Tin mới

Cứu sống bé gái có ruột non và đại tràng nằm ngoài ổ bụng

Thứ hai, 20/07/2015, 13:54 (GMT+7)

Sau hai ca đại phẫu thuật, cô bé bị dị tật hở thanh bụng gồm toàn bộ ruột non và đại tràng nằm ngoài ổ bụng., ruột ngắn chỉ có 60 cm đã trở về với cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Sau hai ca đại phẫu thuật, cô bé bị dị tật hở thanh bụng gồm toàn bộ ruột non và đại tràng nằm ngoài ổ bụng., ruột ngắn chỉ có 60 cm đã trở về với cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

[mecloud]LSakt4Ui4s[/mecloud]Ngày 30/10/2014, bé Mai Bảo Anh cất tiếng khóc chào đời, nặng 2 ký, bé được chẩn đoán bị dị tật hở thanh bụng. Toàn bộ ruột non và đại tràng nằm ngoài ổ bụng. Ruột ngắn chỉ có 60 cm so với đứa trẻ bình thường là 2,2 m. Bị chứng teo ruột khiến ruột bị chia thành 2 đoạn không liên thông với nhau. Ruột già bị teo chỉ bằng ruột của chiếc viết bi, dị tật ruột xoay bất toàn nên từ khi chào đời, mẹ con chưa được gặp nhau, bé Bảo Anh phải nằm trong phòng cách ly.

Bé Mai Bảo Anh được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cứu sống sau hai ca đại phẫu thuật (Ảnh cắt từ Clip)

Là trường hợp hy hữu trong y học Việt Nam, đây là một ca khó đối với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Nhưng với tấm lòng của những người hành nghề y không đành lòng đứng nhìn một thiên thần nhỏ bé từ giã cõi đời, đôị ngũ y bác sĩ đã có một cuộc hội chẩn khẩn cấp giữa các chuyên gia đầu ngành trong bệnh viện. Sự căng thẳng lo âu đang hiện hữu trên khuôn mặt của những người thầy khoác áo blue. Với hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa bao giờ bác sĩ Tầm phải khó khăn đưa ra quyết định như bây giờ. Tiếp tục hay từ bỏ?

Bác sĩ Vũ Công Tầm – Trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kể: “Nhẹ cân dưới 2 ký rưỡi. Thứ hai là các dị tật đi kèm quá nhiều. Thứ ba là dị tật chính thuộc loại dị tật năng. Bé sợ khó qua khỏi. Với kinh nghiệm của mình thì mình thấy rằng cần phải cứu mạng sống trước nhất. Khi đã giữ được mạng sống em bé thì chúng ta sẽ còn các cơ hội chữa những dị tật đi kèm sau đó.”

 Tất cả những dị tật được hình thành trong ổ bụng khi em bé còn nằm trong bào thai. Ruột ngâm trong môi trường nước ối quá lâu. Trong nước ối bao gồm có phân, nước tiểu, hóa chất là nguyên nhân dẫn đến việc ruột của thai nhi bị nhiễm trùng, tổn thương rất nặng. Ruột ngắn chỉ có 60 cm cộng với việc bị tổn thương nhiều như vậy sẽ rất khó khăn trong việc truyền tải chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể sống.

 “Muốn đi gặp mặt con nhưng gia đình hổng cho. Nói là như giờ không biết mặt con, nó ở trong phòng cách ly, đau khổ lắm. Tại vì bác sĩ nói không còn hy vọng, niềm tin nào với nó hết”. Sau bao ngày mang nặng đẻ đau, mong ngóng được ôm con vào lòng nhưng lại là quá khó với chị Trịnh Thị Kim Tươi – mẹ bé Bảo Anh. Chị vẫn chưa được ôm con ngủ trọn một đêm. Sự sống của con vẫn chưa có câu trả lời. Với chị, mỗi ngày trôi qua dài như một thế kỷ, mẹ con xa cách nhau.

 Mỗi ngày qua là một ngày nặng nề với toàn bộ đội ngũ y bác sĩ khoa phẫu thuật gây mê hồi sức của bệnh viên Nhi đồng Đồng Nai. Ruột già bên dưới quá nhỏ, đường kính khoảng 2 li. Với kích thước này, ruột không thể thông được nên cuộc phẫu thuật lần thứ nhất, bác sĩ không chọn nối ở thì đầu mà chọn lấy nhịp thở cho em bé trước. Lần mổ lần thứ nhất đưa 60 cm ruột vào trong ổ bụng đã xong nhưng sự sống vẫn chưa thể bắt đầu.

 14 ngày kể từ khi lâm bồn, hôm nay là lần đầu tiên mẹ con được chạm mặt nhau. Những nhịp thở yếu ớt, đôi mắt cứ nhắm nghiền khiến cho tim người mẹ cứ bị bóp nghẹt. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ trẻ “Ước gì được vô ôm con một cái”.

