Tin mới

ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói gì về quy định "không quay phim cán bộ tiếp dân khi chưa được đồng ý"?

Thứ ba, 08/01/2019, 09:47 (GMT+7)

Xung quanh vấn đề Hà Nội cấm ghi hình cán bộ tiếp dân nếu không được phép đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, mọi người không nên phản ứng đối với TP Hà Nội cũng như nói việc ban hành nội quy này là vi phạm pháp luật.

Xung quanh vấn đề Hà Nội cấm ghi hình cán bộ tiếp dân nếu không được phép đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, mọi người không nên phản ứng đối với TP Hà Nội cũng như nói việc ban hành nội quy này là vi phạm pháp luật.

Trụ sở tiếp công dân Hà Nội. Ảnh: Trí thức trẻ

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản quyết định ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố.

Ngoài các quy định chung thì nội quy cũng ghi rõ: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên VTC News, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương - Nguyễn Hồng Điệp cho biết quy chế này đã có từ lâu và được Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành đối với Trụ sở tiếp dân Trung ương.

“Không phải cứ ghi âm, ghi hình thì mới giám sát được, điều quan trọng nhất là thái độ cư xử đúng mực của cán bộ, công chức khi làm việc với người dân", ông Điệp cho hay.

Ông Điệp cũng khẳng định các cơ quan chức năng, chính quyền đều mong muốn để cho người dân giám sát, xem cán bộ tiếp dân thế nào và nếu người dân giám sát được thì rất tốt.

"Nhưng cũng có những người vì bức xúc quá nên tới trụ sở tiếp dân lại quay trực tiếp trên mạng xã hội rồi có những lời lẽ, bình luận không đúng mực, lăng mạ cán bộ tiếp dân. Bên cạnh đó, một số người không quay phim chụp ảnh để giám sát mà mang động cơ, mục đích khác.

Do vậy, ở đây làm việc tại trụ sở phải có quy chế cụ thể và Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định ban hành nội quy đó là theo đúng thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan nên không sai", ông Điệp nói.

Trước những luồng ý kiến trái chiều, trao đổi với PV Trí thức trẻ vào sáng 8/1, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, ông đã đọc quy định trên và thấy rằng, mọi người không nên phản ứng đối với TP Hà Nội cũng như nói việc ban hành nội quy này là vi phạm pháp luật.

ĐB Nhưỡng giải thích, trong quy định của Hà Nội cần hiểu rõ, không phải khi cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

Quy định nội quy của TP.Hà Nội này tạo quyền chủ động cho công chức quyết định. Cụ thể, nếu cán bộ tiếp công dân đó đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.

"Quy định này của Hà Nội không vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Bởi Hà Nội không cấm mà chỉ nêu khi cán bộ tiếp dân chưa đồng ý thì người dân không được quay, chụp, ghi âm.

Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng có người dân quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân", ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo ông Nhưỡng, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. Khi quay phim, chụp ảnh đối với không ít cán bộ tiếp công dân họ cảm thấy bị phân tâm, làm việc khó.

Tuy nhiên, cũng có người cảm thấy bình thường. Với quy định nêu trên thì việc công dân được quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tiếp công dân tại đó.

"Trong nội quy tiếp công dân của Hà Nội không cấm quyền của báo chí nên người dân có thể phối hợp với cơ quan báo chí hoặc cơ quan khác để ghi âm, ghi hình, chụp ảnh theo đúng quy định của pháp luật", ông Nhưỡng nói và chia sẻ thêm về việc bản thân khi tiếp công dân, nếu ai đó muốn xin quay phim, ghi âm, chụp ảnh, ông sẵn sàng đồng ý để họ thoải mái làm.

Theo quan điểm ông, khi công dân đã quay phim, ghi âm thì mình càng làm việc cẩn thận hơn và mình làm việc đúng quy định của pháp luật, động cơ trong sáng, không có gì khuất tất thì không ngại chuyện ai đó chụp ảnh, quay phim hay ghi âm.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện QH cũng nhìn nhận, đối với cán bộ tiếp công dân thường là những người có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, vững về chuyên môn nên không phải ngại cuộc làm việc với người dân đã bị ghi âm, ghi hình.

"Người dân đến làm việc cứ để họ chụp ảnh, quay phim, ghi âm, nhưng phải giữ trật tự, không lộn xộn gây ảnh hưởng đến việc tiếp công dân. Đối với người dân, sau khi làm việc có đoạn ghi âm hay clip có thể làm họ yên tâm hơn, bởi đó còn là căn cứ trong quá trình giải quyết vấn đề của mình", ĐB Nhưỡng chia sẻ.

Đức Hoà (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news