Tin mới

"Đại bàng" đánh chết bạn tù: Cán bộ trại giam có phải chịu trách nhiệm?

Thứ bảy, 15/10/2016, 08:57 (GMT+7)

Liên quan đến vụ "đại bàng" buồng giam đánh chết bạn tù, theo luật sư, để xác định quản giáo hay ban quản lý trại giam có phải chịu trách nhiệm hay không cần căn cứ vào yếu tố "Lỗi" khi để xả ra sự việc các phạm nhân đánh nhau dẫn tới hậu quả chết người.

Liên quan đến vụ "đại bàng" buồng giam đánh chết bạn tù, theo luật sư, để xác định quản giáo hay ban quản lý trại giam có phải chịu trách nhiệm hay không cần căn cứ vào yếu tố "Lỗi" khi để xảy ra sự việc các phạm nhân đánh nhau dẫn tới hậu quả chết người.

Ngày 12/10, TAND cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án tử hình đối với Đào Trung Hậu (33 tuổi, quê Tây Ninh) và Châu Lễ Hiền (29 tuổi) về tội Giết người.

Kết quả điều tra xác định, hai bị cáo đã đánh bạn tù đến mức chấn thương sọ não và tử vong. Với lý do nạn nhân Nguyễn Thế Nhân là bạn tù mới, đã không thực hiện đúng nghi thức "chào phòng" theo "quy định".

Xét thấy hành vi trên là rất côn đồ, không có khả năng cải tạo nên HĐXX đã áp dụng mức án nghiêm khắc nhất đối với hai bị cáo.

Dư luận xôn xao không chỉ vì sự quá hung hãn của các "đại bàng" mà còn đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người quản lý trại giam - nơi xảy ra án mạng trên.

Liên quan về vấn đề này, trao đổi với PV, Luật sư Quách Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thanh Thiên Trường cho biết: "để xác định trách nhiệm của từng người trong trường hợp này, phải dựa trên yếu tố lỗi, mối liên hệ giữa hành vi và hậu quả cũng như nguyên nhân cái chết và nhiệm vụ được phân công của từng cán bộ trại tạm giam".

Các bị cáo Hậu, Nam, Hiền (từ trái qua phải) tại phiên xử phúc thẩm - Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Đồng quan điểm trên, Luật sư Lê Hồng Huấn, công ty Luật TNHH Vinabiz cho rằng “để xác định trách nhiệm của quản giáo hay ban quản lý trại giam cần phải chứng minh lỗi của họ khi để xảy ra vụ việc”. Cụ thể hơn, để chứng minh cán bộ có lỗi hay không cần "căn cứ theo quy định của pháp luật về những việc người quản giáo trại giam được làm và không được " - Luật sư nhận định.

Dựa theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Luật Thi Hành án Hình sự 2010: "Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội." 

Điều 6, Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011, quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân. Cụ thể: Trại giam phải được bảo vệ nghiêm ngặt và an toàn, có lực lượng vũ trang bảo vệ, canh gác 24/24 giờ...

Theo đó, Luật sư Huấn phân tích: "Mặc dù không có quy định chi tiết việc đảm bảo như thế nào về an toàn tính mạng; sức khỏe của phạm nhân, nhưng trại giam phải có trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt và an toàn cho các phạm nhân. Những quy định về chế độ kiểm tra, điểm danh, kiểm diện ... sẽ được quy định theo nội quy trại. Nhìn từ góc độ pháp lý và thực tế, có thể nhận thấy phạm nhân chịu sự quản lý, giáo dục của trại giam thì trại giam cũng phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng cho phạm nhân."

Trao đổi với PV về trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ trại giam theo quy định pháp luật hiện hành, Luật sư Quách Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thanh Thiên Trường cho rằng: "trong trường hợp cán bộ trại tạm giam buông lỏng quản lý, dẫn đến việc những người bị tạm giam xô xát, đánh nhau gây chết người thì cán bộ trại tạm giam có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009)”.

Nội dung Điều 258 Bộ Luật Hình 1999 ( sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau:

“1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Cùng quan điểm về việc định tội đối với những cán bộ trại giam trực tiếp liên quan trên, Luật sư Lê Hồng Huấn công ty Luật TNHH Vinabiz  phân tích thêm: "nếu có căn cứ chứng minh người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý buồng giam, vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến cái chết của nạn nhân Nguyễn Thế Nhân trong vụ việc nêu trên thì có thể bị truy tố theo tội danh này."

Xem thêm video:

[mecloud]g9sLXyzCFJ[/mecloud]

Trung Khánh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news