Tin mới

Dị nhân mù ngửi mùi có thể đoán bệnh cho gà

Thứ bảy, 22/02/2014, 08:17 (GMT+7)

Hơn 30 năm sống trong bóng tối, người đàn ông Nguyễn Văn Chuyên ở xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội, không đầu hàng số phận. Người đàn ông mù này có biệt tài ngửi gà bắt bệnh. Vì vậy, đàn gà hơn 7000 con một tay anh chăm sóc đã thành trang trại lớn nhất nhì xã.

Hơn 30 năm sống trong bóng tối, người đàn ông Nguyễn Văn Chuyên ở xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội, không đầu hàng số phận. Người đàn ông mù này có biệt tài ngửi gà bắt bệnh. Vì vậy, đàn gà hơn 7000 con một tay anh chăm sóc đã thành trang trại lớn nhất nhì xã.

Ngửi gà là có thể đoán bệnh

Đợt mưa dai dẳng suốt tuần qua làm con đường dẫn vào trang trại gà của anh Chuyên nhớp nháp bùn đất. Mấy lần tôi chực ngã vì trơn và mấp mô toàn gạch, xỉ. Thế mà khi đón tôi, anh Chuyên cứ phăng phăng đi như người mắt sáng, không gậy cũng chẳng cần người dẫn đường. Tôi cứ tròn mắt mà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì người đàn ông đặc biệt ấy.

Đưa tôi vào ngồi ở chiếc chiếu tiếp khách ngoài sân, anh cười xòa, tếu táo: “Chị nhà báo cứ ngồi ở đây đợi tôi một lúc, tôi vào dọn chuồng khoảng 20 phút rồi ra tiếp chị. Khổ lắm, trời mưa ẩm thấp quá, mùi phân gà nồng lên sợ chị không chịu được. Thêm nữa, gà nhà tôi ăn ở sạch lắm,  cứ “bẩn” là phát bệnh luôn”.

 Tôi thấy lạ ở từng cử chỉ, từng hành động của anh đang diễn ra trước mắt! Anh vận một chiếc quần dài, xắn quá đầu gối, mặc chiếc áo lao động cũ mèm rồi lom khom chui vào chuồng gà thật nhanh nhẹn, thật chuyên nghiệp như người nhìn rõ đường. Không lần sờ cửa để vào chuồng gà,  anh Chuyên mở một cách dứt khoát y như đã thuộc lòng từng chỗ, từng đặc điểm của mọi nơi trong cái trang trại anh đang gắn bó. Đàn gà nhìn thấy người chạy toán loạn, dẹp vào một góc. Đôi tay thoăn thoắt của anh làm tôi phải kinh ngạc. Chiếc xẻng đưa lên hạ xuống một cách dứt khoát và đưa phân thải đúng vào chiếc túi dựng ở góc chuồng, chẳng hề vương vãi. Hết chuồng gà này, anh lại tiếp tục những công việc như thế ở chuồng gà khác. Những giọt mồ hôi lưu cữu, đầm đìa trên mặt, trên trán và ướt sũng cả áo anh.



Anh Nguyễn Văn Chuyên

Tôi nhìn anh chăm chú chẳng rời mắt, anh nói đùa: “Bọn gà ở khắp các chuồng thương tôi lắm chị ạ, ít khi phát bệnh,  thấy mình chăm chỉ vệ sinh cho nó nên cũng cứ ngoan ngoãn dẹp vào một bên khi tôi làm việc. Có lần gà, nhiều quá, tôi vô tình giẫm phải một con mà tiếc hùi hụi cho đến mấy hôm sau”.

11 năm nay, anh Chuyên đã cùng ăn ngủ ở trang trại này. Căn nhà ở  góc vườn vừa là nơi anh sinh hoạt hàng ngày, vừa là kho chứa cám bã, thức ăn của gà. Từng ngóc ngách, từng vật dụng ở đâu anh nhớ như in, thuộc như lòng bàn tay. Anh không cần dùng gậy, không cần phải có người ở cạnh để hướng dẫn đường đi lối lại. Nguyễn Văn Chuyên  làm mọi thứ hệt như khi anh còn đôi mắt sáng, từ việc nấu cơm, giặt giũ đến cả việc chăn nuôi gà.

