Tin mới

Công bố bản gốc của ca khúc "Con đường xưa em đi"

Thứ sáu, 07/04/2017, 16:11 (GMT+7)

Liên quan tới hồ sơ và bản gốc ca khúc "Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ bị tạm dừng phát hành, ngày 7/4, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã cho công bố bản gốc của ca khúc này.

Liên quan tới hồ sơ và bản gốc ca khúc "Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ bị tạm dừng phát hành, ngày 7/4, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã cho công bố bản gốc của ca khúc này.

Bản gốc ca khúc Con đường xưa em đi được VCPMC lưu giữ.

Theo đó, bản gốc của ca khúc này có đoạn “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài” chứ không phải là "Lối mòn anh bước đi" và "Nơi đây thao thức canh dài" như một số dị bản trước.

Trên VOV, Dân trí đưa tin, sáng nay 7/4, nhà báo, nhạc sĩ Phan Phương - Trưởng ban hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định, khi còn sống, nhạc sĩ Châu Kỳ đã ủy quyền cho đơn vị này bảo vệ quyền tác giả khoảng 300 ca khúc do ông sáng tác, trong đó có ca khúc đang gây tranh cãi khi bị cấm phổ biến là “Con đường xưa em đi”.

Nhà báo Phan Phương cho biết, hiện VCPMC còn lưu giữ bản gốc của ca khúc “Con đường xưa em đi” do nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp. Ca khúc với tên tác giả Châu Kỳ- Hồ Đình Phương được phổ biến từ ngày 1/9/1969 theo giấy phép số 3577 BTT/NBC/PHNT. Bản gốc này do Thanh Tuyền và Chế Linh thu thanh vào đĩa hát “Việt Nam”, hòa âm và ban nhạc: Y Vân.

Cụ thể, bản gốc của ca khúc này mà phía VCPMC đang giữ là:

“Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi

Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về

Chiến trường anh bước đi

Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe... Hỏi còn ai cố tri

Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?

Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài

Em ơi! màu áo phong sương, mình ước huy hoàng được bàn tay chính nàng

Dâng hoa, dâng hết ân tình

Tình đến bao giờ

Hỏi đường xưa mà nhớ… con đường xưa em đi

Thời gian có quên gì

Đá mòn kia vẫn ghi, ghi một đêm trăng thanh

Quán bên đường vắng tênh

Chỉ còn em với anh.”

Nhà báo Phan Phương cho rằng, ai đó đặt câu hỏi “Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào” là không hợp lý.

“Sao lại phải hỏi là chiến trường nào? Đây là bản gốc do nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp khi ông làm hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm trong việc khai thác quyền tác giả âm nhạc. Với bản nhạc này, tác giả đã ghi rõ là sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính pháp lý”, ông Phương cho biết.

Hồ sơ hợp đồng giữa nhạc sĩ Châu Kỳ và VCPMC cho thấy, nhạc sĩ Châu Kỳ có khoảng 300 ca khúc. Tất cả đều được ông viết trước năm 1975. Hợp đồng ủy quyền này được thực hiện từ năm 2004. Đến năm 2008, sau khi nhạc sĩ mất, vợ của ông là bà Kha Thị Đàng đã ký lại.

Ông Phương cũng cho rằng, các dị bản của ca khúc "Con đường xưa em đi" có thể là do các ông bầu tự ý sửa để dễ dàng xin cấp phép cho ca sĩ biểu diễn. “Việc sửa lời là sai so với bản gốc và vi phạm bản quyền thì bị cấm là đúng. Hiện nay, không chỉ ca khúc “Con đường xưa em đi” mà nhiều ca khúc khác cũng đang đối diện với tình trạng có nhiều dị bản”.

Chia sẻ về việc này, bà Kha Thị Đàng, vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ cho biết, chính nhạc sĩ là người tự tay sửa những ca từ được cho là nhạy cảm trong ca khúc này.

“Vào khoảng năm 2006-2007, khi anh Kỳ còn sống, chúng tôi nghe nói bài hát bị cấm bởi có hai cụm từ "Chiến trường anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài". 2 cụm từ này đều nói về chiến tranh.

Vậy nên tôi và anh có bàn với nhau, nếu ngành chức năng ngại 2 cụm từ đó, thì chúng tôi sẽ sửa "Chiến trường anh bước đi" thành "Lối mòn anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài" sửa thành "Nơi đây thao thức canh dài".

Nhưng chúng tôi chỉ bàn với nhau vậy chứ chưa sửa vào bản nhạc. Vậy nên tôi khẳng định, bản nhạc gốc "Con đường xưa em đi" viết là "Chiến trường anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài".

Có thể anh Kỳ đi gặp bạn có nói về ý định sửa lời bài hát đó. Và có đơn vị nào đó xin cấp phép đã sửa bản nhạc này nhưng không hỏi ý kiến gia đình tôi", vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ cho biết.

Cũng theo bà Kha Thị Đàng, số tiền tác quyền VCPMC trả cho gia đình nhạc sĩ theo từng quý, cao nhất có thời điểm là 40 triệu/quý.

Trước thông tin 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn khiến nhiều người hoang mang. Ngày 4/4, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã khẳng định không có chuyện cấm vĩnh viễn 5 ca khúc kể trên. Ông Chương cho biết: “Cấm vĩnh viễn các bản nhạc đã sửa chữa, những dị bản so với bản nhạc gốc, những bản nhạc đã cấp phép nhưng vi phạm tác giả và quyền liên quan chứ không phải cấm vĩnh viễn 5 ca khúc này”.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news