Tin mới

Tay không bắt cướp tiệm vàng mang súng: Dũng cảm hay dại dột?

Thứ bảy, 04/07/2015, 10:36 (GMT+7)

Phải xử lý như thế nào khi đối mặt với những tên trộm, cướp, nhất là khi chúng đang có hung khí trên tay như dao, súng, lựu đạn? Đây là trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra trong đời sống với bất kỳ ai, nên việc trang bị những kỹ năng xử lý tình huống là rất cần thiết.

Phải xử lý như thế nào khi đối mặt với những tên trộm, cướp, nhất là khi chúng đang có hung khí trên tay như dao, súng, lựu đạn? Đây là trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra trong đời sống với bất kỳ ai, nên việc trang bị những kỹ năng xử lý tình huống là rất cần thiết.

Vụ cướp tiệm vàng táo bạo xảy ra vào khoảng 13h chiều 2/7, tại tiệm vàng Tấn Phước (số 153 đường Đặng Thúc Vịnh, ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) gây xôn xao dư luận.

Điều đáng nói là người dân đã bất chấp nguy hiểm, xông vào đánh bắt tên cướp khi y đang cầm súng lăm lăm trên tay. Rất may không có thương vong xảy ra, tên cướp bị bắt quả tang và giải đến cơ quan công an để xử lý.

Xung quanh sự việc trên, có nhiều luồng ý kiến đánh giá về hiện tượng người dân đối mặt với tội phạm là nên hay không nên. Đối mặt với các tình huống nguy hiểm này cần phải có cách ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Tiệm vàng nơi xảy ra vụ việc và đối tượng cướp tiệm vàng tại cơ quan công an.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Trung tá- Ths. Đào Trung Hiếu (nguyên Đội phó, Điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS- CATP Hà Nội) nêu ý kiến: Việc người dân dũng cảm tham gia đánh bắt tội phạm là một việc làm đáng biểu dương và ghi nhận. Ở nước ta, pháp luật quy định trách nhiệm của toàn xã hội (trong đó có công dân) trong việc phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống..

“Tôi đánh giá cao ý thức công dân của những người dân đã bất chấp nguy hiểm bắt gọn tên tội phạm trong sự việc nói trên. Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật, thì cách làm của bà con trong tình huống trên chứa đựng yếu tố mạo hiểm” – Trung tá Hiếu nói.

Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích, tâm lý tội phạm luôn thường trực một nỗi sợ. Đó là sợ bị phát hiện, sợ bị bắt, bị đi tù, tức là sợ bị trừng phạt bởi hành vi phạm tội của mình. Từ nỗi sợ bên trong, sẽ hiện ra bên ngoài bằng hành vi. Đó là những phản ứng chống cự rất manh động, quyết liệt…nếu chúng thấy khả năng bị tấn công, bắt giữ đang hiện hữu. Việc chúng phản ứng lại hành động bắt giữ, là nhằm chạy thoát thân. Mục đích của những tên trộm hay cướp, trước tiên là tài sản. Đó là thứ chúng hướng đến khi thực hiện tội phạm. Chúng cũng nhận thức được việc giết người sẽ phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc nhất, nên trong thâm tâm, nhiều tên không muốn chuyện này xảy ra. Với chúng, chỉ có một mục tiêu là lấy được tài sản và rời đi an toàn. Tuy nhiên, khi bị quần chúng vây bắt, trước sự thúc đẩy của nỗi sợ bên trong, chúng sẵn sàng làm những việc chúng cho là cần thiết để bảo đảm an toàn cho mình mà không kịp nghĩ đến hậu quả.

“Tên cướp trong ví dụ trên, hoàn toàn có thể nổ súng bắn vào người đang xông đến để bắt giữ hắn” – Trung tá nói.

“Đừng tự biến mình thành ‘mồi’ của những tên tội phạm”

Liên quan đến vụ việc, để có những ứng xử thế nào trong những tình huống hiểm nghèo khi đối diện với tội phạm, Trung tá Hiếu tư vấn: “Lời khuyên đầu tiên để tự bảo vệ mình trước tội phạm, là đừng tự biến mình thành “mồi” của chúng. Ý thức cảnh giác và làm chủ các kỹ năng phòng chống tội phạm là thứ luôn phải thường trực trong đầu. Trong tình huống nêu trên, cần xác định mạng sống con người mới là vốn quý, vì chỉ có một lần. Tài sản nếu mất có thể làm lại được. Vì vậy, không vì luyến tiếc tài sản mà dẫn đến những phản ứng manh động, làm đối tượng bị kích động dẫn đến hành vi chống trả nguy hiểm.

Trung tá- Ths. Đào Trung Hiếu

Cũng theo Trung tá, trong mọi tình huống trước khi quyết định có xông vào đánh bắt hay không, cần quan sát và đánh giá ngay các yếu tố, như tương quan lực lượng giữa các bên, điều kiện hoàn cảnh nơi xảy ra sự việc. Nghĩa là phải tính toán nhanh xem bên tội phạm có mấy đối tượng, chúng dùng hung khí gì, là dao hay súng, có lựu đạn không? đối tượng có đang khống chế con tin bên trong không? bên mình (người dân) có bao nhiêu người, có vũ khí gì, thời điểm xảy ra sự việc vào ban ngày hay đêm tối, điều kiện ánh sáng quan sát có thuận lợi không, nơi xảy ra trong làng xóm, khu phố hay ngoài đường, có gần cơ quan Công an không?.

Nếu thấy lực lượng bên mình áp đảo, đối tượng không có vũ khí nóng (súng, lựu đạn) thì mới lên tìm cách gọi hàng hoặc bất ngờ tấn công đánh bắt. Còn nếu lực lượng hai bên tương đương, đối tượng có súng, lựu đạn, hoặc đang khống chế con tin… thì tuyệt đối không manh động xông vào, sẽ rất nguy hiểm. Trong mọi tình huống, người dân cần dùng điện thoại chụp ảnh đối tượng, ghi nhớ các đặc điểm như: số lượng đối tượng, giới tính, độ tuổi, chiều cao, màu da, tiếng nói, đầu tóc, đặc điểm trên mặt, quần áo giày dép mang trên người, hung khí và phương tiện đem theo (mũ, ba lô, túi xách, xe máy – BKS xe…).

“Nếu không thể bắt đối tượng ngay, người dân cần gọi điện báo ngay cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xuống hiện trường tổ chức bao vây, đánh bắt. Nếu đối tượng đã bỏ chạy, người dân cần báo cho Công an về hướng tẩu thoát để tổ chức đón lõng, chặn bắt. Nếu có thể thì khéo léo bám theo sau đối tượng, nhưng cần phải giữ khoảng cách an toàn. Khi gặp các chốt kiểm soát giao thông trên đường, cần trình báo ngay để lực lượng chức năng tại chỗ chặn bắt”  – Trung tá Hiếu tư vấn.

Được biết, với gần 20 năm kinh nghiệm thực tiễn công tác trong lĩnh vực điều tra trọng án, điều tra tội phạm công nghệ cao, Trung tá- Ths. Đào Trung Hiếu hiện đang viết cuốn sách “Mẹo thoát hiểm”, cung cấp những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình trong các tình huống hiểm nghèo và cách xử lý các tình huống phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự trong đời sống”.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news