Trang trại ấy anh chung vốn với mấy anh em trong xã. Nó nằm lọt thỏm giữa một khu đất xa khu dân cư. Đây cũng là nơi anh Chuyên dốc hết sức lực để thực hiện mơ ước của mình và cũng là nơi nhen nhóm trong anh tình yêu với cuộc sống.

11 năm về trước, sau khi đi đến các nơi xin học kỹ thuật chăn nuôi gà, anh đã trở về quê hương bắt tay lập nghiệp. Nhớ lại,  trại gà của anh xưa kia chỉ là một góc nhỏ trong vườn nhưng sau khi “được mùa”, anh hùn vốn nhân rộng ra cho đến tận bây giờ. Trại gà của anh lớn nhất bậc nhì trong  xã với hơn 7000 con gà đẻ. Từ sáng đến tối, người ta thấy anh lúi húi với góc riêng tư ấy, tất tả hết pha vắc-xin lại bận bịu với cám bã, dọn dẹp.

Anh bảo, chăm sóc gà không hề đơn giản. Với người mắt sáng đã khó, với bản thân anh – một người không còn khả năng nhìn nữa thì lại càng khó khăn và phải cố gắng gấp bội. Nuôi gà cũng như nuôi một đứa trẻ: từ thủa lọt lòng đến khi trưởng thành phải chăm bẵm từng li từng tí một. Những lúc dịch bệnh rồi trái nắng, trở trời, anh đôn đáo thuốc thang hệt như nuôi con mọn.  Với anh, công việc ấy dường như đã trở thành hơi thở của mình.

Có một điều đặc biệt, từ những kỹ thuật và kinh nghiệm anh đúc rút được trong 11 năm qua đã tạo cho anh một khả năng kì diệu. Chỉ cần đi qua chuồng, ngửi thấy mùi của gà, mùi cám, mùi thức ăn, mùi phân gà là có thể đoán được bệnh của gà đang mắc phải. Anh bảo, con nào có triệu chứng ốm là mùi phân thải ra nồng hơn so với các con bình thường. Sờ vào lớp da dưới lông thấy xù xì, hậu môn có hiện tượng ướt là lập tức điều trị kịp thời. Anh kể trơn tru như một bác sĩ thú y thành thạo trong nghề.

Chàng mù có tài năng đặc biệt

Nguyễn Văn Chuyên sinh ra trong một gia đình có 2 anh em, theo gen của cha nên cả hai đều bị mù từ nhỏ. Bất hạnh của đôi mắt như một sự chuyển tiếp luân hồi từ đời bố anh, giờ đây lại đến lượt anh và cậu em trai Nguyễn Văn Chiêm.

Năm lên 4 tuổi, mọi thứ xung quanh anh cứ mờ dần, mờ dần rồi tắt lịm. Trong kí ức của Chuyên sẽ chẳng bao giờ quên được những ngày tháng khủng khiếp ấy. Cuộc sống của một đứa trẻ lên 4 bắt đầu mò mẫm cho những sinh hoạt hàng ngày với thói quen sống trong bóng tối. Anh tập đi lại, tập làm tất cả mọi việc. Ông trời có luật bù trừ thì phải, số phận cướp đi của anh đôi mắt nhưng lại trả cho anh khả năng đặc biêt về trí nhớ và đôi tai.


Anh Chuyên đang pha thuốc cho gà uống

Trong làng, mọi người gọi anh Chuyên là ông vua về dự đoán bóng đá. Chưa một lần được xem bóng đá bằng chính đôi mắt của mình, chỉ nghe bình luận thôi nhưng tất cả những trận đấu diễn ra trên truyền hình khi hỏi, anh có thể kể vanh vách từng trận.

