Tin mới

Đau đớn bán thận chui: Nhận tiền, mất mạng

Thứ hai, 28/04/2014, 08:30 (GMT+7)

“Nạn mua bán thận trái phép đang rất nhức nhối. Chính tôi trong thời gian công tác tại bệnh viện cũng chứng kiến và nhận được nhiều cuộc điện thoại mời mua thận.”, GS.BS Trần Ngọc Sinh, Khoa Thận - tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM kể.

“Nạn mua bán thận trái phép đang rất nhức nhối. Chính tôi trong thời gian công tác tại bệnh viện cũng chứng kiến và nhận được nhiều cuộc điện thoại mời mua thận.”, GS.BS Trần Ngọc Sinh, Khoa Thận - tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM kể.

Các kiểu mua bán thận trá hình

Mua bán thận, phủ tạng người hiện bị nghiêm cấm tại Việt Nam; việc hiến thận trong y học xuất phát từ lòng nhân đạo, không vụ lợi.

Thận để ghép cho người bệnh có từ các nguồn: người cho sống (người thân trong gia đình và người xa lạ), người cho chết não, hoặc buôn bán trái phép.

Nạn nhân mua bán thận chui ở Cần Thơ. Ảnh: NLĐ

Nguồn thận tại Việt Nam 99% từ người cho sống, chỉ đáp ứng được rất ít so với nhu cầu của người chờ ghép thận.

Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, danh sách bệnh nhân đang chờ thận để ghép lên tới 200 người.

“Chính vì nhu cầu bức thiết như trên, phát sinh tình trạng săn tìm thận từ nguồn không chính thống. Tất nhiên việc làm đó vô cùng tai hại, không chỉ là vấn đề kiện tụng rắc rối mà kẻ trong cuộc còn phải trả giá bằng chính tính mạng của mình”, bác sĩ Sinh nói.

Bác sĩ Sinh không thể quên được một trường hợp là nạn nhân của việc mua bán thận chui.

Cậu sinh viên tên L. đi bán thận cho một bệnh nhân người Việt Nam. Cả hai người ra nước ngoài để thực hiện phẫu thuật.

Sau đó, L. về Việt Nam và bị biến chứng nặng, phải nhập Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng chàng trai trẻ rơi vào hôn mê, mất tri giác, sống đời sống thực vật, rồi…tử vong.

Giá bán một quả thận chỉ vài ngàn đô la Mỹ nhưng L. đã đánh đổi cả cuộc sống của mình.

Một trường hợp mua bán thận được dàn dựng vô cùng tinh vi, lên tới tận bàn mổ nhưng được các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện và ngưng lại kịp thời.

Chuyện xảy ra cách đây không lâu. Một người Việt Nam qua Mỹ định cư và bị suy thận. Anh này quay trở về Việt Nam, tìm lại lối xóm, gạ mua một quả thận của cô gái trẻ với giá 3.000 đô la Mỹ.

Cô gái bằng lòng, họ đã mua chuộc được một tờ giấy chứng nhận địa phương là có quan hệ họ hàng để được Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật.

Khi người cho thận được đưa vào phòng mổ, vừa gây mê xong thì có điện thoại báo bà mẹ của cô gái phản đối.

Bà này cho biết cô gái kia dại dột đi bán thận chứ không hề có mối quan hệ huyết thống nào với tay Việt kiều Mỹ. Thế là mọi chuyện vỡ lở.

Điều bác sĩ Sinh nhấn mạnh, quy định của pháp luật vẫn còn quá nhiều kẽ hở. Nếu chỉ căn cứ vào tờ giấy có xác nhận địa phương chứng minh quan hệ họ hàng thì rất nhiều đối tượng mua bán thận có thể ngụy tạo được.

Chính vì thế, để quyết định có thực hiện một ca ghép thận hay không, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài những giấy tờ, xét nghiệm theo quy định, bác sĩ Sinh phải trực tiếp sàng lọc, điều tra cả người cho và người nhận thận.

Xét nghiệm sơ sài, có thể…chết

Bác sĩ Sinh cho rằng một ca ghép thận muốn thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Chỉ cần một yếu tố không tương thích thì hậu quả xảy ra chỉ có thể là cái chết.

Một bệnh nhân đang được điều trị  suy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Thanh Huyền.

Theo quy trình một ca ghép thận, trước tiên phải có người cho thận đi cùng với bệnh nhân để cả hai được tư vấn kỹ càng.

Người nhận không nên quá 60 tuổi, và sau khi ghép tiên lượng sống ít nhất phải trên 5 năm.

Người nhận thận nếu có bệnh truyền nhiễm phải chữa cho khỏi hẳn trước khi ghép thận.

Khi làm các xét nghiệm thử tính tương thích, miễn dịch học, cả người cho lẫn người nhận thận phải đáp ứng được khoảng 50 tiêu chuẩn .

Để trải qua tất cả các xét nghiệm này mất khoảng 1 tháng rưỡi.

Nếu thận từ người cho chết não, người nhận thận nằm trong danh sách chờ. Lúc có thận sẽ thử cấp tốc, bệnh nhân nào tương thích thì được chọn.

Thông thường, trong quá trình thử giữa người cho và người nhận thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ 5 cặp chỉ có 1 cặp phù hợp.

Ngoài ra, người cho thận phải lớn hơn 18 tuổi và không quá 60 tuổi. Tất nhiên người cho thận cũng không được mắc bệnh truyền nhiễm.

2 quả thận của người cho phải bình thường, để chắc chắn khi còn một quả thận chất lượng cuộc sống không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, khi mổ thận chui ở bên ngoài, các xét nghiệm được làm rất sơ sài, chỉ trong một ngày là hoàn tất.

Đó là lý do tại sao tỷ lệ tai biến của việc mua bán thận chui rất cao.

“Như trường hợp của anh sinh viên tên L. mà tôi vừa kể. Anh ta bị rối loạn đông máu nhưng không phát hiện ra. Ca mổ đã phải lặp đi lặp lại tới 5 lần khiến nạn nhân mất mạng.”, bác sĩ Sinh nói.

Để tránh tình trạng mua bán thận chui xảy ra, bác sĩ Sinh cho rằng phải có lối thoát cho nguồn cung ứng thận.

Việc cho thận chỉ có thể xuất phát từ lòng nhân đạo thuần túy.

Ở một số nước, trên bằng lái xe của họ có thể hiện luôn thông tin, chẳng may tai nạn xảy ra chủ phương tiện có đồng ý hiến thận hay một phần cơ thể cho y học hay không. Vì khi đó cái chết của anh ta không hề vô nghĩa bởi nó đem lại cuộc sống cho người khác.

Tất nhiên, thực hiện được điều này không phải dễ, còn tùy thuộc vào suy nghĩ, tập quán của từng quốc gia.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news