Tin mới

Cuộc sống khốn khó của gia đình sống trong ngôi nhà "tự dưng bốc cháy"

Thứ năm, 23/07/2015, 17:26 (GMT+7)

38 lần cháy nhà liên tục, phần lớn đồ đạc, vật dụng trong nhà bỗng chốc ra tro khiến gia đình ông Hường vốn đã khó khăn nay lại chật vật hơn.

38 lần cháy nhà liên tục, phần lớn đồ đạc, vật dụng trong nhà bỗng chốc ra tro khiến gia đình ông Hường vốn đã khó khăn nay lại chật vật hơn.

Chắt chiu, dành dụm gần như cả một đời, mãi đến tuổi 69, ông Nguyễn Hồng Hường (ở khu 3, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, Phú Thọ) mới cất được một căn nhà bằng bê tông kiên cố. Tiếng là "kiên cố" nhưng thực tế, căn nhà mới chỉ hoàn thiện xong phần thô, còn lại vẫn chưa quét vôi ve, lát nền. Và những tưởng khi xây xong nhà, gia đình sẽ có chỗ sinh hoạt thuận tiện hơn, tươm tất hơn nhưng niềm vui đó không kéo dài được bao lâu. Vì mới ở tạm trong ngôi nhà này được một thời gian, cả gia đình ông lại phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì căn nhà bỗng dưng phát hỏa khắp nơi, từ gác xép tới buồng ngủ, phòng khách, mái hiên tới khu bếp.

Xem video:

Từ ngày 23/6 đến ngày 12/8, ngôi nhà của ông xảy ra cháy liên tục. Do thời điểm cháy xảy ra vào cả sáng, trưa, chiều, tối nên gia đình không chủ động được thời gian để "canh lửa". Và hậu quả là toàn bộ chăn màn, quần áo, tủ và các vật dụng sinh hoạt khác bỗng chốc bị cháy thành tro hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được.

Ông Hường bên cạnh đống đồ đạc bị cháy, chất thành đống ở góc sân. Ảnh: Vũ Đậu

Theo lời kể của ông Hường, hôm xảy ra điểm cháy đầu tiên ở khu vực chuồng bò và cây rơm, lúc ấy, ông Hường nghĩ chắc có ai đó ác ý, phóng hỏa vào nhà mình. Tuy nhiên, lúc dập xong lửa ở mái chuồng bò, ông và cậu con trai tên Quân đang tá hỏa dập lửa ở cây rơm thì từ trong nhà, cô con dâu tên Hằng cũng la lên vì quần áo treo trên móc tường trong phòng cưới của vợ chồng chị cũng đang bốc cháy. Lúc đó, lo sợ cháy lan trong nhà nên hai cha con ông bỏ mặc cây rơm đang bốc cháy ngùn ngụt, chạy vào trong dập lửa và sơ tán đồ đạc ra ngoài.

Lúc dập xong được đám cháy trong nhà, cả nhà chạy ra sân thì cây rơm đã cháy gần một nửa. Cậu con trai tên Quân hô hoán bà con lối xóm tới phụ giúp, đồng thời liên tục múc nước ở giếng khơi ngay cạnh để hắt vào. Lúc lửa được dập tắt, cả nhà ngồi rủ xuống, ngao ngán, phần vì mệt, phần vì chỗ rơm còn lại hầu như đã bị ám khói, không thể dùng làm thức ăn cho bò. Như vậy, công sức thu gom, phơi phóng và dự trữ gần 2 mẫu rơm của cả nhà ông xem như bỏ đi.

"Ngày đầu tiên, nhà cháy đến 7 lần và ở 7 điểm khác nhau, từ chuồng bò, cây rơm, buồng ngủ, bàn học, ban thờ đến bếp nấu, hiên nhà. Cả gia đình chỉ lo dập lửa mà xanh cả mặt. Vì sinh sống trên khu đất này đã 39 năm, bây giờ mới xảy ra hiện tượng lạ này nên chúng tôi vô cùng hoang mang và đã báo cho chính quyền địa phương" - ông Hường kể lại.

