Tin mới

Chuyện tình U60: Ông tố bị lừa tình, bà bảo bị đào mỏ

Thứ sáu, 24/04/2015, 20:21 (GMT+7)

Ngày ông Thanh về sống cùng thì bà T. tuyên bố: “Đây là nhà của tôi, nếu anh đến chơi như một người bạn thì được, còn nghỉ lại qua đêm thì không được”.

Ngày ông Thanh về sống cùng thì bà T. tuyên bố: “Đây là nhà của tôi, nếu anh đến chơi như một người bạn thì được, còn nghỉ lại qua đêm thì không được”.

Ông tố bị lừa tình

Tin tức báo Đời sống & Pháp luật nhận được phản ánh của ông Đàm Lê Thắng (SN 1960), ngụ tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tố việc mình bị bà Bùi Minh T. (SN 1971), ngụ phường Phú Hữu, Quận 9, TP HCM lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn phản ánh của ông Đàm Lê Thắng, đầu năm 2013, qua giới thiệu của người thân anh đã quen và yêu bà Bùi Minh T. – PGĐ một trường trung cấp dạy nghề ở TP. HCM. Trong quá trình yêu đương, ông Thắng đã nhiều lần chuyển tiền cho bà T. nhưng theo đơn tố cáo của ông Thắng thì mình bị lợi dụng tình cảm để chiếm đoạn tiền của mình.

Trong đơn ông Thắng nói, tháng 5/2013, ông Thắng chuyển 100 triệu đồng cho bà T. để mua xe. Tuy nhiên, sau một thời gian dài vẫn chưa thấy bà T. mua.

Cũng theo đơn của ông Thắng, với lý do khó khăn về chỗ ở do bà T. cũng đang ở nhờ nhà công vụ nhưng Nhà trường đã có yêu cầu trả lại để kinh doanh. Bản thân ông Thắng đang cũng đang ở nhờ nhà em trai ở Thanh Hóa, nên sau khi nghe bà T. nói là cả hai mua nhà ở riêng để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi kết hôn và đề nghị ông Thắng chuyển tiền để bà T. mua căn hộ. Tin tưởng vào tình cảm của bà T. và hi vọng về sự ổn định gia đình khi đã lớn tuổi nên trong khoảng thời gian từ tháng 8/2013 – 12/2013, ông Thắng đã 5 lần chuyển tiền với tổng số tiền là 650.000.000 đồng để bà T. mua nhà.

Ngoài ra, sau khi nhận được chung cư, bà T. đã bàn bạc với ông Thắng trang trí nội thất cho ngôi nhà. Tổng chi phí lắp đặt nội thất, hoàn thiện căn hộ hết 229.825.000 đồng. Cũng theo yêu cầu của bà T., ông Thắng đã chuyển thêm 30.000.000 đồng tiền mặt và nhiều tài sản, vật dụng gia đình khác cho bà T. trước khi vào chung sống với nhau như đã hứa.

 “Ngay khi căn hộ được hoàn thiện, tôi đã bàn bạc với bà T. việc tiến hành đăng kí kết hôn như bà T. đã hứa, nhưng bà T. nói với tôi rằng hai bên chưa hợp tuổi nên chỉ cần thông báo với gia đình hai bên để về sống chung với nhau trước, năm sau phù hợp tuổi mới làm thủ tục đăng ký kết hôn”.

Tuy nhiên, ngày ông Thắng về ngôi nhà chung của cả hai thì bà T. tuyên bố: “Đây là nhà của tôi, nếu anh đến chơi như một người bạn thì được, còn nghỉ lại qua đêm thì không được”, ông Thắng trình bày.

Hình minh họa

Sau khi biết mình đã bị bà T.“lừa đảo”, ông Thắng đã nhiều lần liên hệ với bà T. để làm việc nhưng bị đe dọa và thách thức.

Nói về người vợ mình sẽ cưới, ông Thắng cho hay: “Cô ấy người không đẹp nhưng thông minh, đoan trang. Có lần cô ấy nói với tôi là vào Nghệ An để mua đất cho bố mẹ sống khi tuổi già. Nghe cô ấy nói, tôi thấy việc làm như vậy là đạo đức, là con gái mà cô ấy suy nghĩ được những việc như vậy khiến tôi càng nể và trân trọng cô ấy. Trong thời gian yêu nhau, tôi đã chăm lo cho cô ấy và cả gia đình cô ấy… nhưng cuối cùng lại thành ra là lừa dối tôi.

Bản thân tôi cũng đã ly dị vợ 7-8 năm nay nên khi gặp được cô ấy, tôi mong muốn tiến tới hôn nhân, sau đó vào Nam sinh sống cùng anh chị em trong đó. Dự định là vậy, nhưng không ngờ…”.

