Tin mới

Dương Khắc Linh: “Nghệ sĩ Việt hầu hết đang… ngắc ngoải, khó sống”

Thứ năm, 10/09/2015, 11:18 (GMT+7)

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh thẳng thắn nói: “Nếu không phải là một ngôi sao hạng A, bạn sẽ rất khó sống trong làng giải trí Việt. Mà hạng A, thì chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi”.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh thẳng thắn nói: “Nếu không phải là một ngôi sao hạng A, bạn sẽ rất khó sống trong làng giải trí Việt. Mà hạng A, thì chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi”.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh trong buổi gặp gỡ tại Hà Nội gần đây. Ảnh: Quang Chí

Với tư cách một người làm âm nhạc chuyên nghiệp, theo anh, các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc hiện nay nên coi là một sân chơi âm nhạc, hay là nơi tìm kiếm tài năng âm nhạc đích thực?

- Linh nghĩ là nó có thể là nơi tìm kiếm một thần tượng âm nhạc mới. Nhưng trước hết, nên coi nó là một sân chơi. Với Giọng hát Việt nhí- The voice kids, nó là nơi mà cho khán giả cảm xúc thật. Cảm xúc của thí sinh, của huấn luyện viên và của khán giả. Và đó là điều khiến mọi người muốn xem. Chứ Linh nghĩ là không phải người xem nào cũng hi vọng tìm ra những thần tượng. Bởi vì thực tế cũng rất khó làm được điều này.

Theo anh, một số thí sinh đoạt giải cao có nên tận dụng sức nóng từ cuộc thi để chạy show, như trường hợp của Phương Mỹ Chi, Huyền Trân…?

- Linh luôn nói với các bé trong đội mình là phải văn hóa cho tốt. Học đại học xong, rồi tính sau. Vì mình đi học, không phải là để có một cái nghề là trở thành doanh nhân hay bác sĩ hay một cái gì đó. Mà học tập giúp mình phát triển toàn diện trí não và các Kỹ năng sống. Sau này nó sẽ giúp mình dễ thành công hơn. Chứ nếu bỏ học để chạy show thì Linh không đồng ý.

Xem Video Dương Khắc Linh - Điều ngọt ngào mang tên Tháng Tám:

 [mecloud]v1p1K41PDZ[/mecloud]

Nhiều người cho rằng, đang được chú ý mà không chạy show thì cũng phí, anh nghĩ sao?

- Linh nghĩ là các em vẫn có thể đi học và lâu lâu đi hát. Cân bằng việc đó. Chứ không phải chỉ có đi học, hoặc chỉ có chăm chăm chạy show. Nhưng các em chỉ nên coi việc đi hát giống như một sở thích, chứ không phải nặng về kiếm tiền. Bởi vì tuổi của các em chưa phải là tuổi phải lo cơm, áo, gạo tiên. Và gia đình các em cũng không thiếu thốn đến mức phải tận dụng con mình bằng mọi cách.

Thanh Bùi sau The Voice Kids- Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên tặng cho học trò của mình rất nhiều học bổng âm nhạc. Còn anh sẽ dành điều gì cho các em?

- Các bé trong đội của Linh đa số là ở Hà Nội và cũng đang theo học tại các lớp thanh nhạc ở đó. Về phía Linh, với những bé quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc, Linh sẽ hỗ trợ các bé về mặt sản phẩm và những hoạt động khác trong nghệ thuật. Linh nghĩ là ở độ tuổi này, giữ sự nhẹ nhàng với các bé là quan trọng nhất. Động viên các bé đi học để nuôi được đam mê của mình hơn là việc cố gò các em vào một điều gì đó.

Trở về nước hoạt động và quan sát âm nhạc một thời gian, anh thấy là nền âm nhạc trẻ Việt Nam hiện tại có gì đáng chú ý?

- Linh nghĩ là ở Việt Nam chưa có một thị trường âm nhạc hay còn gọi là ngành “công nghiệp âm nhạc” đúng nghĩa. Chỉ có một số nghệ sĩ họ đầu tư cho âm nhạc nhiều và thu lời được nhiều mà thôi. Còn hầu hết là đang ngắc ngoải. Rất là khó khăn, khó sống.

Nếu bạn không phải ca sĩ hạng A, mà là hạng B, hạng C thì có hàng ngàn người giống bạn. Mỗi năm lại có thêm biết bao nhiêu ca sĩ trẻ từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc bước ra. Và ai cũng muốn sở hữu một phần trong chiếc bánh quy nhỏ xíu. Trong khi đầu tư cho nghệ thuật thì rất nhiều, vì phải có sản phẩm âm nhạc, quần áo, chụp hình, ekip, truyền thông… Và khi ra được sản phẩm rồi, lại mất nguyên cả năm để họ cày cuốc để trả nợ thôi, chứ chưa thực sự được thoải mái. 

Chính sự chưa chuyên nghiệp này vừa là một áp lực nhưng đồng thời cũng vừa là một cơ hội cho những người muốn trở thành ngôi sao, anh nghĩ thế nào về điều này?

- Đúng vậy. Cơ hội là ở Việt Nam, ai cũng có thể thành ca sĩ được. Họ không cần ai hết, chỉ cần có chút tiền thôi. Mua bài hát, làm MV rồi đăng tải lên các kênh âm nhạc là có thể được gọi là ca sĩ được rồi.

Dương Khắc Linh hội ngộ nhạc sĩ Thanh Phương. Ảnh: Quang Chí

Ở nước ngoài thì khó khăn hơn rất nhiều. Nếu muốn trở thành ca sĩ, bạn chắc chắn phải có một nhà đầu tư hoặc một đơn vị nào đó đứng sau mình để lăng-xê. Bởi vì chi phí đầu tư có thể lên tới vài triệu đô. Ví dụ như ở Hàn Quốc, để tạo nên một ca sĩ, ban nhạc thành công, họ phải đầu tư ít nhất 2 triệu đô/ năm trong vòng 3 năm đầu tiên, trước khi tung “gà” ra thị trường. Và sau đó là họ thu lời. Với những hiện tượng thành công, có thể trong năm đầu tiên họ đã hòa vốn.

Còn ở Việt Nam, người hát dở cũng có thể trở thành ca sĩ được. Trong khi ở nước ngoài, vòng tuyển chọn vô cùng khắt khe. Chỉ những người có tài năng thực sự mới được lựa chọn để đào tạo. Đó chính là sự khác biệt. Thị trường Việt Nam thì vẫn lộn xộn giống như một “đống rác” vậy, vì thế mà vừa tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhưng cũng áp lực vô cùng vì không phải ai cũng tự tồn tại được với nghề. Nếu không muốn nói là hầu hết đều đang ngắc ngoải, khó sống.

Ước muốn trong âm nhạc của anh là gì?

­- Điều tôi mong muốn gần nhất, là Việt Nam có một thị trường âm nhạc thực sự, để các anh em nghệ sĩ có thu nhập tốt hơn, nhiều động lực hơn. Nhất là nhạc sĩ, họ là những người vô cùng thiệt thòi. Vì vấn đề bản quyền không rõ ràng khiến họ dễ bị chán, và không sáng tạo được nữa. Điều này đáng phí vô cùng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh thành công với những dự án âm nhạc của mình!

Ngọc Ánh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news