Tin mới

Mỹ và đại kế hoạch đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ sáu, 04/03/2016, 10:48 (GMT+7)

Với những động thái liên tiếp gần đây, tạp chí The Diplomat của Nhật Bản đặt ra nghi vấn rằng, dường như Mỹ đang xây dựng một liên minh để duy trì trật tự và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Với những động thái liên tiếp gần đây, tạp chí The Diplomat của Nhật Bản đặt ra nghi vấn rằng, dường như Mỹ đang xây dựng một liên minh để duy trì trật tự và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Điểm đáng lưu ý trong tuần qua ở Biển Đông là việc Trung Quốc điều tàu đến bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và xua đuổi các ngư dân Philippines đang hoạt động ở ngư trường gần đó.

Hành động mới nhất này của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh điều chiến đấu cơ J-11 và hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các động thái liên tiếp của Trung Quốc diễn ra sau cuộc gặp cấp cao giữa các lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Mỹ.

Hôm 2/3, xuất hiện hai báo cáo tiết lộ về một liên minh cùng mạng lưới các cường quốc châu Á đang lớn dần để đối phó với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các vùng biển châu Á, đặc biệt là Biển Đông. Điểm trùng hợp là, cả hai báo cáo này đều xuất phát từ bình luận và quan sát của Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại một hội nghị an ninh ở New Delhi, Ấn Độ.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Fox News

Trước hết là bài báo được Reuters đăng tải có nhấn mạnh đến việc Ấn Độ, Mỹ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa ba nước ngay trên Biển Đông, ngoài khơi bờ biển phía bắc của Philippines. Mặc dù địa điểm cụ thể chưa được công bố song nhiều khả năng sẽ diễn ra tại vịnh Subic, nơi Mỹ đặt căn cứ hải quân thường trực. Theo thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa Mỹ và Philippines năm 2014, binh lính Mỹ đã được quyền tiếp cận sâu rộng hơn đối với căn cứ này.

Đô đốc Harris đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ với các tranh chấp pháp lý và hàng hải quốc tế nhằm lý giải sự quan tâm của Washington đối với việc New Delhi tham gia tập trận lần này.

"Trong khi một số nước đang tìm cách bắt nạt những quốc gia nhỏ hơn bằng cách dọa nạt, ép buộc thì tôi đặc biệt khâm phục việc Ấn Độ đã giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng của họ tại vùng biển Ấn Độ Dương bằng biện pháp hòa bình", ông Harris nói.

Bản báo cáo thứ hai là trên tờ New York Times, trong đó có nói rằng Đô đốc Harris đã đề cập đến khái niệm an ninh châu Á có tên là Đối thoại An ninh bốn bên (QSD) giữa Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đã bị xem nhẹ và bị lãng quên suốt gần một thập kỷ qua.

Năm 2006, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người có cái nhìn bi quan về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã nhận ra rằng Bắc Kinh là mối đe dọa đối với Nhật Bản và đề xuất QSD như một phương thức để thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì hiện trạng an ninh châu Á. Trung Quốc khi đó cho rằng sáng kiến này của ông Abe là một âm mưu của các nước hòng kiềm chế "sự trỗi dậy hòa bình" của họ. Đặc biệt, Thủ tướng Australia khi đó là Kevin Rudd đã mạo hiểm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và không chú ý đến đề xuất này của Thủ tướng Nhật. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Abe có một năm mờ nhạt trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Thủ tướng.

Hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: CSIS 

Quay trở lại ý kiến gần đây của Đô đốc Harris về một cuộc tập trận chung của Mỹ - Ấn - Nhật trên Biển Đông và nối lại đàm phán bốn bên sau gần một thập kỷ thì rõ ràng, Washington đang muốn tập hợp những quốc gia hàng đầu châu Á để đối phó với Trung Quốc ở vùng biển này. Cuộc tập trận ba bên được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường các hoạt động an ninh đa phương ở Biển Đông.

Cuộc tập trận cũng là một dấu hiệu cho thấy bước tiến mới trong quan hệ giữa Washington, Tokyo và New Delhi những năm qua kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lên năm quyền. Kể từ sau đó, quan hệ ba bên ngày càng được coi trọng hơn trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tháng 10/2015, Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên với Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản trên Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi Washington điều tàu tới tuần tra gần đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Điều này cho thấy Mỹ đang muốn thể hiện vai trò toàn cầu nhiều hơn, đồng thời tăng cường hợp tác với các đồng minh lâu năm.

Việc nhanh chóng đưa Ấn Độ đến tập trận ở Biển Đông chỉ vài tháng sau cuộc tập trận song phương Mỹ - Nhật cho thấy cả Washington và Tokyo đều xem trọng vai trò của Ấn Độ trong khu vực. The Diplomat nhận định, sự quan tâm của Mỹ đối với Ấn Độ về các mặt an ninh hàng hải, tự do hàng hải, hỗ trợ nhân đạo... chẳng khác nào đối với một đồng minh. Chuyến thăm gần đây của Đại sứ Mỹ đến New Delhi cũng cho thấy Washington đánh giá rất cao vai trò của quốc gia này.

Đô đốc Harris nhấn mạnh, QSD sẽ mang lại hiệu quả cao khi mà Nhật Bản và Australia đều là đồng minh của Mỹ, còn Ấn Độ lại là đối tác chiến lược của cả ba nước còn lại.

QSD sẽ tạo ra sự phối hợp lớn hơn nữa, cùng với đó là những cuộc tuần tra đa phương trên Biển Đông, Tây Thái Bình Dương, thậm chí là ở Ấn Độ Dương. Thế giới sẽ chứng kiến sự phối hợp hoàn hảo nhất để đảm bảo an ninh và hiện trạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, điều này chẳng khác nào "nỗi sợ hãi lâu năm trở thành hiện thực", The Diplomat nhận định.

Các tàu thuộc biên chế Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ luôn sẵn sàng tiến sát các đảo mà Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông. Ảnh: US Navy

Một vấn đề nữa là, nếu phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực ở Hague về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc nghiêng về có lợi cho Manila, Mỹ và các đối tác sẽ càng có điều kiện thể hiện nhiều hơn nữa ở Biển Đông nhằm răn đe và đối phó với sự bá quyền của Bắc Kinh.

Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là, nếu những kế hoạch trên của Mỹ đều tiến triển thuận lợi, Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào? Kinh nghiệm cho thấy rằng, nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ lại thể hiện sự bất bình, lớn tiếng chỉ trích Mỹ và các nước khác quân sự hóa, làm mất ổn định trên Biển Đông.

Một thách thức Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay là chưa bao giờ, việc hợp tác đa phương giữa Mỹ với các nước châu Á lại diễn ra rầm rộ như hiện nay: Mỹ - Nhật Bản, Ấn Độ; Mỹ - Nhật Bản - Australia; Mỹ - Nhật Bản - Philippines; Mỹ - ASEAN; Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia.

Mỹ sẽ thể hiện vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của họ tại các vùng biển châu Á theo đúng chiến lược xoay trục mà họ đang theo đuổi. Vì các đồng minh châu Á và vì một Trung Quốc đang trỗi dậy với nhiều mối đe dọa, Washington chắc chắn sẽ không ngồi yên nhìn Bắc Kinh "mặc sức tung hoành".

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news