Tin mới

Gặp lại Thượng tá CSGT cứu hơn 40 người tự tử tại cầu Chương Dương

Thứ sáu, 08/04/2016, 08:28 (GMT+7)

Trong gần 20 năm gác trên cầu Chương Dương Thượng tá Đoàn đã cứu hơn 40 người nhảy cầu tự tử cùng vô số lần bắt cướp.

Trong gần 20 năm gác trên cầu Chương Dương Thượng tá Đoàn đã cứu hơn 40 người nhảy cầu tự tử cùng vô số lần bắt cướp.

Thượng tá Lê Đức Đoàn có gần 40 năm phục vụ trong ngành công an, công việc bận rộn đến thời gian dành cho gia đình cũng ít ỏi. Vì vậy nên khi đã về hưu “người lính già” ấy mới có thời gian nhàn tản để thực hiện những thú vui của mình.

Qua nửa đời người và những việc lần đầu tiên được làm

Hẹn gặp Thượng tá Đoàn bây giờ không quá khó bởi như chính ông cũng hay nói vui “bây giờ tôi là tỷ phú thời gian”. Đi bằng chiếc xe Honda Wawe cũ, ông đến trò chuyện với người viết tại một quán trà trên đường Phan Đình Phùng.

Vẫn tác phong dứt khoát và nụ cười hiền hậu quen thuộc như ngày còn gác trên cầu Chương Dương, thậm chí trông Thượng tá Đoàn còn có phần trẻ hơn xưa. Có lẽ vì sau 2 năm rời mặt đường bỏng cháy, không còn hứng những cơn mưa như kim châm, nắng thiêu da thịt nên sức khỏe của ông đã tốt hơn nhiều.

Sau khi về hưu, cuộc sống của Thượng tá Lê Đức Đoàn đã có nhiều thay đổi. Ngày mới bắt đầu với ông không còn là việc nhận nhiệm vụ trên đơn vị mà là môn thể dục thể thao yêu thích, đôi khi là đưa cháu nội đi học hay đi chợ phụ “cô nhà”.

Nói về cuộc sống hơn 2 năm từ ngày rời bục điều khiển trên cầu Chương Dương, ông hồ hởi chia sẻ: “Cũng có những thay đổi. Tôi rất vui! Khi hoàn thành nhiệm vụ thì mình được về hưu, được gặp bạn bè, anh em, thực hiện đầy đủ trách nhiệm hơn với gia đình, họ hàng, được thường xuyên làm những công việc mình yêu thích. Có những việc vốn bình thường mà quá nửa đời người mới lần đầu tiên được làm”.

Đối với ông một trong những thú vui của mình lúc tuổi già là được gặp lại những bàn bè.

Nói về những việc “lần đầu tiên” ấy, vị thượng tá nhắc rất nhiều đến những người bạn học cùng ở Liên Xô. Thượng tá Đoàn tốt nghiệp ngành Luật Đại học Lukianopva thành phố Oriol, Liên Xô. Tết Bính Thân vừa rồi ông vừa có dịp hội ngộ với những người bạn trong nhóm “Hoài niệm Liên Xô”.

Ông nói trong xúc động về bạn bè, về trường Lukianopva và một nước Nga nặng ân tình. Phút trầm ngâm hoài niệm, ông lấy ra một bức ảnh rồi chỉ từng vị trí phòng học, phòng kí túc xá,… mình đã gắn bó khi còn ở Nga. Vị thượng tá đau đáu ấp ủ kể hoạch trở lại thăm nước Nga vào năm tới.

Dịp cận Tết Nguyên đán vừa rồi, Thượng tá Đoàn cũng đã tham gia chương trình Từ thiện tặng quà cho đồng bào ở Mộc Châu, Sơn La.

Ông kể: “Khi hay tin nhóm Hoài Niệm Liên Xô vận động quyên góp giúp đỡ bà con vùng núi phía Bắc tôi đã xin tham gia cùng. Đợt ấy rét lắm, tôi dậy từ 2h sáng đi xe máy sang cổng trường Đại học Y để tập trung cùng đoàn chở hàng lên Mộc Châu. Tôi nhớ những gương mặt bà con khi nhận quà. Phấn khởi lắm! Đấy cũng là niềm vui khi về già của mình”.

Vị CSGT già cho biết, cuộc sống có lúc thăng trầm nhưng ông cảm thấy rất viên mãn vì khi nghỉ rồi vẫn được bạn bè, anh em nhớ đến, con cái trưởng thành còn mình vẫn làm được những việc có ích.

"Phải sống một cuộc đời đáng sống!"

Cảnh sát, công dân ưu tú Lê Đức Đoàn được biết đến nhiều vì những thành tích cứu người. Nhiều người bảo ông có “duyên” cứu người, cũng vì cái “duyên lạ” này mà có lần trong lúc bắt cướp ông bị thương nặng trở thành thương binh ¾.

Thế nhưng khi nhắc đến những thành tích này ông luôn bảo đây là việc rất dung dị đời thường.

“Mình là người lính, mình phải đảm bảo an toàn cho người dân trước. Tôi bị thương trong lúc chiến đấu, đó là nhiệm vụ, mình phải chấp nhận. Chỉ cần là đồng loại của mình thì mình phải ra tay giúp đỡ, đó là tình người với nhau. Nếu bây giờ gặp những tình huống như thế tôi vẫn sẵn sàng cứu giúp”, ông nói.

Thượng tá Đoàn luôn coi mình là một người may mắn, may mắn bởi được giúp nhiều người.

Người "lính già" tham gia đoàn từ thiện với bạn bè. Ảnh NVCC

Cũng bởi những việc làm nghĩa hiệp và đức tính của “người lính Cụ Hồ” nên thượng tá Đoàn được rất nhiều người yêu mến.

Thậm chí trên Facebook còn có một “Hội những nguời yêu mến thượng tá Lê Đức Đoàn”. Ông vẫn nói vui rằng mình là người có nhiều “con cháu". Những người được ông giúp đỡ vẫn thường xuyên thăm hỏi gọi là “Bác Đoàn”, “Bố Đoàn”, “Ông Đoàn”…

Ông chia sẻ: “Tôi thích được gọi bằng những đại từ nhân xưng như thế. Trân trọng lắm! Họ có quý mình, coi mình như người nhà thì mới gọi bằng cái tên thân mật như vậy. Đó là những huân chương vô hình mà nhân dân đã trao cho tôi”.

Trong cuộc trò chuyện, vị Thượng tá nhắc nhiều đến từ “vô cảm”. Từ việc bản thân ông không thể vô cảm trước những người gặp nạn đến nỗi băn khoăn về hiện tượng vô cảm trong xã hội ngày nay.

Ông nói: “Cùng là dừng xe lại khi thấy tai nạn nhưng thay vì giơ điện thoại lên quay, chụp thì hãy gọi cấp cứu cho người ta, hãy xuống xe bế người ta lên thì có phải nhân văn hơn không? Đứng xem gây tắc đường mà đồng loại của mình thì đang nguy kịch...”.

Nói đến đây, ánh mắt vị Thượng tá già trầm tư hơn, ông bảo: "Trong cuộc sống nên có cái đầu phải lạnh, trái tim phải ấm, bàn tay phải sạch, phải sống một cuộc đời đáng sống”.

Công Luân

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news