Thậm chí mấy mùa World Cup anh dự đoán tỉ số “thành thần”.  Nhiều tay mê bóng đá trong làng nhờ anh dự đoán mà có mấy lần thắng đậm, giờ coi anh Chuyên như quân sư quạt mo, họ nể phục tài nghệ của anh. Cả xã Thanh Cao nơi anh đang sống có bao nhiêu ao chuôm, ngóc ngách  anh đều nhớ rõ.  Cũng từng có thời gian anh kiếm kế sinh nhai bằng nghề mò cua, bắt ốc phụ giúp cho gia đình.

Năm 20 tuổi, cái tuổi của thanh niên sức dài vai rộng đã đè nặng lên suy nghĩ của anh. Cuộc sống bao năm qua gắn với con tôm, con ốc vẫn khiến anh sống trong chật vật và cái nghèo đói vẫn bám riết, đeo đẳng. Anh bảo, mình vừa bệnh tật lại nghèo hèn, ai mà dám lấy. Khát khao cháy bỏng được có một cuộc sống bình dị, một tổ ấm giản đơn như bao nhiêu người khác đã nhen nhóm cho anh thêm nghị lực. Anh lọ mọ một mình lên huyện Quốc Oai để theo một khóa học về kỹ thuật chăn nuôi gà bằng chữ nổi. Khóa học kết thúc, anh trở về quê hương, bắt đầu cùng một số anh em thân thiết trong làng gây dựng cơ nghiệp cho đến giờ.

Nguyễn Văn Chuyên có duyên lắm! Cái duyên của anh khiến cho bất cứ ai gặp ngay từ lần đầu cũng cảm nhận được: từ nụ cười hiền lành, đến cả sự thật thà, chân chất đến lạ. Tôi hỏi, hơn 30 năm qua đã có cô nào ngỏ ý theo anh về làm vợ? Anh cười hiền khô: “Tôi bệnh tật lại nghèo, nào có ai dám dũng cảm mà theo. Tôi chẳng dám đến với ai  vì sợ họ khổ”.  Cách đây 10 năm, anh cũng được yêu và được sống trong những giây phút thăng hoa của thứ gọi là tình yêu ấy. 

Anh kể lại, trong một lần vào quán ăn ở  khu vực cầu Chiếc (huyện Thường Tín) có một cô gái tên Như chủ động đến bàn anh và xin phép được ngồi cùng.  Như bảo, cô quan sát anh từ khi anh bước vào quán.  Cuộc trò chuyện trong bàn ăn hôm ấy đã khiến Như thêm tò mò và ngưỡng mộ anh Chuyên nhiều hơn. Sau ngày hôm ấy là những cuộc điện thoại hỏi thăm, trao đổi giữa hai người lúc nửa đêm.

Hạnh phúc đến với anh trong sự vụng trộm. Người con gái ấy lén lút yêu anh trong rào cản ngăn cấm của gia đình. Họ không nỡ lòng nào để cho con gái họ khổ. Đơn giản vì một suy nghĩ, hạnh phúc sao nổi khi trao thân phận cho một kẻ mù như anh.
Mối tình kéo dài gần 4 năm. Thương chị,  anh chạy trốn thứ tình yêu vụng trộm đó và  ẩn mình nơi cửa phật. Anh suy sụp đến điên dại. Một thời gian dài sau đấy anh nương nhờ nhà chùa để tịnh tâm, mong chữa lành vết thương tình cảm. Anh quay lưng lại phía tôi một lúc rồi chợt im lặng chẳng nói một lời.

Tôi nghe thấy tiếng thở dài khe khẽ từ anh, có lẽ 10 năm qua anh đã cố gắng hết mình để tồn tại, để vươn lên đạp bằng số phận nhưng đến giờ, khi ngoảnh lại, điều anh khát khao nhất vẫn là một gia đình, một gia đình vẹn nguyên theo đúng nghĩa. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news