Tin mới

Giải mã chuyến thăm bất thường của Tập Cận Bình tới Hàn Quốc

Thứ năm, 03/07/2014, 09:55 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Việc bỏ qua “người anh em” Triều Tiên để đến thăm Hàn Quốc trước của ông Tập Cận Bình liệu có ý đồ gì? Mối quan hệ Trung Quốc- Triều Tiên phải chăng đã đến hồi rạn nứt?

(Tinmoi.vn) Việc bỏ qua “người anh em” Triều Tiên để đến thăm Hàn Quốc trước của ông Tập Cận Bình liệu có ý đồ gì? Mối quan hệ Trung Quốc- Triều Tiên phải chăng đã đến hồi rạn nứt?

 Trang BBC tiếng Trung cho rằng chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 3-4/7 đã khuấy động sự tò mò của cộng đồng quốc tế.

Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Hàn Quốc kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Park Geun-hye hồi tháng 6 năm ngoái, nhưng chuyến đi lần này của ông Tập Cận Bình không bình thường. Theo truyền thống, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn thăm Bình Nhưỡng trước rồi mới tới Seoul. Nhưng lần này, Hàn Quốc lại được “ưu tiên” trước Triều Tiên – vốn là đồng minh của Trung Quốc.

Bà Park Geun-hye trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6/2013. Ảnh: THX

Bà Park Geun-hye trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6/2013. Ảnh: THX

Liu Ming, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải tiết lộ: kế hoạch ban đầu của ông Tập là đến thăm Bình Nhưỡng trước nhưng lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un đã không mặn mà với việc này.

Điều này khiến Trung Quốc vô cùng khó chịu. Trung Quốc và Triều Tiên vốn thân nhau như an hem. Bắc Kinh vốn là đồng minh thân cận nhất, là nhà đầu tư chính và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo sau cái chết của cha ông, cố chủ tịch Kim Jong-il vào năm 2011, ông không hề thể hiện sự tôn trọng với Trung Quốc – điều mà Bắc Kinh hi vọng, Wall Street Journal bình luận. Ông Kim đã bỏ qua những cảnh báo đến từ Bắc Kinh và tiếp tục tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thứ 3 vào tháng hai năm ngoái.

Kim Jong-un còn xích lại gần Nga và Nhật Bản để tìm kiếm sự hỗ trợ và đầu tư với hi vọng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này càng khiến Bắc Kinh thất vọng hơn. Theo tin tức từ tờ Chosun Ilbo, Bình Nhưỡng đã hứa sẽ xem xét lại trường hợp của những công dân Nhật Bản bị bắt cóc ở Triều Tiên và được Nga miễn cho khoản nợ 10 tỷ USD. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố mình rất vui mừng khi thấy Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ với các nước láng giềng nhưng chắc chắn Bắc Kinh không thể “cười” nổi khi thấy quan hệ giữa Bình Nhưỡng-Tokyo ngày càng gần gũi giữa lúc căng thẳng Trung-Nhật đang leo thang.

Chosun Ilbo cho rằng chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình rõ ràng đã làm đảo lộn Bình Nhưỡng. Đây là chuyến thăm có thể định hình lại mối quan hệ Trung-Hàn, bán đảo Triều Tiên và thậm chí là cả bản đồ chính trị của Đông Á. Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế của mình trong chuyến thăm này để cân bằng lại quyền lực của mình tại châu Á và thách thức Mỹ.

Cuộc gặp gỡ cấp cao giữa ông Tập và bà Park dự kiến sẽ thảo luận về những vấn đề được 2 bên quan tâm: an ninh khu vực và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, hãng Yonhap của Hàn Quốc đưa tin. Hồi tháng sáu năm ngoái, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ban hành thông báo chung ở Bắc Kinh tuyên bố Triều Tiên không được sở hữu vũ khí hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cả 2 bên đều nhất trí: bất kỳ nghiên cứu nào liên quan đến vũ khí hạt nhân đều đe dọa nghiêm trọng tới không chỉ bán đảo Triều Tiên mà cả khu vực Đông Á và toàn cầu.

Cũng theo Yonhap, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Seoul là tín hiệu cảnh báo gửi đến Bình Nhưỡng.

Một số chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang gây sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua chuyến thăm chưa từng có này.

Chiang Yuan-chen, phóng viên của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan cho biết ngày 30/6, Seoul đã đề nghị Bình Nhưỡng ngừng tất cả các hoạt động thù địch cho đến ngày 4/7. Đây được xem là do Bắc Kinh tác động.

Liu Ming lại nghĩ khác. Ông cho rằng Kim Jong-un chưa tới thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền bởi 2 nước chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận về vấn đề hạt nhân. Ông Kim không chỉ từ chối việc từ bỏ vũ khí hạt nhân mà còn đe dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư.

Từ quan điểm của Trung Quốc có thể thấy Bắc Kinh không thể cứ chờ đợi để Kim Jong-un vờn bóng mãi trong khi mối quan hệ với Hàn Quốc lại đang ấm dần lên. Việc đề nghị ngừng các hoạt động thù địch, theo ông Liu, chẳng qua chỉ là một thủ thuật ngoại giao để Bình Nhưỡng đối phó với Bắc Kinh và đảm nhận vai trò dẫn đầu khi nói đến vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Bảo Linh (Theo Wantchinatimes)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news