Tin mới

Hãi hùng gà chảy nước, yến sào bị làm trắng bởi nước tẩy

Thứ hai, 06/07/2015, 14:21 (GMT+7)

Thị trường thực phẩm hỗn loạn tiếp tục khiến người tiêu dùng hoang mang khi liền một lúc tiếp nhận nhiều thông tin đáng sợ: yến sào bị làm trắng bởi nước tẩy toilet và thịt gà giá rẻ chảy nước bán tràn lan.

Thị trường thực phẩm hỗn loạn tiếp tục khiến người tiêu dùng hoang mang khi liền một lúc tiếp nhận nhiều thông tin đáng sợ: yến sào bị làm trắng bởi nước tẩy toilet và thịt gà giá rẻ chảy nước bán tràn lan.

Tin tức trên VTV cho biết, trong một con hẻm thuộc địa bàn Quận 6, TP. HCM, có những sự thật về yến sào rợn người chưa bao giờ được kể.

Sau khi ngâm đường, những sợi yến vụn sẽ tăng ít nhất 25% trọng lượng. Nhưng trọng lượng đó dường như vẫn quá ít so với kỳ vọng của tư thương. Để tối đa hóa lợi nhuận, những sợi yến dài sẽ được nhúng chìm hẳn vào đường, sau đó đến công đoạn vô khuôn, tạo hình. Những sợi yến dài nhất được để ở mặt ngoài, những sợi yến vụn sẽ được nhét vào bên trong, sau đó đóng khuôn rồi mang đi sấy. Tại nơi sấy, yến sẽ được quạt liên tục trong vòng 8 tiếng, rồi bỏ vào khay.

Yến sào được tẩy trắng bằng nước rửa bồn cầu gây sốc

Tẩm đường vào yến đã trở thành một nghề có chia vai vế, đẳng cấp về độ tinh vi. Với những người chuyên gia công yến, không khó để hô biến 1 kg đường có trị giá chỉ 30.000 đồng thành 1 kg yến trị giá tới 30 triệu đồng. Nếu không may bị phát hiện gian dối, tư thương có thể sẽ nói họ tẩm đường vào để người tiêu dùng đỡ phải thêm đường khi chưng yến. Khủng khiếp hơn, khi tẩm đường vào yến, các loại dung dịch công nghiệp chuyên dùng để tẩy uế bồn cầu như nước Oxy già hay nước Javen, được sử dụng khá nhiều.

Theo một số nhà kinh doanh yến, hiện nay trên thị trường, cứ 10 điểm kinh doanh yến thì có từ 8 đến 9 điểm bán yến tẩm đường. Tỷ lệ đường dao động từ 5% đến 60%. Khi chưng yến lên, đường sẽ phản ứng hóa học với các chất dinh dưỡng trong yến và vô hiệu hóa nhiều chất dinh dưỡng quý. Như vậy, người tiêu dùng vừa phải trả tiền cao gấp trăm lần để mua đường, vừa phải ăn yến kém chất lượng.

Liền với đó, loại thịt gà giá rẻ 25.000 đồng/kg cũng được phát hiện đang được bày bán la liệt tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) và được rất nhiều sinh viên, dân lao động mua về ăn.

Theo Vietnamnet, đây là thịt gà công nghiệp, không cánh, không chân. Bằng mắt thường, ai cũng thấy thịt gà có màu khá nhợt nhạt. Nhiều miếng thịt gà còn chảy nước, ruồi bâu đầy.

Thịt gà chảy nước giá siêu rẻ bày bán tràn lan. Ảnh: Vietnamnet

Theo một chủ sạp thịt gà, gà nguyên con, tức gà còn đùi, cổ, không có cánh, chân giá 35.000 đồng/kg, đùi gà giá 40.000 đồng/kg, rẻ nhất là lườn gà giá chỉ 30.000 đồng/kg mua lẻ, khách mà khéo mặc cả giá chỉ còn 27.000 đồng/kg. Chưa kể, mua 5kg trở lên tiểu thương chỉ lấy 25.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nguồn gốc của loại thịt gà này thì vẫn chưa được kiểm chứng, chỉ biết theo nhiều người tiêu dùng, do giá quá rẻ và ăn “không thấy vấn đề gì” nên họ vẫn mua về ăn.

Câu chuyện an toàn thực phẩm vẫn luôn là đề tài nóng hổi trên thị trường. Hàng ngày, hàng giờ, người tiêu dùng Việt Nam vẫn bị bủa vây trong muôn vàn các ‘trò”, “mánh lới” không giới hạn của các tiểu thương.

Đơn cử gần đây nhất là câu chuyện “Biến thịt lợn thành thịt thú rừng”. Tin tức trên báo Người Lao Động cho hay, sáng 30/6, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM đã phát hiện và xử lý một cơ sở sản xuất thực phẩm từ động vật mà không có giấy phép.

Cơ sở nói trên nằm trên đường Phạm Hùng, ấp 4A, xã Bình Hưng, do bà Nguyễn Thị Kim T (sinh năm 1982) làm hủ.

Kiểm tra khu vực tủ đông lạnh của cơ sở Đoàn kiểm tra phát hiện các loại thịt để trong khay xốp. Trong đó có cả các sản phẩm thịt đã được đóng vào bao bì hút chân không với nhãn mác đủ loại: thịt nai, đà điểu, nhím,…

Các loại thịt “thú rừng” này trông không khác gì phần thịt chưa được đóng gói mà chủ cơ sở khai là thịt lợn.

Tại khu vực in nhãn mác, bao bì của cơ sở, Đoàn kiểm tra không hề phát hiện thấy nhãn mác nào ghi “thịt lợn”. Tất cả đều là nhãn mác những loại thịt thú rừng kể trên, được quảng cáo là nguồn thịt được nuôi ở trang trại tại Sóc Trăng, nhưng lại không có địa chỉ, SĐT liên lạc.

Ngoài máy đóng gói mini, lọ đựng hóa chất, cơ quan chức năng phát hiện nhiều bao bì in các lời quảng cáo như: “thực phẩm của thế kỷ 21”, “thực phẩm của thời đại”, “từ trang trại Khánh Hòa”, “từ trang trại nuôi Sóc Trăng”… nhưng lại không in tên công ty, địa chỉ nơi sản xuất.

Qua làm việc, bà T khai nhận thịt lợn được mua từ chợ Bình Điền (quận 8) với giá 85.000 đồng/kg sau đó chia nhỏ bán cho các mối tiêu thụ ở tỉnh. Còn với các loại in trên bao bì là thịt đà điểu, nhím, nai được bán vào quán nhậu, nhà hàng với giá 95.000 – 115.000 đồng/kg.

Chủ cơ sở khai nhận, các sản phẩm thịt thú rừng trên được bán cho các nhà hàng, tiệc cưới với giá rất mềm. Còn phần thịt heo được mua buôn số lượng lớn rồi chia ra các gói nhỏ bán đi các tỉnh.

Cơ quan chức năng thu giữ tổng cộng 654 kg thịt các loại, trong đó có 92kg được đóng bao bì, dán nhãn thịt nhím, nai, 128kg in mác cánh và bao tử đà điểu. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính với chủ cơ sở và tiến hành niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm để tiếp tục xử lý.

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: yến sào bẩn