Tin mới

ĐBQH Đặng Thuần Phong: "Sai có quy trình", Cục trưởng Cục NTBD cũng nên từ chức

Thứ năm, 25/05/2017, 09:34 (GMT+7)

Dù Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xin lỗi sau khi cấp phép cho 300 ca khúc "nhạc đỏ", trong đó có cả Quốc ca đã gây ra nhiều tranh cãi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đặng Thuần Phong cho rằng: "Sai có quá trình thì cũng nên từ chức".

Dù Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xin lỗi sau khi cấp phép cho 300 ca khúc "nhạc đỏ", trong đó có cả Quốc ca đã gây ra nhiều tranh cãi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đặng Thuần Phong cho rằng: "Sai có quá trình thì cũng nên từ chức".

Trước việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó có ca khúc Tiến quân ca - quốc ca Việt Nam gây nhiều tranh cãi, Cục trưởng cục này đã xin lỗi khán giả và tự nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu, trí thức cho rằng việc xin lỗi là chưa đủ, tình trạng Cục NTBD cứ “chọc giận” dư luận rồi lại xin lỗi và rút kinh nghiệm trong suốt thời gian dài vừa qua thì Cục trưởng cũng "nên xin lỗi rồi từ chức".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong. Ảnh Internet

Trên Infonet dẫn lời ĐB Đặng Thuần Phong nêu quan điểm: Dù Cục trưởng cục Nghệ thuật (NTBD) biểu diễn đã lên tiếng xin lỗi nhưng ĐB Đặng Thuần Phong đặt câu hỏi “việc xin lỗi này giải quyết được cái gì?”.

ĐB Đặng Thuần Phong nhận cho rằng: “Cục đã làm ra chuyện khiến dư luận xã hội vô cùng bất bình, không tin vào vai trò quản lý của Cục. Cái đó là cái mất rất lớn trong vai trò quản lý Nhà nước của ngành này. Trong khi vấn đề nghệ thuật có bao nhiêu thứ đã có sẵn sao không nâng tầm nó lên mà lại lấy thẩm quyền cấp phép của Cục để khi thì cho bài này, khi thì rút bài kia đi”.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong, việc làm trên thể hiện sự cẩu thả trong vai trò quản lý Nhà nước, khi gây ra những sai lầm khi thì đổ lỗi cho bên dưới tham mưu, làm sai nữa đến phần của lãnh đạo thì đi xin lỗi dư luận, điều đó không thuyết phục. 

 “Sai trầm trọng, sai có quá trình thì cũng nên từ chức. Việc sai liên tục mà đi xin lỗi hoài, vịn vào văn bản này, văn bản kia là khó chấp nhận.

Luật còn có thể chỉnh sửa huống hồ văn bản dưới luật, nếu cứ vin vào đó cho rằng mình đúng, âm thầm làm thay vì phát hiện thấy có vấn đề không hợp lý phải đề xuất tham mưu, chỉnh sửa để nâng tầm quản lý của Bộ, ngành mình lên, chứ cứ đi xin lỗi, cẩu thả liên tục như vậy tôi cho rằng không thuyết phục chút nào', ĐB Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ĐB Phong cũng cho rằng, việc làm này nó thể hiện trách nhiệm không cao, lạm quyền trong thực thi nhiệm vụ của cục NTBD. Dư luận nghe xin lỗi hoài mà không thấy ai chịu trách nhiệm hay bị xử lý, dư luận sẽ không còn niềm tin vào vai trò quản lý Nhà nước của cục này nữa.
 
Đồng quan điểm với Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong, trao đổi trên VTV News, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: "Một số văn bản của mấy cơ quan quản lý văn hóa thời gian gần đây rất  kỳ dị, phản cảm, chứng tỏ những người làm quản lý ngành văn hóa, đưa ra văn bản không có nghiệp vụ, lại thiếu cả sự hiểu biết ở mức tối thiểu".

Trước tình trạng Cục NTBD cứ “chọc giận” dư luận rồi lại xin lỗi và rút kinh nghiệm trong suốt thời gian dài vừa qua, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì Cục trưởng Cục NTBD cũng "nên xin lỗi rồi từ chức".

"Cục NTBD lại là một cơ quan rất quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là cơ quan quản lý văn hóa danh giá nhất của nhà nước, lại có những quyết định gây phản cảm như thế thì làm mất uy tín rất lớn cho Bộ. Người ra văn bản cấp phép phổ biến Quốc ca có lẽ đầu óc có vấn đề không bình thường. Là một người dân, rất yêu Bộ VH-TT-DL, tôi thiết tha mong Bộ chuyển họ sang vị trí khác phù hợp hơn", nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt vấn đề.

Trước đó ngày 19/5, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó chủ yếu là sáng tác nhạc đỏ nổi tiếng như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Ca ngợi Hồ Chí Minh, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Tiến quân ca...

Điều này đã gây nhiều tranh cãi trong công chúng khi cho rằng các ca khúc đã đi vào lịch sử, thậm chí ngay cả ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao mà mới đây mới được cấp phép là vô lý, việc cập nhật vào danh mục phổ biến là không cần thiết, chỉ là “thừa giấy vẽ voi”.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news