Bà tố bị ông... làm tiền, đào mỏ

Nhận được đơn phản ánh của ông Thắng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà T. để có cái nhìn khách quan hơn thì bà T. cho biết: “Không bao giờ có chuyện như thế xảy ra. Chuyện như thế là do anh Thắng bịa đặt ra nhằm bôi nhọ danh dự của tôi và tôi cũng đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an”.

“Tôi và anh Thắng đã từng có thời gian yêu nhau, tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Bản thân tôi khi có mối quan hệ này cũng đã báo cáo với tổ chức. Chúng tôi đã yêu đương, chung sống với nhau như vợ chồng được hơn 1 năm. Thời gian gần đây, anh Thắng đã chủ động chia tay với lý do không phù hợp. Tôi là phụ nữ đơn thân cũng rất thiệt thòi nhưng đành chấp nhận.

Cũng kể từ lúc chia tay, anh Thắng bắt đầu quay sang làm tiền tôi. Lợi dụng tôi là phụ nữ đơn thân, nghĩ tôi là nơi dễ đào mỏ được nên anh đấy đã làm nhiều chuyện mà bản thân tôi không muốn nhắc đến. Nhưng tôi khẳng định, việc anh Thắng chuyển tiền là do bản thân anh Thắng tự nguyện, không có chuyện tôi vay mượn hay đề nghị anh này chuyển tiền. Bản thân tôi cũng là người có địa vị trong xã hội, không thể vì mấy trăm triệu của anh Thắng mà cư xử như vậy.

Trong quá trình yêu nhau, tôi cũng đã đưa anh Thắng về nhà để giới thiệu gia đình nhưng giờ anh Thắng quay lại làm những việc như này, bản thân tôi đánh giá đó là hành động không tốt. Ngoài ra, căn nhà mà tôi đang ở là số tiền mà tôi bỏ ra để mua, không liên quan gì đến anh Thắng cả”, chị T. nói.

Cũng như theo lời của chị T., chị đã nhiều lần bị anh Thắng cũng như người trong gia đình giả danh luật sư… để gọi điện đe dọa, lấy những thông tin nhằm gây bất lợi cho chị này?

“Mang tiền cho gái” có đòi được không?

Sau khi sự việc xảy ra, ông Thắng yêu cầu bà T. phải hoàn trả lại số tiền mà mình đã đưa, vì theo ông Thắng, việc bà T. làm như vậy là có dấu hiện phạm tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Vậy, với số tiền mà ông Thắng đã chuyển cho bà T. như vậy thì có đòi được không?

Về ý kiến ông Thắng nói bà T. đã lừa đảo ông là không đúng (Điều 139 luật hình sự năm 1999).

Tội này có các dấu hiệu sau:

Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản

- Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản

- Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối

Như vậy, có thể phân biệt với những trường hợp dùng thủ đoạn gian dối khác, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả để thu lợi bất chính thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội lừa dối khách hàng hoặc tội buôn bán hàng giả.

Lưu ý: Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

- Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

- Trường hợp hành vi gian dối, hay hành vi chiếm đoạt cấu thành vào một tội danh độc lập khác, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chí bị truy cứu những tội danh tương ứng đó.

Ví dụ, như hành vi gian dối làm tem giả, vé giả …( Điều 164 Bộ luật hình sự), hành vi gian dối trong cân đong đo đếm, tình gian, đánh tráo hàng ( Điều 162 Bộ luật hình sự), hành vi lừa đảo chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 194 Bộ luật hình sự), hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón thuốc thú y, bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi (Điều 158 Bộ luật hình sự) đều có dấu hiệu gian dối.

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Trong trường hợp việc ông Thắng đưa tiền cho bà T. để mua nhà chung chỉ là chỉ là quan hệ dân sự. Ông có thể yêu cầu chia lại tài sản chung của 2 người đó là ngôi nhà.

Khoản 3, điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự thì: "Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện" nên sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này".

Tuy vậy, do bà T. đã được cấp giấy chứng nhận hợp pháp của ngôi nhà do đó bà T. là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà được cấp đó, do vậy bà có các quyền được quy định tại điều 166, điều 167 Luật đất đai 2013 đó là các quyền chung đối với người sử dụng đất và các quyền riêng là: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

Như vậy ông Thắng có quyền yêu cầu bà T. trả lại số tiền mà ông đã đưa cho bà T. Về việc góp tiền mua đồ trang trí căn nhà: Đây là trường hợp thực hiện công việc không có ủy quyền quy định tại Điều 594 Bộ luật dân sự 2005.

Thực hiện công việc không có uỷ quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó, hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối".

Vì vậy, nếu ông Thắng chứng minh được việc góp tiền của mình thông qua giấy tờ mua vật liệu và không có sự tranh chấp với bà  T. ( bà T. không phản đối) thì ông có quyền yêu cầu bà T. thanh toán lại nghĩa vụ theo quy định tại điều 596 Bộ luật dân sự 2005:

"1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có uỷ quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có uỷ quyền từ chối".

Theo Thiên An/ Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news