Tin mới

Gia Lai: "Vào mùa" học sinh nghỉ học phụ giúp gia đình mưu sinh

Thứ ba, 05/04/2016, 10:15 (GMT+7)

Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều em học sinh tại Gia Lai đồng loạt nghỉ học để đi làm nương rẫy phụ giúp gia đình. Điều đáng nói, có những ngày số lượng học sinh nghỉ học chiếm hơn 30\%/ tổng số học sinh.

Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều em học sinh tại Gia Lai đồng loạt nghỉ học để đi làm nương rẫy phụ giúp gia đình. Điều đáng nói, có những ngày số lượng học sinh nghỉ học chiếm hơn 30%/ tổng số học sinh.

Nghỉ học theo thời vụ

Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, tại trường THCS Đắk Jơ Ta (Xã Đắk Jơ Ta, huyện Mang Yang, Gia Lai), dù mới ngày đầu tuần nhưng có rất nhiều học sinh không đến trường. Tại lớp 7B, chỉ có 8 em học sinh đi học trên tổng số 24 em.

Lớp học 7B, trường THCS Đắk Jơ Ta vào ngày thứ 2 chỉ có 8 em học sinh

 

Cô Trần Thị Minh – Hiệu trưởng trường THCS Đắk Jơ Ta cho biết, đây là thời điểm thu hoạch khoai mì nên nhiều em học sinh nghỉ học để đi phụ giúp gia đình. Hiện toàn trường có 214 em học sinh, trong đó 80% là người dân tộc thiểu số, đa phần là người dân tộc Bahna nên trình độ dân trí thấp, kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo cô Minh, mỗi ngày có khoảng 40-45 em học sinh nghỉ học, tập trung chủ yếu ở các khối lớp 8 và lớp 9. Thậm chí vào những ngày trong làng có lễ hội thì học sinh nghỉ học nhiều hơn, có thể lên đến 65-70 em.

Cũng theo cô Minh, Ngôi làng Đê Btứk (xã Đắk Jơ Ta) có nhiều em học sinh nghỉ học nhất, hàng ngày có hơn chục em nghỉ học trong tổng số 52 học sinh đang theo học tại trường THCS Đắk Jơ Ta. Nguyên nhân vì ngôi làng này nằm cách trường khá xa khoảng 5km, nhiều em học sinh không có phương tiện đi học.

Tương tự, tại trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê, vừa bước vào học kỳ II đã có 88 em nghỉ học, trong có 60% là người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân nghỉ học cũng được xác định là do gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn, nên các em phải đi theo cha mẹ làm nương rẫy.

Ngoài ra, các trường tại huyện K’Bang, huyện Ia Pa, huyện Kon Chro…tình trạng học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số cũng nghỉ học theo cha mẹ đi làm mùa nương rẫy.

Nhọc nhằn vận động các em học sinh đi tìm con chữ

Cô Trần Thị Minh cho biết, việc các em nghỉ học chỉ là thời vụ, chứ không bỏ học hẳn. Em nào nghỉ nhiều chừng khoảng một tuần rồi cũng đi học lại bình thường.

Trường học THCS Đắk Jơ Ta ngày nào cũng có nhiều em học sinh nghỉ học

Em Đưk ( người Bahna không có họ) học sinh lớp 9, trường THCS Đăk Jơ Ta cho biết: “Em rất muốn đi học, nhưng vì nhà nghèo nên em theo bố mẹ lên rừng làm nương rẫy. Hơn nữa nhà em cách xa trường 5 km, mà em lại không có xe để đi học, có chiếc xe đạp thì bị hư. Vì vậy khi nào có bạn đi nhờ được thì em sẽ đi học lại”.

Để cho các em học sinh đều đặn ra lớp, cứ vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần các thầy cô trường THCS Đắk Jơ Ta vào nhà từng vận động phụ huynh cho các em học sinh đi học. Tuy nhiên, việc vận động này không hề đơn giản vì nhiều phụ huynh chỉ muốn con nghỉ học ở nhà giúp việc gia đình.

Cô Minh nhớ lại: “Hôm đó vào nhà một em học sinh để vận động gia đình cho em đi học thì gặp phụ huynh đang ngồi uống rượu. Thay vì đồng tình cho con đi học, phụ huynh đã quay qua cô giáo mà đối chất rằng: Cô giáo có học vấn, đi xe đẹp nhưng vẫn phải khổ cực đi chặng đường dài để năn nỉ học sinh đi học, trong khi tôi không biết chữ nhưng ngày nào cũng có rượu uống có phải sướng hơn không. Vậy thì đi học để làm gì?”

Trong khi đó, cô Lại Thị Hường, chủ nhiệm lớp 6B, trường Đắk Jơ Ta sau một ngày đi vận động 12 em học sinh đi học thì đến hôm sau tất cả các em đều đến lớp. Quá vui mừng, cô Hường đã chạy ngay đi mua kẹo cho các em học sinh ăn nhằm khích lệ cho các em có thêm động lực để tiếp tục đi học.

Ông Hồ Văn Điệp – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mang Yang cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khai giảng, phòng GD huyện và các trường đi vận động, rồi trong thời gian học cũng đi vận động nhưng xem ra vẫn không mang lại hiểu quả nhiều. Lý do, theo ông Điệp, việc vận động học sinh đi học phải gắn liền với phát triển kinh tế. Phần lớn học sinh bỏ học là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống lại nghèo khó nên trước mắt họ phải lo mưu sinh thay vì lo cho con em đi học chữ. Hiện phòng GD cũng đã tham mưu cho UBND huyện Mang Yang chỉ đạo cho các cấp xã để thường xuyên đôn đốc vận động con em đi học.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hà – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, Sở đã làm văn bản gửi các đơn vị cơ sở yêu cầu báo cáo tình hình học sinh nghỉ học để từ đó có hướng giải quyết. “Vào ngày 6/4, Sở GD&ĐT Gia Lai sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề học sinh bỏ, chắc chắn sau hội thảo Sở sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học”. – Bà Hà khẳng định.

Tuấn Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news