 6 ngày sau khi mổ, em bé vẫn chưa ăn được, hai mắt nhắm nghiền, không phản ứng gì. Với những biểu hiện như thế khiến đội ngũ y bác sĩ trong khoa vô cùng lo lắng. Mọi người luôn túc trực theo dõi từng chỉ số nhịp tim của bé. Còn nước là còn tát, phòng mổ đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đại phẫu thuật lần thứ hai. Tất cả các bác sĩ giỏi đều được triệu tập vào cuộc phẫu thuật lần này. Với sức khỏe của em bé quá yếu, ngày tuổi quá nhỏ, tình trạng bệnh quá nặng. Việc đưa lên bàn mổ cũng là một quyết định khó khăn với các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Để chạy đua với sức khỏe của bé sơ sinh đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện phải thực hiện ca mổ nhanh, chính xác. Với quá nhiều dị tật ở ruột non cũng như ruột già, không có hậu môn, ruột xoắn cũng như thể trạng trẻ sơ sinh không cho phép ca phẫu thuật kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Cuộc chạy đua đầy cam go và thử thách để giành sự sống cho em bắt đầu.

 Những cơn đau, những tiếng khóc của bé như lưỡi dao cứa vào lòng những người khoác áo blue hàng ngày cận kề chăm sóc, theo dõi, truyền cho em từng giọt sữa. Các bác sĩ coi bé như chính con của mình. Hồi sức để bé đủ sức khỏe lên bàn mổ đã khó. Hồi sức sau khi mổ lại là câu chuyện dài và đầy cam go hơn.

 “Trước tình hình gọi là cấp bách cho sự sống thì chúng tôi quyết định phương án bây giờ là đưa ruột vào ổ bụng để đảm bảo vô trùng và nuôi dưỡng ruột, đồng thời tạo được lưu thông ruột sớm nhất để bé có thể ăn sớm. Khi ăn được thì mới nhanh hồi phục được sức khỏe. Sau khi mổ là thời gian hồi sức rất vất vả. Hàng ngày, hàng giờ phải theo dõi áp lực ổ bụng. Áp lực ổ bụng rất quan trọng trong phẫu thuật này. Nếu đưa ruột vào mà căng quá, áp lực sẽ chèn ép lên ruột, ruột cũng sẽ bị thiếu máu và đồng thời cũng thiếu máu ở các tạng ở trong bụng, ví dụ như thận, tim, phù dưới chân. Vì vậy, vấn đề hồi sức trong bệnh lý này phức tạp và chúng tôi phải phối hợp tích cực với bên hồi sức của sơ sinh. Hàng ngày bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ hồi sức tích cực sơ sinh luôn luôn thảo luận, bàn bạc phương án điều trị sắp tới cho bé này.” Bác sĩ Vũ Công Tầm – Trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ.

 Một ngày trôi qua sau ca phẫu thuật lần hai, mẹ con gặp nhau. Nếu ai đã từng làm mẹ sẽ hiểu cảm xúc của người mẹ trẻ này. Từ ngày con chào đời đến lúc con gần 5 tháng tuổi chưa một lần được ôm con vào lòng, chưa ngày nào chị sống trong bình yên bởi sự sống của con đang còn treo lơ lửng. Biết rằng rất mong manh nhưng người mẹ trẻ này vẫn quyết tâm cùng con giành lấy sự sống dù rất mong manh.

 Tưởng rằng không qua khỏi bởi thể trạng quá yếu. Ruột chỉ dài 60 cm, kèm theo rất nhiều dị tật. 150 ngày đã trôi qua, hàng chục con người gồm các bác sĩ trong bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cùng đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau động viên vượt qua khó khăn để níu giữ sự sống cho một thiên thần nhỏ. “Nghề mổ của chúng tôi, mổ xong chưa hẳn là vui. Đến khi bệnh nhân sống, trở về với cuộc sống bình thường, trở về được với gia đình thì đó mới là niềm vui thực sự, thành công mỹ mãn của ca mổ.”

 Vậy là từ nay đôi vợ chồng trẻ này đã có thể ngủ trọn một đêm mà không phải lo lắng. Anh chị cũng đã có quyền mơ ước một tương lai cho con. Với tấm lòng y đức, tận tụy của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã đưa em bé trở về với cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác. Sự sống không chỉ giới hạn ở 60 cm. Ruột của bé Mai Bảo Anh đã dài ra gấp 3 lần. Dưới đôi bàn tay và khối óc của những con người khoác áo blue, Mai Bảo Anh mang lại tiếng cười cho ngôi nhà nhỏ.

P.V

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news