Tin mới

Dùng chậu nhựa tạo điện ở xóm thuyền Hà Nội có nguy hiểm khi gặp sét?

Thứ năm, 23/06/2016, 11:56 (GMT+7)

“Dùng chậu nhựa tạo điện gió có khi 6 tháng đã phải thay, còn nếu dùng thay thế bằng chậu nhôm hay thép mỏng không rỉ thì độ bền có khi kéo dài cả chục năm” – PGS. TS Trần Hồng Côn chia sẻ.

“Dùng chậu nhựa tạo điện gió có khi 6 tháng đã phải thay, còn nếu dùng thay thế bằng chậu nhôm hay thép mỏng không rỉ thì độ bền có khi kéo dài cả chục năm” – PGS. TS Trần Hồng Côn chia sẻ.

Liên quan tới việc sử dụng chậu nhựa tạo điện gió ở xóm thuyền dưới bãi sông Hồng (phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội), một số độc giả nhận định, những “phát kiến” này rất có lợi cho bà con xóm thuyền vì vật liệu dễ kiếm, giá thành lại rẻ và mang lại lợi ích thiết thực. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, thiết kế chậu nhựa để hứng gió thì độ bền rất kém. Như vậy, việc phải thay chậu nhựa thường xuyên sẽ khiến cho bà con xóm chài tốn chi phí nhiều hơn. Đó còn chưa kể tới việc các cột điện gió lắp đặt tại khu đất trống còn dễ bị sét đánh.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, PGS. TS Trần Hồng Côn (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, chậu nhựa thông thường được làm từ chất liệu PVC hoặc PE. Nếu để trong môi trường tối hoặc được chôn trong đất thì nhựa này có độ bền khá tốt. Tuy nhiên, nếu đặt ở ngoài trời thì nhựa sẽ bị lão hoá khá nhanh, độ bền giảm xuống.

Chậu nhựa được sử dụng làm quạt điện gió tại xóm thuyền bên bãi sông Hồng. Ảnh: Hữu Nghị/Dân trí

Theo PGS. TS Trần Hồng Côn, tia cực tím của ánh sáng mặt trời mạnh, nhiệt độ lại cao, kết hợp với hơi nước, ô xy có trong không khí là tổ hợp nguyên nhân phân hủy PVC, PE thành các mạch ngắn hơn, thậm chí bị đứt mạch, làm nhựa giòn, mủn. Do đó, vật liệu chậu nhựa nhanh hỏng.

“Chậu nhựa để phơi ngoài trời thì có thể 6 tháng đã phải thay; còn nếu thay thế bằng chậu nhôm hay thép mỏng không rỉ thì độ bền có khi kéo dài được cả chục năm, thậm chí còn có thể hơn. Do đó, nếu tính lâu dài, thì việc dùng chậu nhựa làm quạt hứng gió lại có giá thành không hề rẻ” - PGS. TS Trần Hồng Côn nhận định.

Liên quan tới nguy cơ các cột điện gió có thể bị sét đánh, ông Côn cho biết, nếu quá trình nối đất không tốt thì khi xảy ra tai nạn sét đánh có thể làm hỏng các thiết bị trên cột, thậm chí hỏng cả bộ phận phát điện. Tuy nhiên, vẫn có cách để hạn chế sự cố trên, đó là thiết kế để bộ phận tiếp đất không vào trong mô tơ.

“Thông thường, cột cao sẽ hứng sét rất tốt. Do đó, cần làm thu lôi ngay trên các cột điện gió để bảo đảm an toàn cho hệ thống cơ sở vật chất trên cột. Khi xảy ra sấm sét, thu lôi sẽ dẫn xuống đất chứ không vào máy. Như vậy mới có thể đảm bảo an toàn” – PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết thêm.

Trước đó, hàng chục chiếc thuyền tại xóm bãi sông Hồng – nơi neo đậu, ăn ở của những người buôn bán gốm sứ đã phải dòng dây “mua” điện từ trên bờ với giá thành khá cao. Hiểu được tình cảnh này, một nhóm các nhà tài trợ đã thiết kế và lắp đặt hệ thống điện gió đơn giản để tận dụng năng lượng gió tự nhiên có trên sông Hồng. 

Toàn bộ hệ thống tạo điện gió đều được làm từ các thiết bị, vật liệu dễ kiếm, giá thành rẻ. Cụ thể, hệ thống gồm cánh quạt hứng gió, mô tơ, ắc quy, bộ điều khiển sạc, nâng áp, bóng đèn led. Riêng phần cánh quạt hứng gió được tạo thành từ 4 chậu nhựa loại nhỏ.

Dòng điện sau khi được truyền vào ắc quy trong thuyền sẽ được đấu nối với bóng đèn loại 9W và sẽ thắp sáng đèn trong khoảng 4 giờ.

Ngoài ra, hệ thống tạo điện đều còn có thêm một tấm pin năng lượng mắt trời. Điện năng tạo ra từ tấm pin năng lượng sẽ được lưu lại trong bình ắc quy.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news