Tin mới

Dấu tích kho báu bị chôn vùi của “vua” Gia Long Vần Thùng

Thứ tư, 19/03/2014, 08:34 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trong các miền đất biên viễn, Hà\nGiang "nổi lên” ba nơi liên quan đến rồng, với những chuyện kỳ bí, cần sự\nvào cuộc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong đó có khu mộ giả\nVua Gia Long – Hoàng Vần Thùng của người La Chí.

 

 

 

 

 

 

 

(Tinmoi.vn) Trong các miền đất biên viễn, Hà Giang "nổi lên” ba nơi liên quan đến rồng, với những chuyện kỳ bí, cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong đó có khu mộ giả Vua Gia Long – Hoàng Vần Thùng của người La Chí. Có nhiều giả thuyết được đưa ra và theo quan niệm của một số người thì đây là một "Tần Thủy Hoàng” của người La Chí.

Người La Chí trong lễ hội Cù Tê. (ảnh tư liệu).

Người La Chí trong lễ hội Cù Tê. (ảnh tư liệu).

Truyền thuyết từ thuở hồng hoang

Đỉnh núi Gia Long sừng sững như một nóc nhà khổng lồ ở nơi tận cùng cực Bắc Tổ quốc. Tên núi giống với tên của một ông vua người La Chí. Ngôi mộ thiêng của ông nằm giữa rừng cấm, được bảo vệ bằng đức tin và những truyền thuyết từ ngàn đời...

B bếp lửa, người La Chí hào hứng kể cho chúng tôi về vị vua của họ, vị vua linh thiêng và kho báu trong truyền thuyết của người La Chí.

Những người già trong cộng đồng người La Chí ở Bản Díu chính là những pho sử sống, nắm giữ câu chuyện về truyền thuyết đuôi chồn của vùng đất Pả Vầy Sủ. Theo lời dịch của anh Nông Hữu Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Díu, phụ trách mảng văn hóa cho biết, truyền thuyết của người La Chí kể lại rằng, mảnh đất hình con chồn là nơi trời đất giao hòa, long chầu hổ phục. Trên có núi non trùng điệp, dưới có sông Trắng và sông Chảy uốn khúc lượn quanh. Đây là món quà vô giá của trời đất ban tặng. Trong tâm trí của người La Chí thì đây chính là mảnh đất mang đến điềm lành, sự ấm no cho con cháu người La Chí sau này.

Trên mảnh đất thiêng này của người La Chí đã từng xuất hiện một ông vua kiệt xuất. Từ khi vùng núi này còn hoang sơ, thú dữ từng bầy thì người La Chí đã đến định cư. Thuở hồng hoang ấy, dân La Chí khổ, sống chỉ dựa vào núi vào rừng và luôn bị mãnh thú tấn công, đe dọa. Người La Chí trong nỗi thống khổ chỉ biết kêu trời. Bỗng một ngày, không biết từ đâu, một chàng trai to khỏe, da đỏ hồng, khỏe mạnh vô cùng, khuôn mặt vuông vức có tên là Hoàng Vần Thùng xuất hiện. Bước chân của chàng trai ấy như lướt trên mặt đất, đi không tiếng động, giọng nói vang vọng nơi núi rừng. Mỗi khi chàng trai nói, ngay cả thú dữ đến chim chóc trong rừng cũng lắng nghe. Chàng trai Vần Thùng giỏi săn bắn lại biết dạy dân làm ruộng bậc thang, biết chặn suối đưa nước về đồng, biết dạy dân trồng cây bông lấy vải. Từ ngày dân bản có chàng trai Vần Thùng, mọi người sống đầm ấm yên vui.

Dân bản đang sống hoan ca trong cuộc sống thanh bình thì bỗng một ngày, giặc giã kéo đến giết người, cướp ngô, cướp gạo. Chàng trai Vần Thùng đã tập hợp trai tráng trong vùng, thành lập một đội quân đánh đuổi giặc đến tận Pa Lung. Dẹp yên giặc, Vần Thùng đưa đội quân chiến thắng trở về núi Rồng để lập nghiệp đế vương.

Nể phục tài năng của Vần Thùng, người La Chí đã tôn chàng trai lên làm vua. Vần Thùng lấy hiệu là Gia Long và đặt luôn ngọn núi Rồng là núi Gia Long. Người La Chí luôn tâm niệm, “vua” Gia Long là người nhà trời phái xuống giúp dân, để vùng biên viễn này muôn đời không còn giặc giã. Hiện người La Chí ở Bản Díu vẫn thờ “vua” Gia Long. Đó là một ngôi mộ to hơn cả gian nhà nằm trên đỉnh rừng ma của người La Chí. Anh Chi cho biết, ngôi mộ ấy đã có từ rất lâu đời. Từ xưa tới nay, khu rừng nơi “vua” an nghỉ, dân bản không ai dám đốn chặt cây cối hay săn bắn thú rừng.

Ngay phía dưới ngôi mộ ấy có ngôi miếu thờ được cho là rất linh thiêng. Anh Chi cho biết, những người cao tuổi kể lại, trước đây, tại ngôi miếu ấy có tượng thờ nhưng trong chiến tranh biên giới, pho tượng cổ ấy đã bị đem đi mất. Rừng ấy, người La Chí gọi là rừng cấm.

Bên bếp lửa nghe câu chuyện về “vua” Gia Long.

Bên bếp lửa nghe câu chuyện về “vua” Gia Long.

