Tin mới

Đường Hoàng Cầu - “đường đắt nhất hành tinh” ngốn bao nhiêu tiền?

Thứ tư, 30/07/2014, 10:56 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Để xây dựng tuyến đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, chủ đầu tư phải bồi thường cho khoảng 500 hộ với tổng số tiền lên tới 820 tỷ đồng. Chi phí xây dựng tuyến đường là 77 tỷ đồng, chi phí cho vỉa hè 1,2 tỷ đồng.

(Tinmoi.vn) Để xây dựng tuyến đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, chủ đầu tư phải bồi thường cho khoảng 500 hộ với tổng số tiền lên tới 820 tỷ đồng. Chi phí xây dựng tuyến đường là 77 tỷ đồng, chi phí cho vỉa hè 1,2 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tuyến phố Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu được mệnh danh là tuyến phố “đắt nhất hành tinh”, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết: Tuyến phố này được xây dựng trên 100% diện tích là đất ở của người dân. Bởi vậy chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là rất lớn. Cụ thể, chủ đầu tư phải bồi thường cho khoảng 500 hộ với tổng số tiền lên tới 820 tỷ đồng. Chi phí xây dựng tuyến đường là 77 tỷ đồng và chi phí cho vỉa hè 1,2 tỷ đồng.

“Nếu như đường vành đai 2 trước đây chỉ có 24% đất của người dân, mức đề bù không quá cao thì tại tuyến đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, 100% đều là đất của người dân nên khoản chi phí chi cho việc giải phóng mặt bằng và đền bù trong dự án này là rất lớn. Chúng tôi phải đảm bảo những nhu cầu tối thiểu cho 500 hộ dân. Chỉ riêng mức đền bù giải phóng mặt bằng cho đoạn đường dài hơn 527 mét, rộng 50 mét này đã lên đến 820 tỷ đồng. Trong khi đó tổng chi phí cho xây dựng chỉ 77 tỷ đồng, và chi phí cho vỉa hè 1,2 tỷ đồng”, ông Nguyễn Sỹ Bảo giải thích.

Đường Hoàng Cầu - “con đường đắt nhất hành tinh” ngốn bao nhiêu tiền?

Tuyến đường Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa được mệnh danh là "con đường đắt nhất hành tinh"

Được mệnh danh là “con đường đắt nhất hành tinh” với mức kinh phí đầu tư khổng lồ, nhưng người dân liên tục "phàn nàn" về chất lượng của tuyến đường Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa. 

 Lý giải điều này, Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nguyên nhân được xác định là khi xây dựng nhà, trụ sở các hộ dân và cơ quan hai bên đường đã cho máy xúc lên vỉa hè để đào móng và phá dỡ nhà cũ, ô tô tải chở vật liệu và phế thải xây dựng…

Ngoài ra, nguyên nhân của sự xuống cấp và hư hỏng của tuyến đường này còn bắt nguồn từ việc đơn vị thi công, tư vấn giám sát và chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, để xảy ra tình trạng vi phạm, hư hỏng. Được biết, sau khi phát hiện hư hỏng, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công chỉnh sửa các nắp ga trên hè đảm bảo bằng phẳng so với mặt hè, đồng thời thay thế các diện tích gạch lún vỡ; Công tác khắc phục đã hoàn thành với diện tích sửa chữa 165m2.

Về trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan khi để tuyến đường vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo giải thích rõ: “Khi công trình đang trong quá trình triển khai thì trách nhiệm thuộc về nhà thầu thi công. Sau khi bàn giao công trình và được chủ đầu tư chấp nhận, phía nhà thầu còn phải bảo hành dự án trong thời gian 1 năm, nếu xảy ra sự cố thì phải chịu trách nhiệm khắc phục. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc quản lý khi đường làm chưa xong đã đưa vào khai thác. Lẽ ra công trình phải được làm xong mới đưa vào sử dụng. Nhưng trên thực tế công trình này lại đưa vào sử dụng từ tháng 12/2013, trong khi công trình mới chỉ chính thức được bàn giao từ ngày 29/7/2014.”

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua, ông Bảo cũng cho hay, sau khi sửa chữa vỉa hè phố đắt nhất hành tinh, chủ đầu tư phải cử người trông giữ hàng đêm cho tới ngày bàn giao dự án.

H.Minh

Xem thêm clip có thể bạn quan tâm: Chip tránh thai có tác dụng trong 16 năm

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news