Tin mới

Giáo sư Phan Huy Lê - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam qua đời ở tuổi 85

Thứ bảy, 23/06/2018, 20:34 (GMT+7)

Giáo sư Phan Huy Lê là một trí thức tận tâm, tận lực với Tổ quốc. Ông qua đời  lúc 13h ngày 23/6 tại bệnh viện Bạch Mai

Giáo sư Phan Huy Lê là một trí thức tận tâm, tận lực với Tổ quốc. Ông qua đời  lúc 13h ngày 23/6 tại bệnh viện Bạch Mai.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời vài lúc 13h06 phút  tại bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tim, hưởng thọ 85 tuổi.

GS Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh.

Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú…

Năm 1952, khi 18 tuổi, Phan Huy Lê rời gia đình ra học dự bị đại học ở Thanh Hóa. Sau đó ông dự định chọn học Toán - Lý, nhưng GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh đã hướng ông vào học ban Sử - Địa, Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ khi đi học, ông đã được các thầy giao làm trợ lý giảng dạy.

Những công trình nghiên cứu đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (1959), Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn (1959), Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam (1959)…

Giáo sư Phan Huy Lê. Ảnh: Dân Trí

Ngoài việc giảng dạy trong nước, ông còn tham gia giảng dạy cho nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học Paris (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)...

Từ năm 1988 đến nay, ông liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia...

Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lịch sử và văn hoá Việt Nam”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”…

Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016) vì những đóng góp xuất sắc cho nền sử học nước nhà.

Giang Trần (tổng hợp) 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news