Kho báu nơi rẻo cao

Điều thú vị nhất trong những câu chuyện được anh Nông Hữu Chi dịch lại cho chúng tôi nghe đó chính là câu chuyện truyền thuyết về kho báu của vua Hoàng Vần Thùng để lại. Suốt chiều dài của dãy Tây Côn Lĩnh, phần cao nhất, núi non trùng điệp được người La Chí nơi đây đặt tên là núi Gia Long. Trong truyền thuyết kể lại rằng, khi Hoàng Vần Thùng chết đi, thân thể vị vua này biến thành một dãy núi đất trùng trùng điệp điệp, các bản làng La Chí quần sinh tụ cùng nhau. Từ khắp triền núi Gia Long, từ bản Díu, bản Phùng, bản Máy và bản Pắng, tất cả đều là những người anh em La Chí được sinh ra từ thân thể Hoàng Vần Thùng khi mất đi.

Từ câu chuyện này, người La Chí đâu đâu cũng coi mình là người ruột thịt, dù ở các bản làng khác nhau. Ngay từ lúc Bình Minh đến lúc hoàng hôn, người La Chí đều có thể đứng trên rẻo cao để ngắm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tổ tiên mình. Các thế hệ con cháu người La Chí đều được giáo dục như thế, họ đều yêu quê hương đất nước và quyết tâm xây dựng bản làng mình ngày càng ấm no hơn.

Trở lại câu chuyện của “vua” Gia Long Vần Thùng, truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia, "vua" Gia Long Vần Thùng cai quản cả một vùng La Chí rộng lớn. Núi đất, ruộng bậc thang nhiều, trâu bò đông đúc, gà vịt chạy khắp ruộng, sông suối, thú hoang đầy trong rừng. “Vua” có 5 bà vợ cùng 5 người con trai thông minh, tài giỏi. Dinh thự của ông được xây dựng bằng đá, có tường thành bảo vệ, nằm trên đỉnh núi Gia Long, là nơi cao nhất, là trung tâm nơi ở của người La Chí, nơi ấy là chốn tiên cảnh. 5 người con sống với 5 người mẹ và được "vua" giao cho cai quản vùng đất mình sống. Thỉnh thoảng "vua" lại đi thăm vợ và ngắm cảnh, vui thú. Mỗi bà vợ đều có dinh thự riêng và quản lý dân cư trong vùng.

“Vua” sống được 100 tuổi thì đổ bệnh. Bao nhiêu thuốc quý ở khắp nơi cung tiến cũng không chữa được bệnh hiểm nghèo. Biết mình không thể qua khỏi, "vua" gọi các con lại và dặn dò: “Ta có rất nhiều vàng bạc, của cải để trong kho. Ta muốn mang về thế giới bên kia tiêu xài, nên khi ta chết đi, các con phải đem kho báu chôn với ta, nhưng phải bí mật, không được để kẻ khác biết”.

Khi "vua" chết, 5 người con liền huy động quân lính đào mộ chôn “vua” cùng của cải. Mọi việc diễn ra rất bí mật, không người dân nào biết. Để của cải và thi thể “vua” an toàn, quân lính đã đào đắp hàng ngàn ngôi mộ, trên khắp bản làng của người La Chí, dọc núi Gia Long. Như vậy, của cải trong kho báu của vua La Chí sẽ không kẻ nào tìm thấy được.

Sau khi chôn vua, mộ giả được đắp khắp vùng và những người đi đắp mộ được mở tiệc tại dinh thự của “vua”. Đồ ăn đã được những người đầu bếp chuẩn bị sẵn. Đám quân lính và các con của “vua” đã giết chết 2 đầu bếp để thông tin không lộ ra ngoài. Tuy nhiên khi ăn tiệc xong thì đám quân lính và các con “vua” cũng chết vì trúng độc. Thì ra 2 người đầu bếp đã bỏ độc vào thức ăn hòng chiếm đoạt kho báu vì họ đã biết nơi cất giấu kho báu.

Kể từ đó thông tin về kho báu của ông vua La Chí đã hoàn toàn biến mất, kho báu đã vĩnh viễn nằm lại nơi rẻo cao của người La Chí. Tuy nhiên, cũng có ý kiến của các cụ già La Chí ở bản Díu Thượng lại cho rằng, không có vàng bạc, kho báu nào cả, chỉ đơn giản là "vua" không muốn cho con cháu đời sau biết nơi "vua" nằm để khai quật, nên trước khi chết, ông cho quân lính đắp thật nhiều mộ giả. Ông chết đi rồi, quân lính đem chôn ở ngôi mộ nào đó thật bí mật, không ai biết.

Tất cả những địa điểm ông từng ở, hiện tại đều có miếu thờ và vẫn còn vài ngôi mộ giả ở xung quanh. Các cán bộ xã, các cụ già trong bản đều không thể lý giải được vì sao những mô đất như những ngôi mộ này, qua mấy trăm năm mưa nắng mà không bị mài mòn. Trong khi những nấm mộ của nhân dân ở cạnh, đắp lên, chỉ qua vài năm mưa nắng đều bị xói mòn. Và hơn hết những nơi xung quanh mộ vua, những truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại mà không ai dám xâm phạm. 

Trên địa bàn huyện Xín Mần, núi Gia Long là một trong những ngọn núi được người La Chí coi trọng nhất. Vì trên ngọn núi này, ngoài ngôi mộ cổ, rất thiêng, nghi là nơi an táng của ”vua” Gia Long Vần Thùng, còn có một loạt các ngôi mộ cổ khác, giống hệt nhau, kéo dài từ bản Díu sang bản Phùng. Anh Nông Hữu Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Díu cho biết, chủ trương của tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng khu lăng mộ Hoàng Vần Thùng tại xã Bản Díu (huyện Xín Mần) và lễ hội Cù Tê của người La Chí (lễ hội gắn liền với truyền thuyết “vua” Gia Long) thành khu du lịch tâm linh của tỉnh Hà Giang.   

Lại Cường – Linh Sang

Dấu tích kho báu bị chôn vùi của “vua” Gia Long Vần Thùng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news