Ông Hường và cháu nội tại bãi chăn bò gần khu vực đầm sen của xã Thượng Nông. Ảnh: Vũ Đậu

Theo lời kể của anh Quân (sinh năm 1985 - con trai ông Hường),trong khi công an xã vào kiểm tra, xem xét vụ việc theo nội dung gia đình báo cáo thì ngoài hiên bếp, cái cối xay sinh tố bỗng nhiên bùng lửa. Những người có mặt lúc đó lại bị một phen tá hỏa.

"Có hôm giữa trưa, sau khi giặt đồ xong, chị dâu tôi vào nhà, mở tủ quần áo lấy móc treo thì hoảng hồn khi thấy lửa đang cháy trong đống quần áo. Sợ hãi, chị ấy hét toáng lên. Tôi và bố chạy vào, kéo nhanh đống áo quần ra khỏi tủ nhưng cũng chỉ cứu vãn được 1/3 đống đồ, chỗ còn lại đã bị cháy nham nhở" - anh Quân kể lại.

Và liên tục trong gần 20 ngày, cả gia đình ông Hường chấp nhận "sống chung với hỏa hoạn" với tổng cộng 38 vụ cháy. Và để hỗ trợ đối phó với hỏa hoạn, chính quyền đã cấp cho gia đình tổng cộng 4 bình cứu hỏa mini và hướng dẫn mọi người cách thức sử dụng để các thành viên có thể phản ứng với các vụ cháy kịp thời.

Bình cứu hỏa gia đình ông Hường được hỗ trợ để chữa cháy. Ảnh: Vũ Đậu

Được biết, sau khi căn nhà phát hỏa, gia đình ông Hường đã phải sơ tán những vật dụng còn lại tới một túp lều tạm trên khu đất thầu cách nhà hơn 1 cây số. Vợ, con trai ông, cô con dâu tên Hằng và một con nhỏ của chị này sẽ ngủ ở lều buổi tối. Ban ngày, con trai ông vẫn túc trực ở nhà để khi xảy ra hỏa hoạn còn dập lửa vào báo cho chính quyền địa phương. Còn ông thì ngày ngày đi chăn bò tại khu chăn thả của xã Thượng Nông, còn buổi tối vẫn ngủ một mình trong căn nhà.

"Sau 38 lần cháy nhà, gia đình vốn đã khó khăn lại thêm chật vật hơn rất nhiều. Quần áo của cả gia đình hầu như đã bị cháy hết. Chăn màn, tủ và các đồ dùng khác bị cháy nham nhở, chất thành một đống ở góc sân. Bữa trước, có ông giáo trong vùng biết chuyện, thương tình mang cho ít đồ cũ dùng tạm. Thế nhưng, chỗ áo quần ấy cũng đã bị cháy trong một lần căn nhà phát hỏa. Phần thóc lúa còn lại đã được chuyển ra túp lều tạm. Bây giờ, nhà hầu như để trống trơn, chỉ có ban thờ, bộ bàn ghế và chiếc quạt cây" - ông Hường kể.

Theo tìm hiểu, ông Hường vốn là nạn nhân chất độc da cam, mỗi tháng được nhận trợ cấp hơn 1 triệu đồng. Cả gia đình ông canh tác gần 1 mẫu ruộng và nuôi thêm 1 con bò. Vợ chồng ông sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái) nhưng một trong số đó đã mất vì Tai nạn giao thông. 2 trong số 3 người con còn lại đã lập gia đình, ở gần nhà và làm ruộng. Cậu con út tên Quân thì vẫn ở chung với bố mẹ.

"Cuộc sống vốn dĩ đã rất khó khăn, tưởng cất được căn nhà, có chỗ chui ra chui vào yên ổn, không ngờ lại phát sinh ra chuyện hỏa hoạn bất thường khiến cả gia đình rơi vào lo lắng, bất an. Và mặc dù căn nhà nằm trên đất thổ cư lâu năm của gia đình nhưng nếu chính quyền địa phương yêu cầu sơ tán đến một nơi ở an toàn hơn, có lẽ gia đình tôi cũng phải thuận theo chứ không còn lựa chọn nào khác" - ông Hường chia sẻ.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news