ta hiện nay?

Ông Lê Thanh Hải: Cơn bão số 13 xuất phát từ áp thấp nhiệt đới và đi theo phía Bắc của Philippines vào Biển Đông.

Đến thời điểm này, bão số 13 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông. Hiện nay, sức gió ở tâm bão mạnh cấp 8 nhưng dự kiến sẽ mạnh dần lên cấp 9 vào ngày mai.

Ngày 12/11, cơn bão sẽ mạnh lên cực đại nhất với cấp 9 - 10 ở trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa.

Thời điểm này là thời điểm rất quan trọng, bởi đang có bộ phận Không khí lạnh ở phía Bắc tràn về có thể làm cho cơn bão đổi hướng, di chuyển chậm lại, quặt theo hướng Tây Nam.

Đồng thời, không khí lạnh cũng làm cho cơn bão suy yếu đi và chúng tôi đang theo dõi chặt rất chẽ với hy vọng khi nó cong xuống về phía Trung Trung Bộ của nước ta sẽ chỉ còn là áp thấp nhiệt đới hoặc cơn bão cấp 8, sau đó sẽ hướng về phía đất liền các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định cơn bão số 13 này có đổ bộ vào nước ta hay không nhưng có nhiều dự đoán cho rằng, cơn bão này sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là áp thấp với ảnh hưởng chỉ gây mưa cho các địa phương ven biển mà thôi.

Nhưng cũng không thể chủ quan, nếu không chếch kịp thì cơn bão này sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với cấp 6 và đổ bộ vào bờ. Đây là cơn bão có diễn biến rất phức tạp nên chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát và có bản tin dự báo kịp thời.

Chuyên gia thời tiết chỉ điểm đặc biệt cần chú ý của cơn bão số 13 đang tăng sức mạnh - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hải.

Cơn bão này có điểm đặc biệt nào cần chú ý và nó sẽ ảnh hưởng đến nước ta như thế nào?

Ông Lê Thanh Hải: Vì là cơn bão cuối mùa nên thường có hai dạng bão khác nhau, một dạng là bão đi theo hướng parabol, giống như cơn Haiyan xảy ra cách đây 4 năm, đi vào sát ven biển nước ta xong cong lên Quảng Ninh rồi suy yếu, tan dần.

Dạng thứ 2 hay gặp là đi vào đất liền nước ta xong gặp không khí lạnh đi xuống tương tác bị bẻ cong xuống phía Tây Nam rồi lại vào đất liền.

Cơn bão này là một trong hai dạng đó nhưng phải khẳng định, đến thời điểm này, chúng tôi không khẳng định cơn bão này là ở dạng nào, đi lên hay cụp xuống. Tuy nhiên, rất nhiều khả năng cơn bão này sẽ tương tác với không khí lạnh và hạ cấp xuống.

Cụ thể, sau khi vào phía Bắc quần đảo Hoàng Sa cơn bão này đạt cực đại là cấp 10 rồi gặp tương tác không khí lạnh thì có khả năng giảm cấp xuống và khi vào sát đất liền nước ta có thể chỉ còn là áp thấp nhiệt đới, vùng thấp...

Hiện diễn biến của bão đang rất phức tạp, với nhiều khả năng và chúng tôi vẫn theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục 3 tiếng một lần còn khi bão vào sẽ cập nhật 1 tiếng 1 lần.

Từ phân tích ở trên, ông có cảnh báo như thế nào về tình hình mưa lũ, sạt lở cùng như những vùng có thể chịu ảnh hưởng?

Ông Lê Thanh Hải: Cho đến thời điểm hiện tại, cảnh báo đáng lưu ý nhất vẫn là trên biển, trong đó, vùng biển phía Đông của giữa Biển Đông, bắc Biển Đông khi cơn bão vào sẽ có gió mạnh, đặc biệt gió xoáy cấp 8 - 9.

Vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, phía Bắc Hoàng Sa đều cần lưu ý bão vào bởi đó là giai đoạn bão mạnh nhất. Ngoài ra, trên đất liền cần theo dõi chặt chẽ xem bão có đổ bộ vào không.

Thêm vào đó, hiện không khí lạnh tác động xuống về sẽ mang mưa vừa, đến mưa lớn trong khi các sông ở nước ta đều đang đầy nước nên nếu mưa thêm sẽ lặp lại lũ với báo động 1, 2, 3 và sâu vào nữa thì các vùng núi như ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi nguy cơ sạt lỡ đất đã rất cao khi bão vào sát vào, không khí lạnh xuống.

Vì thế, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin để có ứng phó kịp thời.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news