Tin mới

ĐB Quốc hội sửng sốt khi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung dã man

Thứ sáu, 25/03/2016, 20:13 (GMT+7)

Nhiều đại biểu Quốc hội hết sức bất bình khi nghe tin nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động bị 3 đối tượng lạ mặt hành hung. ĐBQH đặt câu hỏi: Ai còn dám phản ánh tiêu cực?

Nhiều đại biểu Quốc hội hết sức bất bình khi nghe tin nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động bị 3 đối tượng lạ mặt hành hung. ĐBQH đặt câu hỏi: Ai còn dám phản ánh tiêu cực?

Nhà báo phải được cả xã hội bảo vệ

Sự việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một cây bút xuất sắc chuyên viết mảng phóng sự điều tra của báo Lao Động vừa bị hành hung bởi 3 đối tượng lạ mặt đang khiến dư luận xã hội hết sức bất bình.

Nhiều người đã đặt dấu hỏi hoài nghi, anh Hoàng bị trả thù có chủ đích vì thời gian qua, anh đã tham gia điều tra và đưa một số vụ việc tiêu cực ra trước ánh sáng dư luận.
Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, sáng 25/3, nhiều đại biểu sững sờ và vô cùng bất bình khi nghe thông tin này.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo phản đối hành động côn đồ khi hành hung nhà báo.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) khẳng định với phóng viên báo Người Đưa Tin: “Tôi hoàn toàn phản đối việc hành hung nhà báo nói riêng và hành hung người dân nói chung, cũng như những người làm nghề khác trong xã hội. Đó là những hành động côn đồ, rất đáng phản đối.

Tôi cũng rất ủng hộ việc điều tra để tìm ra những kẻ hành hung, xử lý thật nghiêm trước pháp luật. Không phải chỉ với tư cách là đại biểu Quốc hội mà tôi cho rằng, chỉ là một người dân bình thường cũng cần có thái độ nghiêm túc với những sự việc như thế này”.

Lý giải cho thái độ gay gắt của mình, vị đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Phúc cho rằng: “Những người làm báo chân chính là những người dám phản ánh thực tế của đời sống xã hội, nhất là những việc tiêu cực gây ảnh hưởng đến người dân, đến môi trường, xã hội ra trước công luận.

Họ bị các đối tượng hành hung, đe dọa thì tôi đề nghị, không những Công an Hà Nội mà cả xã hội phải vào cuộc để phản đối.

Ai sẽ còn dám đi phản ánh tiêu cực nữa? Do vậy, không những các cơ quan bảo vệ pháp luật mà bản thân người dân cũng phải tích cực ủng hộ.

Mỗi người dân bình thường phát hiện ra những sự việc như thế này đều cần có trách nhiệm tố cáo ra trước pháp luật. Mỗi người dân cần đứng về phía những người phản ánh chân thực, mang lại tác dụng cho sự phát triển của xã hội nói chung.

Tôi nhấn mạnh lại, không chỉ đại biểu Quốc hội hay bất cứ cơ quan nào mà tất cả mọi người dân đều phải vào cuộc và lên tiếng. Nhà báo là người nói lên tiếng nói của người dân, dám chống tiêu cực vì người dân thì đương nhiên phải được cả xã hội bảo vệ”.

Cũng theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo: “Không những trong sự việc này mà kể cả trong rất nhiều sự việc khác, chế tài xử phạt của chúng ta đôi khi còn quá nhẹ. Ngoài hành vi hành hung thì kể cả những hành vi như buôn lậu, làm chất độc hại trong chăn nuôi… gây hậu quả lớn, ảnh hưởng đến xã hội, chúng ta cũng cần điều chỉnh lại. Phải nghiêm trị hơn, tăng tính răn đe, không cứ trường hợp nào.

Với trường hợp hành hung nhà báo, nếu không có chế tài xử lý nghiêm thì nó vẫn sẽ diễn ra.

Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi, nếu một người dân bình thường đứng ra tố cáo tiêu cực thì sẽ ra sao khi họ bị đánh, bị hành hung, ai sẽ bảo vệ họ?

Do đó, tôi cho rằng cần xem xét lại chế tài, những quy định rất cụ thể của luật pháp để tiến tới, không chỉ người thi hành công vụ mà kể cả người dân bình thường bị hành hung khi lên tiếng chống tiêu cực cũng sẽ được bảo vệ.

Những người làm pháp luật, làm quản lý phải đưa ra được những biện pháp hữu hiệu, bảo vệ từ nhà báo đến những người dân bình thường nếu họ dám đứng ra tố cáo, phản ánh tiêu cực. Như thế mới có tác dụng chống tiêu cực thực sự”.

ĐB Bùi Thị An tin tưởng Công an Hà Nội sẽ bắt được hung thủ và xử lý nghiêm.

Không chỉ là vấn đề của một nhà báo mà là vấn đề của những người làm báo

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) giật mình trước thông tin này khi phóng viên báo Người Đưa Tin đặt vấn đề xin phỏng vấn. Bà hỏi dồn dập một cách đầy lo lắng: “Anh nhà báo bị đánh ở đâu? Có bắt được hung thủ chưa?”. Rồi chưa kịp để phóng viên hỏi câu tiếp theo, ĐB Bùi Thị An khẳng khái nói: “Chắc chắn công an sẽ bắt được”.

Trước những hành động côn đồ với những người làm báo thời gian qua, ĐB đoàn Hà Nội cho rằng: “Trong luật báo chí sửa đổi, quốc hội đã đề nghị cần phải có một chương riêng với những điều luật cụ thể nhằm bảo vệ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp.
Công an Hà Nội rất giỏi, chắc chắn sẽ bắt được hung thủ và phải xử lý nghiêm khắc. Tôi có niềm tin như vậy. Vì đây không phải vấn đề đơn giản chỉ cá nhân nhà báo Hoàng mà là vấn đề của những người làm báo”.

Sững người lại khá lâu, ĐB Bùi Thị An tiếp tục quan điểm: “Thời gian qua, Công an Hà Nội đã làm nghiêm và những câu chuyện hành hung đã giảm hẳn so với các thành phố khác.

Nhưng thông tin này khiến tôi thấy bức xúc. Hành hung, theo tôi đã là một tội và cần phải xử lý nặng. Nếu qua điều tra thêm những thông tin khác thì có thể xử lý mạnh nhất có thể để răn đe trước toàn xã hội.

Mặc dù luật pháp đã có và quy định rõ nhưng tính khả thi với một số nơi, một số vùng ở một số thời điểm chưa thực sự cao. Nhiều chế tài có thể chưa đủ mạnh để có tính răn đe khiến các đối tượng không sợ và tiếp tục phạm pháp. Tôi hy vọng, chuyện hành hung, cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp sẽ không tiếp diễn nữa”.

Dương Thu (thực hiện)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news